Những ngày Nhà giáo Việt Nam đặc biệt
Trong không khí hướng đến kỷ niệm 41 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, niềm vui cũng lan đến cả vùng bản cao nơi có ngôi Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS Lâm Thủy - mái nhà của 330 học sinh tại 4 điểm trường. Trong đó, gần 95% học sinh là con em đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều.
Biểu diễn văn nghệ tại Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS Lâm Thủy chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11 |
Điểm trường chính nằm trên ngọn đồi giữa đại ngàn nhưng đến mùa mưa lũ, con đường lên đến đây và những điểm trường sâu trong bản xa lại thường xuyên được cập nhật tình hình và túc trực bởi cơ quan chức năng do thường xuyên xảy ra sạt lở. Cũng chỉ 2 - 3 năm về trước, tại các điểm sâu trong bản, học sinh vẫn phải cheo leo dựng chòi trên vách núi đón sóng học bài.
Khó khăn là thế, ngày lễ trên vùng bản cao vẫn có những niềm vui chân thành khác biệt khi chúng tôi được chứng kiến và nghe kể về món quà tri ân bất ngờ và đáng quý mà học sinh, phụ huynh tặng cho các thầy cô giáo nhân dịp này.
Thầy giáo Đặng Ngọc Tân, Tổng phụ trách đội Trường Lâm Thủy cho biết: vào những ngày Nhà giáo Việt Nam mọi năm, các thầy, cô vào bản ở lại ăn cơm cùng đồng bào. Rồi mọi người mang gạo, người khác thì cho khoai, tặng mía hay ổi rừng, là quà 20.11 cho thầy cô.
Cô giáo Nguyễn Thị Thanh hướng dẫn bài cho học sinh tại điểm trường Lâm Thủy |
“Các thầy cô ai cũng cảm động vì học sinh thì mang đến những bó hoa dại, những củ sắn nhỏ chứa đầy tình cảm chân thành. Hơn hết, món quà lớn nhất của chúng tôi là sự ghi nhận và quan tâm, động viên con em đến trường của phụ huynh. Học sinh cũng yêu con chữ và gắn ước mơ với học tập. Thế là giáo viên trường đã mãn nguyện trong ngày 20.11 rồi”, thầy giáo Đặng Ngọc Tân chia sẻ.
Đối với cô Công Thị Lý, Phó Hiệu trưởng nhà trường, món quà qua mỗi mùa hiến chương đều gây ấn tượng bởi sự chân thành của các em học sinh. “Học trò ở miền nào, vùng nào cũng rất tình cảm. Gắn bó với các em học sinh nơi đây, tôi luôn bất ngờ bởi sự chân thành, bản thân có cái gì, quý cái gì là cho thầy cô. Năm rồi, quà 20.11 tặng cô là mấy quả khế chua từ vườn. Mộc mạc là thế nhưng đáng quý vô cùng”, cô Công Thị Lý chia sẻ.
Và như thế, những chùm hoa dại hái vội bên bìa rừng, một lời chúc của học sinh phát âm chưa chuẩn tiếng phổ thông nhân ngày Nhà giáo Việt Nam hay những củ sắn, củ khoai vừa chín tới được ủ trong lá chuối non giữa buổi chiều lạnh... đã giữ chân thầy, cô giáo ở lại ngôi trường vùng biên, vượt qua cả một hành trình “gieo chữ” đầy khó khăn, vất vả.
Miệt mài hành trình cõng con chữ lên non
Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS Lâm Thủy nằm tại xã Lâm Thủy, là một địa phương vùng biên giới phía Tây của tỉnh Quảng Bình. Tại điểm trường vùng cao này, đa số thầy cô giáo đều ngược từ miền xuôi lên với núi rừng để gắn bó với hành trình “gieo chữ” ở vùng biên.
Con đường của thầy cô giáo trường Lâm Thủy vào điểm trường bản bị sạt sở khi vào mùa mưa lũ |
Gắn bó với điểm trường đã hơn 12 năm, thầy giáo Đặng Ngọc Tân vẫn nhớ như in: “Ngày quyết định lên Lâm Thủy công tác, nhiều người thân ái ngại, thậm chí cấm cản. Bởi, thời điểm đó, Lâm Thủy vô vàn khó khăn, đến ngay đường đi còn không thông suốt. Việc trèo đèo, lội suối, băng rừng để vào các điểm trường là chuyện thường ngày. Có điểm trường nằm sâu trong bản, không có sóng điện thoại. Giáo viên phải cõng sách vở, giáo án, thức ăn... từ điểm trường chính vào sâu trong bản để dạy học.
“Ngày đó, mỗi lần từ điểm chính vào bản, tôi cùng các đồng nghiệp mỗi người cõng chừng 30kg hàng gồm giáo án, sách vở, thức ăn để sử dụng trong ít nhất 1 tuần. Đường đi vào các điểm trường phải băng suối, nền đá nhọn lởm chởm buốt chân. Chưa kể ngày mưa thì đá núi sạt xuống chắn hết đường”, thầy Tân kể lại.
Đất đá vùi lấp con đường vào các điểm trường tại bản, gây khó khăn cho thầy cô giáo trường Lâm Thủy |
Con đường đến trường bị đá sạt lở, vùi lấp của thầy cô giáo trường Lâm Thủy |
Từ xã Quảng Phương (huyện Quảng Trạch) đến với vùng cao Lâm Thủy, cô Nguyễn Thị Thanh đã gắn bó với mái trường này hơn 12 năm. Từ vị trí là nhân viên thiết bị đến giáo viên bộ môn Sinh học, cô luôn mong muốn được dạy trẻ và mang niềm yêu tri thức đến cho các em, dù đối mặt với nhiều khó khăn.
“Trước khi đến Lâm Thủy, tôi chưa từng nghĩ rằng nơi đây lại khó khăn như vậy. Nhiều hình ảnh chỉ được thấy trên truyền hình, báo chí, nay tôi mới chứng kiến tận mắt. Nhiều thời điểm nghĩ sẽ bỏ cuộc. Nhưng rồi thấy niềm vui được học tập và nụ cười biết ơn của học trò nghèo, tôi lại được tiếp thêm sức mạnh để công tác đến tận hôm nay”, cô Nguyễn Thị Thanh chia sẻ.
Vì chồng phải thường xuyên công tác xa, cũng không thể xa con gái nhỏ để gửi cho gia đình nội ngoại mãi, cô giáo Thanh đã đưa con lên bản để tiện chăm sóc: “Ngày trước, cuối tuần là tôi cùng con vượt rừng về quê thăm nhà. Nhưng đường xa khúc khuỷu, lại thời tiết thất thường, hai mẹ con lại ốm đau liên miên. Do đó, tôi phải xin gia đình về ít hơn, dành cuối tuần để dạy học và chăm con”.
Đến nay, cô giáo Thanh là giáo viên môn Sinh học, thường xuyên bồi dưỡng học sinh giỏi. Trong 5 năm liền, với sự dẫn dắt của cô, các đội thi môn Sinh học đã đạt giải đồng đội huyện Lệ Thủy.
Nữ giáo viên được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn tặng Bằng khen đã có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập” năm học 2021 - 2022; Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình tặng danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp tỉnh năm học 2019 - 2020 đến năm học 2021 - 2022;…
Đồn biên phòng Làng Ho trao tặng nhiều phần quà động viên tinh thần học tập cho con em đồng bào tại trường Lâm Thủy |
Vùng biên giới Lâm Thủy hôm nay đã có nhiều đổi khác. Điện, đường, trường, trạm được Nhà nước quan tâm đầu tư. Đồng bào dân tộc thiểu số nay biết dựa vào rừng phát triển kinh tế. Việc học tập của con em cũng được phụ huynh chú trọng. Ước mơ của những em nhỏ vùng cao hàng ngày vẫn đang được chắp cánh bởi các cô thầy thầm lặng đứng ở phía sau...
Tác giả: Khánh Trinh
Nguồn tin: daibieunhandan.vn