Tin địa phương

Những giàn rớ bỗng nhiên nổi tiếng

Chiếc rớ giàn bình dị trên sông Nhật Lệ, sông Gianh (Quảng Bình) vốn là công cụ mưu sinh của ngư dân. Mấy trăm năm qua, những chiếc rớ khiêm tốn ấy nép mình ở góc sông, rồi một vài lần du khách qua lại nhìn ngắm, chụp hình… nó bỗng trở thành điểm nhấn của du lịch Quảng Bình.

Giàn rớ của bà Ánh bên sông Nhật Lệ

Lạ mắt du khách

Bà Nguyễn Thị Ánh là chủ nhân của giàn rớ gần cầu Nhật Lệ 1. Phố xá trên bờ đông đúc, còn chòi rớ của bà Ánh tách ra khỏi không gian ồn ào, chỉ có tiếng mô-tơ quay dây kéo rớ trên sông. “Tui theo người nhà kéo rớ giàn này cũng 30 năm rồi. Thân gái không nhà cửa, chỉ có cái nghề cất rớ này mưu sinh. Ngày xưa, để cất rớ phải có sức khỏe, dùng tay níu vào cần trục, quay dây thừng mới cất được rớ lên. Nay có mô-tơ điện nên cũng khỏe. Nghề này của… nhà nghèo, nhưng không biết bữa ni răng du khách xin lên chòi đông lắm, họ nói nhìn cái rớ rất thích. Khách trong nước có, ngoài nước cũng có”, bà Ánh kể.

Năm ngoái, bà Ánh trúng được mẻ cá lớn nhất trong đời khi chỉ một lần quay rớ đã có 5 tạ cá mòi, tưởng như gãy 4 cái cọc chôn xuống sông. May có ngư dân đi câu gần đó phụ giúp thu gom hết 5 tạ cá, bán được mớ tiền. Hôm ấy, không chỉ người mua cá mà du khách đi ngang qua cũng đứng đông trên bờ với những lời trầm trồ về “trải nghiệm lạ nhất trong đời với cái rớ thật lớn, chưa bao giờ thấy cái rớ có nhiều cá đến thế”.

Tính từ ngã ba sông Nhật Lệ (huyện Quảng Ninh) ra đến cửa biển Đồng Hới còn khoảng 50 cái rớ giàn lấp ló trên nền nước. Với người dân bản địa thật đỗi bình thường, nhưng với nhiều du khách là một thứ còn lạ mắt. Than Bun, chủ một doanh nghiệp Thái Lan, nhìn rớ giàn rồi sững sờ: “Ở Thái Lan có đủ kiểu đánh bắt cá, vậy mà tôi thấy trên sông Nhật Lệ, sông Gianh một hình thức khác hẳn mà tôi chưa biết bao giờ, cho đến khi nhìn thấy ở đây”. Alex, một nữ du khách người Mỹ vừa tham quan hang động ở Phong Nha về, lúc xe qua cầu Nhật Lệ, thấy cái rớ trồi lên từ mặt nước, cô yêu cầu lái xe quay lại chỉ để nhìn: “Một thứ rất lạ, khó có thể diễn tả bằng lời. Tôi không biết gọi đó là cái gì, ngư dân địa phương giải thích cho tôi là một dụng cụ bắt cá. Chỉ một người điều khiển dụng cụ to lớn như thế thôi. Thật là một chứng kiến vô cùng lạ lẫm”.

Tại các diễn đàn “du lịch bụi” nước ngoài, hình ảnh rớ giàn trên sông Nhật Lệ và sông Gianh được bàn luận khá sôi nổi và họ đều chung quan điểm là quê hương họ không có vật dụng gì tương tự. Một người bạn của tôi ở miền Nam cũng xác nhận cái rớ giàn này thật đặc biệt. Còn anh Nguyễn Ngọc Sơn ở TP Hải Phòng kể: “Cái rớ kiểu này ở vùng miền Trung ngày xưa khá nhiều, nhưng ngày nay vì thủy sản trên các dòng sông đều cạn dần, nên cái rớ đặc sắc trong văn hóa sông nước cũng vắng bóng. Chỉ còn lại mỗi Quảng Bình và nó trở thành nét độc đáo, nơi trở về ký ức của rất nhiều người và cũng trở thành điều rất mới mẻ, thích thú của du khách ghé tham quan Quảng Bình”.

Những người trẻ hơn nhìn chiếc rớ ấy như một sự khám phá mới. Bạn Nguyễn Hoàng Quỳnh đến từ TPHCM, khi bách bộ bên bờ sông Nhật Lệ vừa ngắm nhìn mấy chiếc rớ gần chợ Đồng Hới vừa nói: “Cách bắt cá này thật kỳ lạ, cá thì phải câu hoặc đơm, hoặc thả lưới hoặc dụ nó vào bẫy; đằng này cái rớ thật rộng, nằm dưới đáy sông, có 4 cái cọc, mỗi cọc có 2 dây neo cố định; có cái chòi rớ nhỏ bé, lêu khêu trên sông, bên trong có người kiên nhẫn, cứ cả giờ đồng hồ mới cất rớ lên, có khi một con cá, có khi được vài ký cá. Cá không mắc câu nên không bị chảy máu, người ta thu mua ngay. Thật kỳ tài với cách làm cái rớ to như thế này, ước rộng phải hơn 200m²”.

Ông Hồ An Phong, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình, tâm sự: “Những cái rớ trên sông Nhật Lệ, sông Gianh có văn hóa rất sâu của cư dân miền sông nước. Nay những cái rớ đó lại cuốn hút du khách. Một khách du lịch Thái Lan khi dạo qua cầu Nhật Lệ đã không chụp phố phường mà chụp những gì nguyên sơ, giản dị còn lưu tồn bên bờ sông và giàn rớ dưới sông. Khi anh công bố những hình ảnh này lên blog cá nhân, không chỉ du khách Thái mà cả khách các nước phương Tây rất phấn khích. Thế là có thêm vài tour du lịch theo những chiếc rớ với vô số câu chuyện được truyền tụng quanh nó rất có ý nghĩa”.

Trải nghiệm khác biệt

Người đồng nghiệp khuyên tôi nên có một chuyến du ngoạn phía những chiếc rớ độc đáo ấy. Tôi nghe lời anh ra sông Gianh, nơi hội tụ cả chục chiếc rớ, đoạn chảy qua thị xã Ba Đồn. Nhiều câu chuyện cuộc đời hiện ra với nụ cười hiền hậu trên gương mặt của bao lão ngư. Cụ Trần Thịnh ở phía Nam sông Gianh kể chuyện hồi cụ còn trẻ: “Mỗi mùa mưa trên thượng nguồn là cá vược về nhiều, thả lưới nhỏ bị cá tung rách; chỉ có cái rớ giàn cất lên, trúng con cả chục ký vẫn không bị rách rớ. Những mẻ rớ như thế, nhớ mãi đến già”.

Trên dòng sông Nhật Lệ, ông Lại Thạnh (77 tuổi) sống ở xã Bảo Ninh (TP Đồng Hới) mời tôi về chòi rớ của ông và nói sẽ “đãi tôi bữa ăn nhớ đời”. Theo dấu chân trên cát, chòi rớ của ông Lại Thạnh nằm trước mặt có sông Nhật Lệ, bên kia con nước là sông Lũy. Ông chọn ngã ba sông đón lõng những mẻ cá mùa mưa. Rớ thả xuống chừng 45 phút mới cất lên một lần. Mẻ cá mùa này mỗi đợt có khoảng 4kg cá trích ve. Con cá trích ve nhỏ như cá lia thia, ánh lên màu bạc, nhảy đùm đụp. Không cần rửa qua nước, ông Thạnh cho cá vào nồi sôi sục trên chòi rớ và chưa đến 3 phút đã mời chúng tôi thưởng thức món canh tươi đúng nghĩa. Cái mặn mòi kèm theo vị ngọt khiến xúc giác tôi hoạt bát hẳn lên, bởi đây là món tươi nhất không ướp đá, không chất bảo quản… và cứ thế đi thẳng đến vị giác.

Theo ông Thạnh, kéo rớ giàn chủ yếu dựa vào thời tiết và con nước. Ban ngày kiếm ít cá bán chừng vài chục ngàn; về đêm kiếm thêm ít tôm, cua sông chắc thịt. Vào mùa nước lũ kéo được nhiều con cá to cả chục ký, còn khi gặp may cất lên vài tạ cá. Ông Thạnh còn kể, ngày xưa cứ đến mùa lũ, cả con sông Nhật Lệ như vào mùa hội của người làm rớ giàn, mẻ nào cất lên cũng thu hoạch lớn. Thời đó, mỗi cái rớ giàn là cả gia tài phải vay mượn, thuê thợ mới làm được. Còn nay, rớ như thứ làm thêm của những lão ngư rời vùng biển xa, về làng làm nghề rớ giàn.

Nghề rớ theo truyền đạt lại cũng có thờ thần rớ, mâm cỗ khai rớ. Mỗi khi lên kéo rớ, người trên chòi còn có những câu hát hò mặn mòi được truyền lại đến nay: Hò ơ, con vượn trên núi nhớ cây nhớ rừng/Con cá dưới nước nhớ sông nhớ biển/ Anh với em thì nhớ thầm thương trộm bên lưới giàn ơi em...

Tác giả: MINH PHONG

Nguồn tin: Báo Sài Gòn Giải Phóng

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP