Tin địa phương

Xưởng may của những người khuyết tật

Nằm bên chân cầu Quảng Hải, xã Quảng Lộc, thị xã Ba Ðồn (Quảng Bình) có một xưởng may đặc biệt, là nơi dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật. Nhờ sự sẻ chia và giúp đỡ của chị Phạm Thị Luyện, chủ xưởng may, nhiều mảnh đời khó khăn đã tìm thấy niềm vui và động lực sống cho mình.

Chị Phạm Thị Luyện hướng dẫn công nhân khuyết tật quy trình may sản phẩm.

Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà nhỏ, giữa trưa nắng cuối tháng 7, trong tiếng ồn ào của cơ sở sản xuất bên cạnh, chị Phạm Thị Luyện phải cố nói to để người đối diện nghe rõ hơn. Chị nói, phải làm việc trong môi trường này quả thật vất vả cho công nhân, song xưởng không có sự lựa chọn nào khác, bởi không có kinh phí thuê mặt bằng ở trung tâm thị xã. Không gian chật chội, ầm ĩ là thế nhưng xưởng may nhỏ là nơi cưu mang nhiều phận người khuyết tật. Chị Luyện cho biết, trước kia chị làm công nhân cho một công ty may xuất khẩu, được vài năm thì bị tai nạn, ảnh hưởng đến cột sống, nên nghỉ việc trở về quê tìm kế mưu sinh. Khi sức khỏe tốt hơn, chị làm nghề may quần áo tại nhà. Công việc tiến triển, dành dụm được chút vốn liếng, chị mua thêm ba máy may, thuê một số phụ nữ trong xã đến gia công hàng may mặc cho một công ty ở miền nam. Giữa năm 2016, chị thành lập cơ sở may Hồng Luyện và thuê ngôi nhà cũ bên chân cầu Quảng Hải làm xưởng sản xuất.

Vốn sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn, chị gái và em trai đều bị ảnh hưởng của chất độc da cam cho nên Phạm Thị Luyện thấu hiểu được sự vất vả của những người khuyết tật và gia đình họ. Vì vậy, khi mở xưởng may, chị quyết định tuyển những lao động bị khuyết tật trên địa bàn để dạy nghề và tạo việc làm, giúp họ có cuộc sống như người bình thường. Song, người khuyết tật thường tự ti về bản thân nên ngại tiếp xúc với xã hội. Ðể thực hiện ý định của mình, chị Luyện phải trực tiếp đến từng nhà để vận động, thuyết phục họ đi học và làm nghề may. Chị kể, ở xã Quảng Tiên, thị xã Ba Ðồn, có một gia đình cả ba chị em bị di chứng chất độc da cam dẫn đến câm điếc, bố bị bệnh nan y. Gánh nặng cuộc sống dồn lên vai người mẹ với nghề chính là sản xuất nông nghiệp. Luyện đã thuyết phục gia đình, nhận cả ba chị em về xưởng may của mình cho học nghề và nuôi ăn ở. Ngày đón ba em về, chị Luyện thêm phần vất vả bởi vừa dạy nghề vừa chăm sóc. Ngoài khuyết tật câm điếc, một em còn bị bệnh tiểu đường nặng, hằng ngày phải tiêm thuốc điều trị.

Mỗi người khuyết tật mang trong mình một căn bệnh khác nhau cho nên để ngồi yên một chỗ điều khiển máy may công nghiệp là điều không dễ. Do vậy, công việc dạy may cho số lao động này rất khó khăn và mất nhiều thời gian. Chị Luyện phải kiên trì, tận tình chỉ dạy để họ thạo việc. Khi rời xưởng đi giao dịch hoặc đến sinh hoạt ở Câu lạc bộ thanh niên khuyết tật thị xã Ba Ðồn, nơi chị Luyện làm chủ nhiệm, thì chị nhờ các thợ may giỏi trong xưởng hướng dẫn thêm. Dần dần, một số bạn trẻ khuyết tật nhanh nhẹn và sáng ý đã biết may thành thạo và trở thành công nhân may của xưởng. Em Trần Thị Lan, một trong số ba em hoàn cảnh khó khăn ở Quảng Tiên cho biết, em được chị Luyện đưa về nuôi tại xưởng và dạy nghề, đến nay đã may được nhiều sản phẩm, được trả lương hằng tháng. Còn chị Nguyễn Thị Quyền, ở xã Quảng Lộc chia sẻ: "Mình bị liệt tay trái cho nên ban đầu làm việc rất khó khăn, được chị Luyện dạy nghề và bố trí việc làm phù hợp tại xưởng, giờ đã có thu nhập để lo cho bản thân".

Sau ba năm đi vào hoạt động, đến nay, việc sản xuất, kinh doanh của cơ sở may Hồng Luyện cơ bản ổn định, nguồn hàng khá phong phú đến từ việc gia công sản phẩm may mặc trong nước và xuất khẩu. Hiện, cơ sở tạo việc làm cho 20 lao động có hoàn cảnh khó khăn và người khuyết tật. Năm 2017, cơ sở đạt doanh thu gần 2,7 tỷ đồng, thu nhập bình quân bốn triệu đồng/người/tháng. "Năm nay doanh thu của cơ sở dự kiến tăng hơn nhờ chủ động tìm kiếm đối tác và làm các sản phẩm có giá trị cao. Ðiều này cũng đồng nghĩa, công việc và thu nhập của công nhân, trong đó có người khuyết tật sẽ được cải thiện và bảo đảm tính lâu dài. Qua đó, góp phần tạo động lực và động viên người khuyết tật vượt qua hoàn cảnh khó khăn, mặc cảm xã hội để làm việc, tạo lập cuộc sống cho chính mình, giảm bớt gánh nặng cho gia đình", chị Phạm Thị Luyện tâm sự. Anh Lê Quang Toán, Chủ nhiệm Câu lạc bộ thanh niên khuyết tật tỉnh Quảng Bình cho biết, cơ sở may Hồng Luyện tại thị xã Ba Ðồn hoạt động chưa lâu nhưng đã tạo việc làm cho nhiều người khuyết tật, mang đến cho họ nguồn thu nhập ổn định trong cuộc sống. Ðây là mô hình điển hình trong việc tập hợp, hỗ trợ và tạo công ăn việc làm cho thanh niên khuyết tật tại Quảng Bình.

Hiện, khó khăn nhất của cơ sở may Hồng Luyện là thiếu mặt bằng để xây dựng nhà xưởng. Ngôi nhà đang đặt xưởng là công trình nằm trong hành lang chân cầu Quảng Hải thuộc diện phải di dời. Trong khi đó, người khuyết tật ở nhiều nơi tại thị xã Ba Ðồn và huyện Quảng Trạch đến cơ sở may Hồng Luyện xin học nghề và tìm việc làm ngày càng nhiều, nhưng do quy mô và điều kiện hạn chế nên chị Luyện không dám nhận. Theo chị Phạm Thị Luyện, chị đã gửi đơn đến chính quyền địa phương xin thuê địa điểm mới để di dời xưởng may song đến nay vẫn chưa được giải quyết. Vì thế, mong muốn có được một nơi làm việc ổn định, bảo đảm lâu dài không chỉ của người chủ cơ sở may có tấm lòng thiện nguyện mà còn đối với nhiều lao động khuyết tật. Bởi ở đó, xưởng may không chỉ là nơi làm việc mà còn là ngôi nhà chung để những người cùng cảnh ngộ chia sẻ buồn vui, động viên nhau vượt qua hoàn cảnh khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.

Tác giả: HƯƠNG GIANG

Nguồn tin: Báo Nhân dân

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP