Bạn cần biết

'Con dao hai lưỡi' mang tên vitamin

Theo chuyên gia y tế, chỉ nên sử dụng một lượng vitamin cân đối vừa đủ cũng như phù hợp với tình trạng sức khỏe và nhu cầu của cơ thể.

Trẻ nhập viện do uống vitamin quá liều. Ảnh: Bệnh viện Nhi Trung ương

Theo chuyên gia y tế, chỉ nên sử dụng một lượng vitamin cân đối vừa đủ cũng như phù hợp với tình trạng sức khỏe và nhu cầu của cơ thể. Việc sử dụng quá liều vitamin có thể gây những hậu quả về sức khỏe.

Tính mạng bị đe dọa

Ngày nay, khi cuộc sống ngày càng phát triển, ý thức bảo vệ sức khỏe của người dân cũng càng tăng cao. Đặc biệt, không ít gia đình chú trọng tới việc bổ sung thực phẩm chức năng, trong đó bao gồm các loại vitamin.

Chỉ cần gõ cụm từ “mua vitamin” trên thanh công cụ tìm kiếm, ngay lập tức, người dùng sẽ tiếp cận được với hàng loạt lời quảng cáo hấp dẫn.

Trong đó, các loại vitamin từ nhiều nhãn hàng được quảng cáo với lời lẽ “có cánh” như: Vitamin chất lượng cao, chính hãng, an toàn; Vitamin nâng cao sức đề kháng;…

Các loại vitamin cũng được bán với nhiều mức giá khác nhau, từ 190.000 đồng cho đến hơn 500.000 đồng, hoặc đắt hơn. Vì vậy, người dùng có thể dễ dàng lựa chọn loại vitamin phù hợp với “túi tiền”. Tuy nhiên, thực tế, việc tự ý bổ sung quá nhiều vitamin có thể gây hậu quả nghiêm trọng tới sức khỏe người dùng.

Mới đây, một cụ ông 89 tuổi tại Anh đã qua đời sau khi dùng vitamin D bổ sung liều cao trong suốt 9 tháng. Từ vụ việc này, cộng đồng y tế địa phương đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về những rủi ro khi sử dụng thực phẩm chức năng thông thường, vốn không được nêu rõ ràng trong các mẫu quảng cáo sản phẩm.

Tại nước ta, năm 2022, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận hai bệnh nhi V.L. (3 tuổi) và M.H. (18 tháng tuổi) là anh em ruột nhập viện trong tình trạng nôn, đau bụng nhiều.

Qua thăm khám, xét nghiệm cận lâm sàng và khai thác tiền sử sử dụng thuốc, các bác sĩ chẩn đoán trẻ bị ngộ độc vitamin D - suy thận cấp do uống quá liều trong thời gian dài.

Gia đình cho biết, mong muốn con phát triển khỏe mạnh, không bị còi xương nên đều đặn cho hai bé uống vitamin D mỗi ngày từ sau sinh. Tuy nhiên, bà thấy cháu thích uống và nghĩ vitamin là thuốc bổ, uống nhiều cũng không sao.

Do đó, thay vì cho cháu uống theo liều lượng quy định, bà lại cho hai cháu uống tùy thích. Hai bé uống trực tiếp tại lọ, không sử dụng dụng cụ đong thuốc hoặc qua dụng cụ đong nhưng lấy nhiều hơn liều quy định nhiều lần trong thời gian dài.

Khoảng 2 tuần trước khi nhập viện, hai anh em đều xuất hiện tình trạng nôn, táo bón, đau bụng từng cơn 8 - 9 lần/ngày. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, sau khi được làm các xét nghiệm cần thiết, kết quả cho thấy, hai bé bị tăng canxi máu, tăng canxi niệu, nồng độ vitamin D tăng rất cao so với giới hạn bình thường, nồng độ PTH giảm, thận hai bên nhu mô tăng âm.

Qua thăm khám lâm sàng kết hợp xét nghiệm và khai thác tiền sử sử dụng thuốc, hai anh em được chẩn đoán ngộ độc vitamin D - suy thận cấp.

Bệnh viện Nhi đồng TPHCM cũng cho biết, đã tiếp nhận cấp cứu nhiều trẻ bị nôn, đau bụng, tiêu lỏng, phồng thóp... Bác sĩ đánh giá những triệu chứng này dễ gặp ở trẻ nhỏ sau khi uống vitamin A liều cao. Chính vì các triệu chứng này, nhiều mẹ đã hốt hoảng đưa con đến bệnh viện vì tưởng trẻ bị ngộ độc thực phẩm ở trường học, viêm não hoặc màng não.

Một số bé phản ứng mạnh khi uống quá liều vitamin A có thể dẫn đến ngộ độc cấp với các dấu hiệu buồn ngủ, chóng mặt hoa mắt, buồn nôn, nôn; dễ bị kích thích, nhức đầu, mê sảng và co giật, tiêu chảy... Các triệu chứng này xuất hiện sau khi uống từ 6 - 24 giờ.

Để vitamin là “cây đũa thần kỳ”

Vitamin và chất khoáng có thể bù đắp tình trạng thiếu hụt vitamin, đặc biệt là ở nhóm phụ nữ mang thai hoặc người cao tuổi. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã gọi các nguyên tố vi lượng bao gồm các loại vitamin là những “cây đũa thần kỹ”. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, chỉ nên sử dụng một lượng vitamin cân đối vừa đủ cũng như phù hợp với tình trạng sức khỏe và nhu cầu của cơ thể.

ThS.BS Dương Công Minh, Bệnh viện Nhi đồng TPHCM khuyến cáo, trẻ em nếu không có bệnh, được bú mẹ và ăn uống đầy đủ thì thường không thiếu vitamin. Do vậy, trẻ không cần phải bổ sung thêm bằng các thuốc có chứa hỗn hợp những loại chất này.

Tuy nhiên, nếu nghi ngờ chế độ ăn không cung cấp đầy đủ thì ngay cả những trẻ đang có chiều cao cân nặng phù hợp cũng nên bổ sung vitamin khi cần thiết. Do vậy, nhiều lúc bác sĩ vẫn chỉ định cho một số trẻ uống bổ sung vitamin. Còn với trẻ béo phì, bác sĩ thường khuyên nên ăn chế độ ít chất béo và cần thiết phải bổ sung các vitamin.

Bởi, chế độ ăn ít chất béo không giúp hấp thu đủ lượng vitamin tan trong dầu là vitamin A, D, E, K. Trẻ bị suy dinh dưỡng, chậm lớn cần được bổ sung vitamin. Ngoài ra, trẻ sau giai đoạn bị bệnh (nhiễm trùng, ho hen, tiêu chảy...) cũng nên uống thêm vitamin.

“Bổ sung nguồn vitamin qua thực phẩm là cần thiết. Uống vitamin tổng hợp cũng là cách khi bị thiếu vitamin. Nhưng cách tốt nhất là tận dụng nguồn vitamin có trong thiên nhiên”, bác sĩ Minh cho biết.

Theo ThS.BS Nguyễn Thị Ngọc, Khoa Thận – Lọc máu, Bệnh viện Nhi Trung ương, các vitamin rất cần thiết và có vai trò quan trọng đối với sức khỏe của trẻ. Song, nó không phải là thuốc bổ có thể sử dụng tùy tiện hoặc dùng càng nhiều càng tốt.

Việc sử dụng vitamin nên được tuân thủ chặt chẽ liều lượng theo đơn thuốc của bác sĩ đối với từng trường hợp cụ thể và cần có sự giám sát, theo dõi của nhân viên y tế. Qua đó, tránh nguy cơ gây ngộ độc hay ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.

Bác sĩ Ngọc khuyến cáo, để đảm bảo an toàn nhất cho sức khỏe của trẻ, cha mẹ cần tham khảo ý kiến của các chuyên gia y tế trước khi sử dụng bất kì loại thuốc hay vitamin nào cho con.

Đồng thời, không nên tự ý mua thuốc, vitamin cho con uống. Phải dùng thuốc, vitamin theo đúng đơn của bác sĩ cho mỗi lần khám. Không dùng đơn thuốc trong lần khám trước hay đơn thuốc của trẻ khác hay của người lớn cho trẻ.

Thuốc, vitamin nên được bảo quản cẩn thận trong lọ kín, có nhãn ghi tên thuốc, hạn sử dụng rõ ràng. Để thuốc, vitamin ngoài tầm nhìn và tầm tay với của trẻ. Tốt nhất là để trong tủ có khóa an toàn. Định kỳ làm vệ sinh tủ thuốc gia đình, loại bỏ thuốc quá hạn dùng, thuốc bị hỏng.

Không nên uống thuốc trước mặt trẻ vì bé rất dễ bắt chước. Người chăm sóc trẻ phải chắc chắn biết rõ và dùng đúng liều lượng thuốc, vitamin theo sự hướng dẫn của bác sĩ, dược sĩ hay trên tờ hướng dẫn sử dụng khi cho trẻ uống thuốc.

Tác giả: Vân Huyền

Nguồn tin: giaoducthoidai.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP