Nhân ái

Người mẹ một tay và gánh cháo quận 4 nuôi con gái vào Đại học Y dược TP.HCM

Nồi cháo của cô Lê Thị Lệ Nga, 58 tuổi, nép mình trên đường Nguyễn Khoái (Quận 4) vài năm nay vốn rất quen thuộc với người dân nơi đây. Hình ảnh bà múc cháo, dọn bàn ghế, lau rửa chén... đều chỉ bằng một tay đã khiến nhiều thực khách cảm động.

Cô bán cháo mất một tay vẫn cặm cụi mưu sinh nuôi con gái vào trường Y

Từ tạp vụ, bán vé số... đến nồi cháo nuôi giấc mơ con gái

Những ngày thời tiết TP.HCM nóng đến ngộp thở, cô Lệ Nga chỉ với một tay trái vẫn thoăn thoắt phục vụ từng tô cháo nóng hổi cho khách. Mồ hôi ướt sũng nhưng cô vẫn tươi cười khi có khách đến ăn, cô nói: "Có khách là có tiền học phí cho con".

Xe cháo của cô Lệ Nga ở đường Nguyễn Khoái, Quận 4

Mất tay phải từ khi còn nhỏ, người phụ nữ nghị lực vẫn không đồng hàng số phận mà cố gắng vươn lên, dù cuộc sống của cô chẳng hề dễ dàng gì: Bố mất sớm, mẹ đi làm ăn xa nhà, cô Nga lớn lên bằng tình thương của ông bà ngoại già. Học đến năm cấp 3 thì phải bỏ dở vì gia đình khó khăn không còn chi phí. Lúc đó cô đã tự nhủ, sau này có con, bằng mọi giá phải nuôi con ăn học thành tài, viết tiếp giấc mơ dang dở của mẹ.

17 tuổi, cô rời gia đình, lao ra đường kiếm tiền tự trang trải, 10 năm sau, cô gặp người đàn ông của đời mình, họ kết hôn và sinh được 2 người con gái.

Dù nhiều lúc khó khăn cùng cực đến mức phải chạy vạy tiền bạc, nhưng 2 vợ chồng chưa từng dựa dẫm vào ai. Họ cứ làm và làm, trả hết tiền nợ, tiết kiệm tiền nuôi con, cho con ăn học. Cô Nga kể, cô không nề hà bất cứ công việc gì, miễn ai thuê thì nhận, miễn có tiền thì làm.

Nhiều thực khách quen thường đến ăn ở đây

"Trước đây cô làm tạp vụ, bán vé số, trái cây, bán rau cả... Nhưng rồi thấy bán cháo thì giữ được chân khách nhiều hơn, mọi người cũng đến ủng hộ nhiều, kiếm được chút đỉnh cho con gái ăn học", cô chia sẻ.

Cô Nga có 2 người con, con gái lớn đã lấy chồng, con gái nhỏ thì sắp tốt nghiệp ĐH Y dược TP.HCM. Học phí mỗi năm đến 50 triệu đồng nhưng hai vợ chồng vẫn cố gắng xoay sở, thậm chí phải đi vay các gói tín dụng.

"Khi nào con còn học trường Y thì mẹ còn bán cháo"

Để chuẩn bị nguyên liệu, cô Nga thức dậy từ 5,6 giờ sáng, loay hoay đến hơn 10 giờ mới xong, bắt đầu đẩy xe cháo ra góc đường bán từ 11 - 12 giờ trưa đến khi hết thì thôi.

"Hôm nào hết sớm thì khỏe, hôm nào còn nhiều quá thì cô cũng cố ở lại bán cho hết mới về. Chồng cô luộc đồ, cắt đồ, như luộc gan, tim, hành, gừng ….là ổng cắt hết. Cô chỉ nấu, cắt bánh…coi vậy chứ công việc cũng nhiều", cô Nga kể.

Theo lời cô Nga, những lúc rảnh rỗi, con gái cô cũng tranh thủ ra phụ mẹ. Biết bố mẹ vất vả nên cô nữ sinh trường Y chăm chỉ học hành, chờ ngày báo đáp công ơn. Với cô, con ngoan, hiểu chuyện, là cô đã mãn nguyện rồi.

Vuốt từ giọt mồ hôi trên trán giữa cái nóng 40 độ C, cô Nga nói: "Bán thì bữa được bữa không nhưng cũng có đồng ra đồng vô để lo cho nó, chứ giờ không bán thì lấy gì cho con đi học. Khi nào con còn đi học thì mẹ còn đi bán. Bây giờ bữa nào ra bán cô cũng phải mua 1 viên thuốc uống vô trước đã, càng lớn sức khỏe mình càng yếu rồi".

Dù chỉ có 1 tay nhưng bù lại, cuộc đời cho cô Nga một mái ấm trọn vẹn. Các con là động lực để cô phấn đấu mỗi ngày.

Tác giả: Gia Hân

Clip: Di Anh

Nguồn tin: doisongphapluat.nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP