Thế giới

Trung Quốc chỉ trích Mỹ 'nông nổi' vì hủy mời tập trận

Ngoại trưởng Vương Nghị cho rằng Mỹ có "tư duy tiêu cực" khi rút lời mời tập trận để phản đối việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị. Ảnh: CBC.

"Chúng tôi nhận thấy quyết định rút lại lời mời tập trận của Lầu Năm Góc là động thái không mang tính xây dựng, nông nổi và không ích gì cho sự hiểu biết lẫn nhau giữa Trung Quốc và Mỹ", Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị phát biểu trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Mỹ Mike Pompeo ở Washington, theo South China Morning Post.

Ông Vương Nghị cho rằng thông tin rút lời mời tập trận được đưa ra ngay trước cuộc gặp giữa hai ngoại trưởng là thử thách mới nhất cho quan hệ song phương vốn đã bị tổn hại bởi những tranh chấp thương mại và cáo buộc Mỹ đang có "tư duy tiêu cực".

Đáp lại, Pompeo cho biết ông đã nêu "mối quan ngại" của Mỹ về các hoạt động quân sự hóa phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông trong cuộc họp báo và sẽ để Lầu Năm Góc quyết định về các cuộc tập trận quân sự quốc tế.

Trước đó, phát ngôn viên Lầu Năm Góc Christopher Logan tuyên bố rút lại lời mời Trung Quốc tham gia tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) năm 2018 như một "phản ứng ban đầu" trước việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông.

"Việc Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa tại những thực thể tranh chấp ở Biển Đông chỉ làm gia tăng căng thẳng và mất ổn định khu vực. Hành vi của Trung Quốc không phù hợp với các nguyên tắc và mục đích của các bài tập trận hải quân RIMPAC 2018", đại tá Logan nói.

Logan khẳng định Mỹ có "bằng chứng mạnh mẽ về việc Trung Quốc triển khai các tên lửa chống hạm, hệ thống tên lửa phòng không và các thiết bị làm nhiễu điện tử tới những đảo mà nước này bồi đắp phi pháp ở quần đảo Trường Sa", nhấn mạnh việc máy bay ném bom Trung Quốc diễn tập hạ cánh xuống đảo Phú Lâm "cũng làm gia tăng căng thẳng".

Trung Quốc hồi tháng 1 thông báo đã chấp nhận lời mời tham gia RIMPAC của Mỹ. Đây là cuộc tập trận hàng hải quốc tế lớn nhất thế giới, được tổ chức hai năm một lần. Năm 2016, sự kiện có sự tham dự của 26 quốc gia, trong đó Trung Quốc đóng góp 5 tàu.

Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việt Nam đã nhiều lần đề nghị Trung Quốc dừng các hành động trái phép, làm phức tạp thêm tình hình, đặc biệt là việc quân sự hóa, đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.

Tác giả: Huyền Lê

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP