Ngày 19-9, TAND TP HCM mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) giai đoạn 2. Phiên tòa dự kiến kéo dài đến ngày 19-10.
3 tội danh, 34 bị cáo
Từ sáng sớm, nhiều biện pháp an ninh đã được triển khai trong và ngoài phiên tòa. Hơn 35.000 nhà đầu tư trái phiếu được vắng mặt và theo HĐXX, điều này không làm ảnh hưởng tới quyền lợi của họ.
Trong phiên tòa lần này, TAND TP HCM tiếp tục làm rõ các hành vi vi phạm pháp luật của bị cáo Trương Mỹ Lan, cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và 33 đồng phạm. VKSND Tối cao truy tố các bị cáo 3 tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "Rửa tiền" và "Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới".
Mở đầu phiên xét xử, HĐXX thẩm tra lý lịch bị cáo Trương Mỹ Lan, người bị cáo buộc phạm cả 3 tội nêu trên. Bà Lan giữ thái độ điềm tĩnh, khai trong phiên xét xử sơ thẩm giai đoạn 1 trước đó (kéo dài từ ngày 5-3 đến 11-4 tại TAND TP HCM), bị cáo này bị tuyên phạm các tội "Tham ô tài sản", "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng" và "Đưa hối lộ".
Chồng bị cáo Trương Mỹ Lan là Chu Lập Cơ bị cáo buộc tội "Rửa tiền"; cháu gái Trương Huệ Vân bị cáo buộc tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", đều tỏ vẻ bình tĩnh.
Trái ngược với thái độ trên, một số đồng phạm trong vụ án đã bật khóc. Khi HĐXX xét hỏi nhân thân, bị cáo Thái Thị Thanh Thảo, cựu giám đốc dịch vụ khách hàng Wholesale - Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) Chi nhánh Sài Gòn, bị cáo buộc tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản"; bị cáo Tô Thị Anh Đào, cựu phó tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Vạn Thịnh Phát, bị cáo buộc tội "Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới", trả lời trong nấc nghẹn. Chủ tọa phiên tòa phải nhiều lần nhắc nhở họ giữ bình tĩnh.
Bị cáo Trương Mỹ Lan tại tòa ngày 19-9. Ảnh: HOÀNG TRIỀU |
Dòng tiền lắt léo
Đại diện VKSND TP HCM giữ quyền công tố đã công bố cáo trạng. Các bị cáo bị cáo buộc sử dụng thủ đoạn gian dối để phát hành trái phiếu khống, huy động hàng ngàn tỉ đồng từ các nhà đầu tư.
Theo đó, từ năm 2018 đến 2022, bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm chiếm đoạt hơn 445.000 tỉ đồng, trong đó hơn 415.000 tỉ đồng liên quan hành vi tham ô tài sản và hơn 30.000 tỉ đồng liên quan hành vi chiếm đoạt tài sản. Bà Lan cũng chỉ đạo việc rút và chuyển tiền ra khỏi SCB, sử dụng hợp đồng khống để che giấu tài sản phi pháp và chuyển khoảng 4,5 tỉ USD (hơn 106.000 tỉ đồng) ra nước ngoài.
Quá trình rút tiền mặt chủ yếu diễn ra tại SCB qua sự phối hợp của các nhân viên ngân hàng với tài xế của Trương Mỹ Lan. Tiền được vận chuyển đến nhiều địa điểm như tòa nhà Sherwood và trụ sở Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, sau đó giao cho cá nhân theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan.
Khi chưa cần sử dụng tiền ngay, bà Lan chỉ đạo mở tài khoản tại SCB để nhận và chuyển tiền qua lại giữa các tài khoản, cuối cùng chuyển đến tài khoản chỉ định cho mục đích cá nhân. Trong đó, các bị cáo rút tiền mặt chuyển cho cá nhân hơn 15.143 tỉ đồng; chi cho các dự án hơn 1.898 tỉ đồng; chi trả nợ trong Tập đoàn Vạn Thịnh Phát hơn 48.000 tỉ đồng; trả cho ngân hàng khác hơn 7.600 tỉ đồng…
Liên quan vụ án, bị cáo Chu Lập Cơ bị cáo buộc giúp vợ bằng cách "rửa" số tiền hơn 33 tỉ đồng. Tại SCB, ông Chu Lập Cơ đã mở và sử dụng 3 thẻ thanh toán (Visa, Master) để chi tiêu cho các dịch vụ, mua sắm nữ trang, kim khí, đá quý cho bản thân và vợ trong quá trình sinh sống, đi lại tại Việt Nam, Trung Quốc, Pháp, Anh và Ý.
Từ ngày 1-1-2018 đến 7-10-2022, Chu Lập Cơ chi tiêu tổng cộng 225 tỉ đồng từ các thẻ tín dụng này. Trong đó, hơn 113 tỉ đồng có nguồn gốc từ các khoản vay khống tại SCB và hơn 1,3 tỉ đồng từ hoạt động lừa đảo phát hành trái phiếu.
Làm việc với cơ quan điều tra, ông Chu Lập Cơ thừa nhận biết vợ đã chỉ đạo nộp tiền vào tài khoản của mình để thanh toán các hoạt động và dịch vụ...
Hôm nay (20-9), HĐXX bắt đầu xét hỏi, làm rõ các hành vi mà các bị cáo bị truy tố.
Hợp tác, thành khẩn Theo cáo trạng, trong quá trình điều tra, truy tố, các bị cáo ăn năn hối cải, thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội. Lời khai của họ phù hợp với tài liệu, chứng cứ đã điều tra, thu thập trong hồ sơ vụ án. Các bị cáo tự nguyện hoặc tác động gia đình nộp tiền, tài sản để khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của bản thân gây ra. Trong đó, bà Trương Mỹ Lan yêu cầu những công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát nộp khắc phục hơn 356 tỉ đồng; ông Chu Lập Cơ khắc phục 19 tỉ đồng; Trương Huệ Vân khắc phục 1 tỉ đồng. VKSND Tối cao còn xác định Chu Lập Cơ là 1 trong 7 bị cáo đã phối hợp, tích cực hợp tác, giúp cơ quan tố tụng làm rõ bản chất vụ án.
Trước đó, tại giai đoạn 1 của vụ án, tổng hợp hình phạt 3 tội danh "Tham ô tài sản", "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng", "Đưa hối lộ", TAND TP HCM tuyên bị cáo Trương Mỹ Lan mức án tử hình. Cũng theo bản án này, bị cáo Chu Lập Cơ bị tuyên phạt 9 năm tù về tội "Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng"; bị cáo Trương Huệ Vân bị tuyên phạt 17 năm tù về tội "Tham ô tài sản"... |
Tác giả: Trần Thái
Nguồn tin: Báo Người Lao động