Thế giới

Những bé gái Ấn Độ tự cứu mình khỏi hôn nhân trẻ em

Khi Rajni đang thi giữa học kỳ năm lớp 8 thì được mẹ thông báo về đám cưới và cô bé không khuất phục số phận bắt đầu đấu tranh.

Rajni Devi và cha mẹ. Ảnh: CNN.

Rajni Devi sống ở làng Bhauna Mau, bang Uttar Pradesh, Ấn Độ, là một cô bé rất thích đi học và nuôi những ước mơ lớn lao. Năm 14 tuổi, bố mẹ Rajni quyết định sẽ cho cô bé kết hôn với một người mà cô chưa từng gặp mặt, theo CNN.

Rajni chưa sẵn sàng làm vợ, làm mẹ và quyết tâm theo học, bởi vậy cô bắt đầu đấu tranh. Mỗi ngày trôi qua, cô đều nỗ lực hết mình, tranh luận và thuyết phục cha mẹ. Cô nói không muốn lấy chồng, thà chết còn hơn kết hôn, gợi mẹ cô nhớ về những khó khăn của chính bà khi phải kết hôn và sinh con ở tuổi vị thành niên.

Cuối cùng, cha mẹ của Rajni cũng bị thuyết phục nhưng với cô bé thì tất cả chỉ mới bắt đầu. Cô quyết tâm thay đổi mọi thứ, không chỉ cho chính mình mà còn cho những bé gái khác.

Những tháng sau đó, cô đã ngăn được đám cưới của 5 bé gái trong làng. Cô giảng giải cho các bé gái hiểu về hậu quả của kết hôn sớm, cách đấu tranh và cô cũng can thiệp, thuyết phục cha mẹ họ.

Rajni, hiện 18 tuổi, đã dùng sự quyết tâm và lòng can đảm của mình để giúp một thế hệ bé gái ở ngôi làng tiếp tục được đi học và không phải kết hôn sớm. Cô đang dẫn đầu nhóm gồm 20 cô gái trong làng đấu tranh vì quyền lợi của chính họ và những thế hệ khác.

Trò chuyện với CNN ở một trung tâm huấn luyện dành cho những người nhận học bổng chương trình Girl Icon Fellowship, một giải thưởng mà cô được trao tặng bởi tổ chức phi lợi nhuận Milaan Foundation nhằm mang đến cho các bé gái cơ hội thay đổi cộng đồng, Rajni giải thích lý do tại sao hôn nhân trẻ em lại ăn sâu vào xã hội Ấn Độ.

"Tôi chưa từng gặp và cũng chẳng biết gì về người mình được hứa hôn khi đó nhưng ông nội, bố và các anh trai của tôi đều đã gặp cậu ta. Mẹ tôi thì luôn chấp nhận hôn nhân trẻ em như một sự đã rồi", Rajni nói. Mẹ Rajni kết hôn khi mới 11 tuổi.

Theo Rajni, đối với nhiều người lớn trong làng, thời gian tối ưu cho một cô gái kết hôn là trước khi dậy thì vì "càng trẻ càng tốt". Đối với gia đình Rajni, nghèo đói là nguyên nhân chính khiến họ muốn cô kết hôn. "Điều kiện tài chính gia đình rất tệ. Con gái học càng cao, tuổi càng lớn thì của hồi môn càng phải nhiều", cô nói. Tập tục đưa của hồi môn (số tiền nhà gái đưa cho nhà trai khi kết hôn) vẫn còn phổ biến ở Ấn Độ dù đã bị cấm.

Rajni dẫn đầu một nhóm cô gái trong làng tự đấu tranh để thay đổi số phận và nhận thức cộng đồng. Ảnh: CNN.

Ngoài ra, hôn nhân trẻ em còn liên quan đến vấn đề danh dự. Con gái càng lớn tuổi thì càng nhiều người trong làng lo rằng cô ấy sẽ khiến gia đình bẽ mặt nếu vẫn chưa kết hôn, Rajni nói.

Các số liệu thống kê toàn cầu về hôn nhân trẻ em cho thấy hơn một nửa bé gái trong những gia đình nghèo nhất ở các nước đang phát triển phải kết hôn, Shipra Jha, người đứng đầu chiến dịch Bé gái không phải cô dâu ở châu Á cho biết.

"Ở những nơi tình trạng nghèo đói khốc liệt, gia đình và ngay cả một số bé gái tin rằng kết hôn là giải pháp đảm bảo tương lai của họ", cô nói. Cho con gái kết hôn sẽ giúp phụ huynh giảm được chi phí nuôi dạy con.

Ngoài ra, vấn đề cở sở hạ tầng cũng là nguyên nhân khiến gia đình quyết định để con gái kết hôn sớm. Nhiều ngôi làng ở nông thôn không có trường trung học, đại học nên các bé gái phải đi quãng đường xa để đến trường khiến cha mẹ họ lo ngại an toàn.

Trong khi kết hôn trẻ em thường được xem như một cách để đảm bảo ổn định tài chính và an toàn cho các bé gái thì thực tế thường phức tạp hơn. Theo Dhuwarakha Sriram, chuyên gia bảo vệ trẻ em và trẻ vị thành niên tại Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) ở Ấn Độ, hôn nhân trẻ em có thể ảnh hưởng đến toàn bộ cuộc đời một cô gái: từ phúc lợi kinh tế đến sức khỏe, khả năng sinh sản, thành tích học tập và khả năng lao động.

Nhưng nhờ những người như Rajni, mọi thứ đang thay đổi, ít nhất là trong làng của cô ấy. Nếu nghe tin một bé gái sắp phải kết hôn, nhóm của Rajni sẽ đến nói chuyện, thuyết phục gia đình họ. Mỗi ngày Rajni đạp xe 64 km đến trường. Cô mơ ước tiếp tục chiến đấu giành công lý cho phụ nữ và trẻ em gái, muốn trở thành một sĩ quan cảnh sát và mở một trường học trong làng.

"Trước đây trong làng chẳng có cô gái nào trên 15 tuổi nhưng bây giờ thì đã có khoảng 25 cô gái giống như tôi. Ít nhất thì bây giờ tôi cũng cảm nhận được có một nhóm cô gái như tôi ở đây", Rajni nói.

Mỗi ngày Rajni đạp xe 64 km để được tiếp tục theo học. Ảnh: CNN.

Theo UNICEF, Ấn Độ có số cô dâu trẻ em cao nhất thế giới với khoảng 17 triệu trẻ em kết hôn trong độ tuổi từ 10-19 dù thực tế hôn nhân trẻ em ở Ấn Độ đã bị cấm vào năm 2006. Đầu năm nay, trong một nỗ lực để bảo vệ trẻ em, Tòa án Tối cao Ấn Độ ra phán quyết quan hệ tình dục với trẻ vị thành niên sẽ bị coi là cưỡng hiếp.

Tác giả: Huyền Lê

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP