|
Tôi vẫn nhớ hồi anh trai mình xin cưới chị Trâm, cả 3 cô em gái của chị ấy đều phản đối gay gắt. 3 người họ kêu chị Trâm mà phải đi làm dâu thì sẽ khổ lắm, họ không muốn chị phải vất vả cực nhọc.
Lúc ấy bên nhà tôi bối rối vô cùng. Anh tôi vò đầu bứt tóc nghĩ đủ cách để lấy lòng 3 cô em vợ. Tôi thì tưởng 3 người đó thương chị cả lắm nên không muốn chị gả đi. Ai dè càng về sau tôi càng nhận ra đó chỉ là sự thương xót đầy giả tạo.
Trong khi 3 cô em thích ăn chơi hưởng thụ thì chị Trâm trái ngược lại hoàn toàn. Chị ấy chăm chỉ, sắc sảo và làm nhiều hơn nói. Chị giỏi giang lại khéo đối nhân xử thế, từ cấp dưới của anh trai tôi giờ thăng chức lên bậc quản lý, lương còn cao hơn anh nữa. Cả nhà tôi đều quý mến chị, tôi là “bà cô bên chồng” mà còn thân thiết với chị Trâm hơn 3 người em gái ruột.
Rồi mọi người biết làm thế nào mà anh tôi cưới được chị dâu không? Ấy là anh phải mang 3 hộp quà đựng mấy món trang sức vàng đến để “hối lộ” 3 cô em vợ! Bố mẹ chị Trâm thì không làm khó chuyện gì cả, ông bà hiền lành vậy mà sinh ra 3 cô con gái tính nết khó ưa vô cùng. Họ vừa tham lam vừa nói nhiều, lại hay đòi hỏi. Tôi nghe nói trừ cô út đang đi học ra thì 2 cô em gái còn lại cũng đi làm rồi, tuy nhiên họ thường xuyên xin tiền chị Trâm và rất lười biếng.
Vài lần ngồi nói chuyện với chị Trâm, tôi tò mò hỏi chị có buồn vì các em gái không. Chị ấy chỉ cười và bảo người một nhà với nhau thì có chuyện gì chị cũng sẵn sàng tha thứ.
Quả thực trên thương trường chị Trâm làm việc rất quyết đoán, còn cứng rắn đến mức anh trai tôi phải nể. Thế nhưng về nhà chị luôn là một người phụ nữ nhẹ nhàng, luôn chu đáo mọi việc. Chưa bao giờ bố mẹ tôi phàn nàn chị dâu điều gì cả, ông bà còn tự hào vì rước được con dâu xinh đẹp, tài giỏi về nhà. Với chị Trâm thì gia đình là số một, mọi thứ khác chỉ phục vụ cho việc vun đắp hạnh phúc gia đình mà thôi.
|
Chị Trâm sống biết điều bao nhiêu thì 3 cô em gái ruột của chị lại gây mất lòng thiên hạ bấy nhiêu. Vì là người thân của chị dâu nên tôi chẳng có quyền gì can thiệp góp ý, nhưng nhiều lần thấy chị Trâm khổ sở vì các em gái khiến tôi thương chị vô cùng.
Năm ngoái cô em thứ 3 của chị Trâm lấy chồng, còn cô em thứ 2 thì chuyển công tác sang thành phố khác. Nhà chị dâu chỉ còn lại mỗi bố mẹ già và đứa em út. Chị Trâm bỏ tiền thuê giúp việc chăm sóc gia đình mình, hàng tuần dù bận đến đâu chị cũng về thăm bố mẹ mấy bữa. Đợt nào chị bận quá hoặc phải đi xa thì tôi giúp chị mang đồ ăn thuốc men sang cho ông bà bên đó.
Hôm bão Yagi đổ bộ vào thành phố, bố chị Trâm ra sân buộc mấy chậu cây cảnh rồi chẳng may bị nhánh xoài bên hàng xóm gãy đổ vào người. Ông cụ bị thương khá nặng, bà ở trong nhà phát hiện chồng tai nạn nên luống cuống chạy ra xong cũng bị trượt chân ngã đập đầu xuống sàn. Thế là giúp việc hô hoán khắp nơi gọi người đến hỗ trợ đưa ông bà đi cấp cứu.
Vì thời tiết xấu nên phải gần sáng anh tôi mới chở chị dâu tới viện được. Bình thường chị Trâm rất mạnh mẽ, nhưng lúc thấy ông bà nằm im trên giường bệnh chị bật khóc nức nở. Tôi đưa bố mẹ vào thăm sau, trông chị bơ phờ ai cũng xót.
Anh tôi thay vợ gọi điện cho 2 cô em gái ở xa để báo tin ông bà gặp nạn. Tưởng họ sẽ sốt sắng chạy về ngay, nhưng câu đầu tiên họ hỏi anh tôi là “Chị Trâm có đó không nhỉ?”. Biết chị ở viện rồi nên họ cúp máy luôn chẳng nói gì nữa. Mãi 3 ngày sau mới thấy 2 cô em quý hóa xuất hiện. Họ bảo “bận việc” nên không đến được ngay.
Đứa em út của chị Trâm đỏng đảnh không biết chăm sóc bố mẹ. Mặc cho chị dâu tôi vất vả ngược xuôi lo từ thủ tục phẫu thuật đến ăn uống lau rửa cho 2 ông bà, nó ngồi bên giường bệnh chỉ xem điện thoại với nhắn tin. Mọi người xung quanh đều xì xào bàn tán, tôi cũng thấy ngứa mắt, nhưng ai nhắc thì cô út kia cứ giả vờ câm điếc xong thôi.
Đỉnh điểm bực mình là lúc anh tôi bảo các em vợ cùng chia sẻ tiền viện phí nộp cho bố mẹ. Tuy 2 ông bà có bảo hiểm nhưng hình như chi phí khác cũng khá nhiều, chị Trâm còn phải ứng trước mấy chục triệu tiền phẫu thuật. Đó là trách nhiệm và bổn phận của người làm con, làm gì có ai không hiểu đạo lý ấy.
Thế nhưng 3 cô em gái của chị dâu tôi cùng giãy nảy lên không chịu. Họ đứng ngoài hành lang gân cổ lên to tiếng với anh tôi như muốn đánh nhau. Đứa út đi học không có tiền thì tạm bỏ qua, nhưng 2 cô em còn lại của chị Trâm cũng không muốn bỏ ra xu nào để báo hiếu bố mẹ lúc nguy cấp.
Cả 3 cô em đanh đá này cùng đẩy hết trách nhiệm lên đầu chị Trâm. Họ đều bảo “Chị cả có tiền thì phụng dưỡng bố mẹ là đúng rồi, chị lớn nhất nên phải có nghĩa vụ lo hết chứ bọn em không có xu nào cả” (?!?)
Tôi chứng kiến câu chuyện từ đầu đến cuối nên rất bức xúc. Lời lẽ của họ với anh rể quá ngang ngược, vô lý và không có chút tình người nào. 4 chị em cùng cha mẹ sinh ra, cùng được nuôi dưỡng dưới một mái nhà. Vậy mà lúc bố mẹ liệt giường thì 3 người đều trốn tránh trách nhiệm, không góp đồng nào cũng chẳng muốn bỏ công sức ra chăm!
Mặc dù không phải việc của mình, cũng không muốn xen vào chỉ trích gia đình của người ta, nhưng tôi nghe mấy cô em nói chuyện chướng tai không chịu được. Chị Trâm còn đang mệt mỏi đến nỗi nằm gục cạnh giường bệnh, vậy mà 3 cô em cứ đứng ngoài quàng quạc lên trách chị lương 120 triệu/tháng không lo nổi cho bố mẹ già.
Tôi đang định đi ra mắng lại họ thì bác giúp việc nhà chị Trâm đã lao ra trước. Từ lúc ông bà gặp sự cố thì bác ấy vẫn cùng chị dâu thay phiên túc trực ở viện. Bác ấy đứng trước mặt anh tôi cùng bênh vực chị Trâm.
- Này tôi nói cho 3 cô biết nhé. 3 người lớn bằng từng này, không què chân gãy tay mà chẳng góp nổi một đồng để nuôi ông bà, thi thoảng mới đem mấy cân hoa quả rẻ tiền đến đây mà cũng đòi trách cô Trâm? Các cô có biết ông bà bị tiểu đường không ăn được ngọt, không uống được mấy thứ nước đóng chai mà cô mang đến không? Các cô đóng tiền đi viện khám lần nào cho ông bà chưa? Cô Trâm gọi điện bảo mấy người là ông bà bị ốm, có ai vội chạy đến thăm ngay không? Đồ đạc ông bà dùng toàn cô Trâm mua. Tiền điện nước cô Trâm trả. Cô Trâm đưa ông bà đi du lịch thì mấy người cũng đòi đi theo ăn ở miễn phí. Sống thế coi chừng nghiệp quật đấy các cô!
Bác giúp việc quát một tràng xong bao người đứng xung quanh vỗ tay ủng hộ. Dù họ chẳng biết rõ đầu đuôi gia cảnh nhà chị dâu tôi thế nào, nhưng nếu có tai có mắt thì ai cũng phân biệt được đâu là người đúng người sai.
3 cô em gái bị chê cười nên xấu hổ kiếm cớ lỉnh về mất. Chị dâu chẳng thèm quan tâm đến họ, tỉnh dậy ngồi gọt hoa quả cho tôi ăn. Chị nhìn tôi mắt ửng đỏ, bảo rằng “May mà có em ở đây”. Thói đời đúng là bất công thật chứ. Chị dâu tôi tử tế như vậy mà có 3 đứa em như bát nước đổ đi…
Tác giả: Tiểu Ngạn
Nguồn tin: phunuvietnam.vn