Sông Loan còn được gọi là sông Roòn, bắt nguồn từ dãy Hoành Sơn đổ ra biển, đi qua địa phận nhiều xã, trong đó có xã Quảng Tùng, Quảng Phú và đổ ra biển thông qua cửa Roòn. Con sông là nơi mưu sinh của người dân địa phương, cung cấp nguồn nước cho nhiều sản vật nổi tiếng như “sò huyết tiến vua”, thủy hải sản, cũng như cung cấp nguồn nước tưới tiêu.
Tuy nhiên, trong những năm trở lại đây, tình trạng xói mòn, sạt lở đang khiến người dân thấp thỏm lo sợ khi bờ sông đã bị “ăn” mất khoảng 9 - 10m, cận kề với phần đất trong sổ đỏ của nhiều hộ dân nằm ngay sát bờ.
Trưởng thôn Di Luân Trần Sự cho biết bờ sông đã bị "ăn" mất một khoảng lớn. Ảnh: Khánh Trinh |
Tại Hội nghị tiếp xúc với cử tri huyện Quảng Trạch ngày 2.10 của Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình, cử tri xã Quảng Tùng đã bày tỏ lo lắng về tình trạng bờ sông ngày càng bị thu hẹp, với phần đất bị “ăn mòn” dần qua từng mùa mưa, mùa lũ.
Trao đổi với PV, ông Trần Sự, Trưởng thôn Di Luân, xã Quảng Tùng, cho biết: “Chúng tôi là dân gốc ở đây. Ngày xưa diện tích bờ sông từ chỗ đứng đến mép sông phải đến khoảng 10m, nhưng đến thời điểm bây giờ thì mất hết, sông ăn vào đến chỗ tôi đứng. Hàng năm, nước sông lên xuống, rồi dòng chảy đều gây xói mòn. Hiện tại còn cây cối che mất phần sạt lở chứ nếu chặt hết thì sẽ thấy rất rõ”.
Trưởng thôn Di Luân cũng cho biết thêm, sạt lở còn ăn vào diện tích sổ đỏ một số hộ dân.
Xói lở, xâm thực tại một số vị trí của bờ sông Roòn. Ảnh: Khánh Trinh |
Ông Trần Văn Thông, người dân xã Quảng Tùng, mong muốn hỗ trợ xây kè chống sạt lở để giữ đất, giữ nhà về sau. Ảnh: Khánh Trinh |
Bờ sông Roòn phía tả ngạn qua xã Quảng Phú đã được xây dựng kè chống xâm thực. Ảnh: Khánh Trinh |
Người dân của thôn Di Luân cho hay, những năm xảy ra đợt mưa lũ lớn, xói lở sẽ diễn ra mạnh hơn, đặc biệt trong 5 - 7 năm trở lại đây. “Hiện tại nhà tôi ở đây chỉ cách mép nước 4 - 5m, sẽ sớm ảnh hưởng đến đất canh tác nên chúng tôi rất lo sợ”, ông Trần Bảo Trung (SN 1975), người dân thôn Di Luân cho biết.
Được biết, đối diện ngay phía Bắc của bờ sông Roòn đoạn qua địa phận xã Quảng Tùng là xã Quảng Phú, cũng từng xảy ra tình trạng xâm thực nghiêm trọng. Từ nguồn vốn ngân sách Trung ương năm 2022, tỉnh Quảng Bình đã quyết định xây dựng Dự án Xử lý khẩn cấp, khắc phục kè tả ngạn sông Roòn đoạn từ thôn Hải Đông đến thôn Phú Xuân thuộc xã Quảng Phú với chiều dài 350m, tổng mức đầu tư 11 tỷ đồng. Công trình được đầu tư xây dựng nhằm chống xói lở, giữ ổn định bờ tả vùng cửa sông, nhằm bảo vệ tính mạng và tài sản các hộ dân, bảo vệ diện tích đất đai và các cơ sở hạ tầng của xã Quảng phú, huyện Quảng Trạch.
Theo ông Trần Văn Thông (SN 1952), thôn Di Luân, xã Quảng Tùng, cho biết, ngày trước khi bên kia chưa có kè, cả 2 bên bờ sông đều bị xói mòn, nhưng bây giờ khi tả ngạn sông có kè thì người dân nhận thấy mức độ xói mòn ở hữu ngạn nhanh hơn.
Được biết, bờ sông Roòn qua xã Quảng Tùng dài khoảng 2,5km.
Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Tùng Trịnh Anh Tuấn thông tin về vấn đề sạt lở bờ sông trên địa bàn. Ảnh: Khánh Trinh |
Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Tùng Trịnh Anh Tuấn cho biết, vấn đề sạt lở ở hữu ngạn sông Roòn trên địa bàn hai thôn Di Luân và Phúc Kiều của xã Quảng Tùng đã xảy ra rất lâu, từ hơn 30 năm nay.
“Từ khi kè chống sạt lở của phía tả ngạn được xây dựng, dòng chảy lấn mạnh sang phía xã Quảng Tùng, gây sạt lở rất nhiều cho bờ sông phía phải. Vấn đề sạt lở sông Roòn đã ảnh hưởng đến khoảng 30 hộ dân ở thôn Phúc Kiều và hơn 100 hộ dân ở thôn Di Luân. Thậm chí, có nhà bị sạt lở cả vào đất thổ cư, ảnh hưởng rất lớn đến vấn đề an toàn của người dân”, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Tùng cho biết.
Một vị trí bờ sông bị xâm thực |
Do đó, người dân cũng như chính quyền địa phương xã Quảng Tùng mong muốn các cấp, các ngành quan tâm đầu tư xây dựng bờ kè cho xã Quảng Tùng. Đây cũng là đề nghị cấp bách và phù hợp nhằm đảm bảo đời sống an toàn của bà con trên địa bàn 2 thôn Di Luân và thôn Phúc Kiều.
“Mong muốn rằng làng xóm có kè để ổn định đất đai, nhà cửa, và các cấp, các ngành giải quyết được phần nào thì người dân nhờ phần đấy”, ông Trần Văn Thông, người dân thôn Di Luân bày tỏ.
Tác giả: Khánh Trinh
Nguồn tin: daibieunhandan.vn