Trong nước

Xử phạt một loạt Giám đốc, Trưởng phòng, công chức, viên chức, nhà báo,... vi phạm nồng độ cồn

Qua tuần tra kiểm soát, lực lượng chức năng đã phát hiện một loạt Giám đốc, Phó Giám đốc, Trưởng phòng, công chức, viên chức, nhà báo,... vi phạm nồng độ cồn.

Cục Cảnh sát Giao thông cho biết, thực hiện kế hoạch kiểm tra, đôn đốc việc tổng kiểm soát xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách, xe ô tô vận tải hàng hóa bằng container và các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông, ngày 23/9, các tổ công tác của Cục đã phối hợp với Công an 5 địa phương: Bắc Giang, Đắk Lắk, Trà Vinh, Nghệ An, Hà Tĩnh trực tiếp kiểm soát phương tiện tham gia giao thông trên địa bàn.

Qua kiểm soát, Cảnh sát Giao thông phát hiện, xử lý 199 trường hợp điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn (54 ô tô, 144 xe mô tô, 01 xe máy điện), một trường hợp không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn.

Đáng chú ý trong các trường hợp vi phạm, có 3 trường hợp khai nhận là phóng viên, nhà báo (có trường hợp xuất trình thẻ nhà báo cho tổ công tác) và 7 cán bộ, công chức.

Bắc Giang: Phó Giám đốc Trung tâm Quy đất, Trưởng phòng TNMT vi phạm nồng độ cồn

Trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, Cục Cảnh sát Giao thông bố trí 3 tổ công tác phối hợp với Phòng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh Bắc Giang, Đội Cảnh sát Giao thông - trật tự Công an thành phố Bắc Giang tiến hành kiểm soát trên các tuyến đường Hùng Vương, 398, Tân Mỹ, Xương Giang, thành phố Bắc Giang.

Qua đó, 100 trường hợp đã bị phát hiện, xử lý vi phạm, trong đó 92 trường hợp (25 ô tô, 66 mô tô, 1 xe máy điện) vi phạm về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện.

Trong số này, một trường hợp là Phó Giám đốc Trung tâm Quỹ đất thành phố Bắc Giang; một trường hợp là Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Bắc Giang.

Đắk Lắk: Giám đốc Bưu điện; Giám đốc đăng kiểm, Trưởng phòng, Phó Phòng vi phạm nồng độ cồn

Tại Đắk Lắk, Cục Cảnh sát Giao thông bố trí một tổ công tác phối hợp với Phòng Cảnh sát Giao thông tỉnh và Công an thành phố Buôn Ma Thuột, Công an huyện Ea Kar để kiểm soát vi phạm. Qua đó đã phát hiện, xử lý 45 trường hợp (18 ô tô, 27 mô tô) vi phạm về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện.

Trong đó có hai nhà báo, Giám đốc Bưu điện thành phố Buôn Ma Thuột, Trưởng Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Ea Kar; một trường hợp là Phó Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Ea Kar và hai công chức (Giám đốc Trạm Đăng kiểm số 4703D, xã Ea Đar, huyện Ea Kar và một trường hợp khai là cán bộ Chi cục Thú y Đắk Lắk).

Tại Trà Vinh, lực lượng của Cục phối hợp với Đội Cảnh sát Giao thông- trật tự Công an thị xã Duyên Hải và Đội Cảnh sát Giao thông, Phòng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh Trà Vinh tiến hành kiểm tra nồng độ cồn trên một số tuyến đường thuộc thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh.

Qua kiểm tra phát hiện, xử lý 35 trường hợp trong đó 33 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn, một trường hợp điều khiển xe mô tô không chấp hành kiểm tra nồng độ cồn.

Tại Nghệ An, kiểm tra nồng độ cồn tại quốc lộ 1A thuộc khối 5 thị trấn Diễn Châu, lực lượng chức năng phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn.

Tại Hà Tĩnh, kiểm tra nồng độ cồn ở đường Trần Phú, phường Trần Phú, thành phố Hà Tĩnh, Cảnh sát Giao thông phát hiện xử lý 20 trường hợp vi phạm, trong đó có 19 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, gồm một trường hợp phóng viên.

Xử lý trách nhiệm ngường đứng đầu nếu để tình hình trật tự, an toàn giao thông xảy ra phức tạp

Trước đó, ngỳ 19/4/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Chỉ thị số 10/CT-TTg về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp tiếp tục tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương chỉ đạo của Đảng, Nhà nước trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Các bộ, ngành, địa phương phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong quản lý nhà nước về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp chịu trách nhiệm toàn diện về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn phụ trách.

Xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương nếu để tình hình trật tự, an toàn giao thông xảy ra phức tạp trên địa bàn do thiếu lãnh đạo, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, giám sát hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm trong phạm vi quản lý.

Tất cả các vụ trật tự, an toàn giao thông gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng xảy ra phải được xem xét, cá thể hóa, xử lý trách nhiệm của các tập thể, cá nhân liên quan.

Nghiêm cấm lực lượng chức năng "xuê xoa", bỏ qua xử lý vi phạm

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra, điều tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, sai phạm, tiêu cực của các cơ quan quản lý nhà nước về giao thông, lực lượng thực thi pháp luật về giao thông, chính quyền địa phương và các lực lượng khác có liên quan đến đầu tư xây dựng, quản lý hành lang an toàn giao thông.

Trong quá trình xử lý các vi phạm pháp luật về giao thông phải tuyệt đối thượng tôn pháp luật, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, tất cả các hành vi vi phạm về trật tự, an toàn giao thông phải được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Nghiêm cấm cán bộ, đảng viên can thiệp, tác động vào quá trình xử lý vi phạm pháp luật về giao thông của các cơ quan chức năng; nghiêm cấm lực lượng chức năng "xuê xoa", bỏ qua trong xử lý vi phạm dưới mọi hình thức.

Mọi cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật về giao thông phải được thông báo về cơ quan, đơn vị để xử lý nghiêm theo quy định của Đảng, của từng ngành, cơ quan, đơn vị.

Cương quyết khởi tố, điều tra, xử lý nghiêm các vụ tai nạn giao thông có dấu hiệu tội phạm và đối tượng chống người thi hành công vụ theo đúng quy định của pháp luật.

Quyết liệt xử lý lái xe có nồng độ cồn

Các bộ, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp tập trung phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân chính dẫn đến các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, như điều khiển phương tiện quá tốc độ cho phép, vi phạm nồng độ cồn, ma túy, “cơi nới” thành, thùng xe, chở hàng quá khổ, quá tải…

Phải tiếp tục thực hiện quyết liệt việc kiểm soát, xử lý đối với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn nhằm tạo chuyển biến tích cực, tiến tới hình thành thói quen, văn hóa “đã uống rượu bia không lái xe”, trước hết trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang đến Nhân dân.

Từng địa phương phải có kế hoạch cụ thể để kiểm soát nồng độ cồn đối với từng tuyến, từng địa bàn, tập trung các thành phố, thị xã, thị trấn, khu công nghiệp đông công nhân, khu du lịch…

Tuyệt đối không vì lợi ích kinh tế mà xem nhẹ việc phòng, chống tác hại của rượu, bia đối với sức khỏe Nhân dân, cộng đồng, an toàn giao thông, trật tự an toàn xã hội.

Căn cứ tình hình thực tiễn, hằng năm tổ chức tổng kiểm soát các loại phương tiện trên toàn quốc, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và kiên quyết yêu cầu dừng hoạt động đối với các xe hết niên hạn sử dụng, hết hạn đăng kiểm.

Nguồn tin: xaydungchinhsach.chinhphu.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP