Xe

Xe điện có thể thay thế phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch ở Việt Nam?

Nhiều doanh nghiệp, chuyên gia dự báo, ở Việt Nam, xe điện có thể thay thế phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch bởi sự thân thiện với môi trường và tiết kiệm.

Nhận định về phương tiện xe điện thời gian qua, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Advantech Việt Nam, ông Trần Kiên cho biết, trong khoảng 3 năm trở lại đây, chúng ta đã chứng kiến sự phát triển đáng kể của các phương tiện giao thông chạy điện tại Việt Nam, bao gồm cả xe cá nhân (xe máy, ô tô gia đình) và phương tiện công cộng (xe bus, xe taxi).

Dự báo trong tương lai, xe điện sẽ dần thay thế phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch. (Ảnh minh họa).

"Thị trường ngành di chuyển thông minh tại Việt Nam đang trải qua giai đoạn phát triển đáng kể và hứa hẹn về tiềm năng lớn. Chúng ta có một số lợi thế quan trọng khiến Việt Nam trở thành một thị trường hấp dẫn trong lĩnh vực này. Trước hết, Việt Nam có nguồn nhân lực dồi dào và dân số lớn, điều này tạo điều kiện thuận lợi cho việc thử nghiệm và triển khai các giải pháp liên quan đến di chuyển thông minh”, ông Kiên nói.

Cũng theo ông Kiên, hệ thống giám sát giao thông thông minh cũng đang nổi lên. Mặc dù còn ở giai đoạn đầu của sự phát triển nhưng điều này tạo cơ hội lớn trong lĩnh vực di chuyển thông minh.

Ngoài ra, Việt Nam đã có cam kết ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu bằng cách giảm khí thải CO2 từ các phương tiện giao thông. Điều này làm cho việc chuyển đổi sang sử dụng các phương tiện di chuyển sạch hơn, bao gồm xe điện, xe công cộng và dịch vụ chia sẻ xe trở nên cấp bách và quan trọng hơn bao giờ hết.

“Việc phát triển cơ sở hạ tầng sạc xe điện cũng đang nhận được sự quan tâm đáng kể và đây là một khía cạnh quan trọng của cuộc cách mạng di chuyển thông minh tại Việt Nam. Chính sự quyết tâm của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân đang thúc đẩy ngành di chuyển thông minh tại Việt Nam. Tôi tin rằng ngành này có một tương lai sáng sủa, sẽ đóng góp vào việc giảm khí thải CO2 và xây dựng một hệ thống di chuyển bền vững tại Việt Nam”, ông Kiên nói thêm.

Về sự phối hợp giữa hệ thống giao thông thông minh và hệ thống giao thông vận tải công cộng tiên tiến, ông Kiên nhấn mạnh sự phổ biến của công nghệ thông minh trong quản lý giao thông, đặc biệt là trong bối cảnh gia tăng của các mô hình xe điện và cơ sở hạ tầng sạc.

“Việc sử dụng công nghệ thông minh để quản lý hạ tầng giao thông đang dần trở nên phổ biến tại các tỉnh thành. Các ứng dụng di động và hệ thống giám sát theo thời gian thực được triển khai để cải thiện an toàn và tăng sự thông suốt trong lưu thông.

Cùng với đó thì các dự án giao thông công cộng như hệ thống xe buýt thông minh, hệ thống đỗ xe thông minh và các giải pháp tăng cường giao thông công cộng cũng đang được được triển khai một cách rất quyết liệt”, ông Trần Kiên nói.

Để đáp ứng được yêu cầu đặt ra, ông Trần Kiên cho rằng, các doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị, đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu và phát triển (R&D), tìm kiếm cơ hội hợp tác với các đối tác chiến lược của cơ quan chính phủ và các công ty khác trong ngành, cam kết vào chất lượng và bảo mật.

“An toàn và chất lượng là ưu tiên hàng đầu, xây dựng một giải pháp đáng tin cậy và mạnh mẽ để phát triển kinh doanh lâu dài, mỗi trạm sạc phải cung cấp chứng chỉ an toàn quốc tế/quốc gia và được cơ quan quản lý điện lực phê duyệt để kiểm tra sơ đồ đường dây, định mức cầu dao, rò rỉ dòng điện tại chỗ, sau đó trạm sạc có thể bắt đầu hoạt động”, ông Trần Kiên nhấn mạnh.

Xe điện đang trở thành xu hướng của người tiêu dùng vì sự thân thiện với môi trường. (Ảnh minh họa).

Ông Tony Meng, Tổng Giám đốc Delta Electronics tại Việt Nam nhận định, Việt Nam là một trong những thị trường tiềm năng của ngành công nghiệp di chuyển thông minh.

“Trong tương lai, dự kiến ngành công nghiệp di chuyển thông minh tại Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ do sự đầu tư và hỗ trợ từ Chính phủ, sự gia tăng nhận thức về vấn đề môi trường và nhu cầu ngày càng tăng về các giải pháp di chuyển tiện ích và bền vững”, ông Tony Meng nói.

Cũng theo ông Tony Meng, để các doanh nghiệp, đối tác trong ngành xe điện Việt Nam có thể đón đầu và hưởng lợi từ quá trình phát triển trong lĩnh vực xe điện, doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị, đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu và phát triển, tìm kiếm cơ hội hợp tác với các đối tác chiến lược cơ quan chính phủ và các công ty khác trong ngành, cam kết vào chất lượng và bảo mật.

“An toàn và chất lượng là ưu tiên hàng đầu, xây dựng một giải pháp đáng tin cậy và mạnh mẽ để phát triển kinh doanh lâu dài, mỗi trạm sạc phải cung cấp chứng chỉ an toàn quốc tế/quốc gia và được cơ quan quản lý điện lực phê duyệt để kiểm tra sơ đồ đường dây, định mức cầu dao, rò rỉ dòng điện tại chỗ, sau đó trạm sạc có thể bắt đầu hoạt động”, ông Tony Meng nói.

Còn bà Trần Thanh Hằng, Quản lý dự án tại văn phòng TAITRA tại Hà Nội chia sẻ, xe điện và xe tự lái là tương lai của ngành công nghiệp ô tô. Từ năm 2021, TAITRA đã tổ chức triển lãm thương mại E-Mobility Taiwan 2035 dành riêng cho hệ sinh thái xe điện và xe tự lái. “Đây là dấu mốc nhằm đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong ngành công nghiệp ô tô trong tương lai”, bà Hằng nói.

Theo bà Hằng, các thị trường ô tô lớn toàn cầu như Nhật Bản, Trung Quốc và thị trường ô tô lớn nhất Hoa Kỳ là California đã công bố chính sách ngừng bán ô tô mới chạy bằng xăng sau năm 2035.

“Vì vậy, TAITRA đã khởi động sự kiện "E-Mobility Taiwan 2035" nhằm cầu cung cấp các giải pháp trong ngành công nghiệp ô tô điện và năng lượng mới”, bà Hằng cho biết thêm.

Tác giả: PHẠM DUY

Nguồn tin: vtc.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP