Thế giới

Trung Quốc đánh mất niềm tin quân sự từ Mỹ vì bành trướng ở Biển Đông

Các chuyên gia nhận định niềm tin quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc đã “lung lay” sau động thái của Lầu Năm Góc rút lại lời mời Trung Quốc tham gia cuộc tập trận thường niên Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC 2018) do những động thái của Bắc Kinh nhằm quân sự hóa Biển Đông.

Máy bay quân sự xuất hiện trên đường băng tại căn cứ do Trung Quốc xây dựng trái phép trên đá Xubi (Ảnh: AMTI)

Ngày 23/5, Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố rút lại lời mời quân đội Trung Quốc tham gia cuộc tập trận thường niên RIMPAC 2018 - cuộc tập trận hải quân quốc tế lớn nhất thế giới, vì hành động quân sự hóa các thực thể trên Biển Đông của Bắc Kinh. Mỹ nhận định Trung Quốc chỉ đang làm gia tăng căng thẳng, gây bất ổn trong khu vực.

Động thái trên diễn ra sau hàng loạt những hành động bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông như đưa máy bay ném bom tầm xa H-6K tới quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, hay ngang nhiên triển khai thêm một hệ thống tên lửa đất đối không đến đảo Phú Lâm trên quần đảo Hoàng Sa.

Ngoài ra, hình ảnh vệ tinh cho thấy Bắc Kinh đã phi pháp xây dựng một thị trấn thu nhỏ được quy hoạch bài bản trên đá Xubi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, với gần 400 công trình trái phép. Các chuyên gia phân tích an ninh và các nguồn tin ngoại giao dự đoán đá Xubi có thể trở thành điểm tập kết của hàng trăm lính thủy đánh bộ của quân đội Trung Quốc trong tương lai. Ngoài ra, khu vực này cũng có thể trở thành trung tâm hành chính khi Bắc Kinh muốn củng cố sự hiện diện dân sự.

Phản ứng với quyết định từ Mỹ, Trung Quốc nói rằng dù Washington có mời hay không thì Bắc Kinh vẫn sẽ không thay đổi quyết tâm “bảo vệ chủ quyền và lợi ích an ninh quốc gia” trên khu vực Biển Đông.

Trung Quốc tham gia vào cuộc tập trận RIMPAC vào năm 2014 và 2016. Chuyên gia quan hệ quốc tế Zhang Yuquan tại Đại học Sun Yat-sen, Quảng Châu nhân định rằng động thái của Lầu Năm Góc thể hiện quan hệ giữa nền quân sự 2 nước đang trải qua thời điểm căng thẳng vì hành động của Trung Quốc tại Biển Đông,

Theo chuyên gia quân sự Oriana Skylar Mastro từ đại học Georgetown (Mỹ) và học giả Jeane Kirkpatrick của viện American Enterprise (Mỹ), mục đích ban đầu của Washington khi mời Bắc Kinh tham gia RIMPAC 2018 là “giúp xóa bỏ những hiểu nhầm hướng tới hợp tác lẫn nhau”. Tuy nhiên, mục tiêu này đã không còn đơn giản như ban đầu.

"Ban đầu, Mỹ cho rằng thông qua những hoạt động hợp tác như vậy, Trung Quốc có thể sẽ nghĩ là họ nên rút lui khi Washington đang nắm thế chủ động ở khu vực này", bà Mastro nhận xét.

Chuyên gia Li Jie (Trung Quốc) nhận định việc Bắc Kinh bị “đẩy” ra ngoài cuộc RIMPAC dù đã tham gia 2 lần trước đó không phải là thiệt hại quá lớn với Trung Quốc vì nước này không phải là lực lượng chủ chốt của cuộc tập trận. Trong 2 cuộc tập trận năm 2014 và 2016, Trung Quốc đã có dịp cọ xát và học hỏi thêm về Hải quân Mỹ và các nền hải quân khác trên thế giới về phương pháp tập trận, trải nghiệm hoạt động tìm kiếm, cứu hộ quốc tế nhưng thực tế các hoạt động này không mấy cải thiện và gia tăng năng lực quân sự của Bắc Kinh. Ông Li cho rằng Mỹ có thể đang muốn "cô lập Trung Quốc với khu vực"

Quyết định của Lầu Năm Góc được đưa ra ngay trước cuộc gặp của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị với người đồng cấp Mike Pompeo tại Mỹ. Trong cuộc họp báo với ông Pompeo, ông Vương nhận định rằng động thái của Washington không có tính xây dựng và không giúp ích gì cho sự hợp tác và lòng tin giữa 2 nền quân sự Mỹ và Trung Quốc.

Trong khi đó, ông Pompeo cho biết Mỹ bày tỏ mối quan ngại với hành động của Trung Quốc trên Biển Đông và Bộ Quốc phòng Mỹ là bên đưa ra quyết định về các vấn đề liên quan tới tập trận quân sự quốc tế.

Tác giả: Đức Hoàng

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP