Du lịch

Vườn vải níu chân khách du lịch

Đến huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương vào dịp cuối tháng 5, đầu tháng 6 mùa vải chính vụ, du khách như lạc vào vùng miệt vườn với bạt ngàn cây quả. Những cây vải như mâm xôi khổng lồ với sắc đỏ hồng nổi bật trên những tán lá xanh, níu chân bất kỳ du khách nào.

Du khách quốc tế rất thích thú khi được thưởng thức đặc sản vải Thanh Hà. Ảnh: DN.

Trải nghiệm thú vị

Cây vải không những là loại cây trồng chủ lực, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con ở nhiều huyện của tỉnh Hải Dương mà mùa thu hoạch vải còn trở thành một loại hình du lịch độc đáo và hấp dẫn, một điểm du lịch “miệt vườn” đặc sắc ở Đồng bằng Bắc bộ.

Cứ mỗi dịp vải thiều chính rộ, huyện Thanh Hà lại thu hút hàng nghìn lượt du khách từ các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh… đến tham quan và trải nghiệm hoạt động thu hái vải thiều cùng với nhân dân địa phương. Trong số du khách đó, chiếm phần lớn là các hộ gia đình có ô tô, tranh thủ thời gian rảnh rỗi đi du lịch và nhiều bạn trẻ hay các dân “phượt” chuyên nghiệp đi “săn” những bức ảnh đẹp tại vườn vải. Thậm chí, có khách còn xin ngủ trọ lại tại nhà chủ vườn để trải nghiệm không khí lao động tất bật cùng với người trồng vải. Chưa kể, một số du khách quốc tế khi đến Hải Dương, nghe giới thiệu về du lịch vườn vải đã rất hào hứng và tìm về với vườn vải để tham quan và thưởng thức đặc sản trứ danh này.

Ông Khổng Quốc Tuân, Giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Hải Dương chia sẻ, nhiều du khách nói rằng đến đất vải Thanh Hà vào mùa vải không khác gì đi hội. Ý kiến này rất chính xác vì cây vải không đơn thuần là một loại cây ăn trái cho giá trị kinh tế cao, mà chứa đựng những giá trị văn hóa, lịch sử của vùng đất Hải Dương văn hiến.

Theo ông Tuân, điểm nhấn của tour du lịch mùa vải ở Thanh Hà chính là thăm cây vải Tổ tại thôn Thúy Lâm (xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà) có tuổi thọ khoảng 200 năm tuổi. Ngoài ra, sau khi thăm cây vải Tổ, du khách sẽ được hòa mình trong khu vườn vải rộng 32ha của huyện Thanh Hà. Những vườn vải này được trồng theo tiêu chuẩn Vietgap đã được quy hoạch, tại đây du khách có thể tự thưởng thức những quả vải trên cây hoặc mua về làm quà cho gia đình và người thân.

Gặp phóng viên tại vườn vải nhà ông Hoàng Văn Lượng, xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà, anh Nguyễn Quốc Nam, thị trấn Yên Viên, huyện Gia Lâm, Hà Nội cho biết, vài năm trở lại đây, điều kiện đi lại thuận lợi, anh và một số bạn bè lái xe đưa gia đình về Thanh Hà, Hải Dương trải nghiệm cảm giác làm nông dân thu hái vải và chụp những bức ảnh đẹp về vải thiều. Bên cạnh đó, mục đích của anh Nam và vợ là muốn tạo điều kiện cho hai con của mình đang trong thời gian nghỉ hè có chuyến đi chơi về vùng nông thôn bổ ích“.

“Ngoài ra, chi phí để có chuyến du lịch dã ngoại này “khá mềm”, do đường sá giao thông đi lại thuận tiện nên từ Hà Nội về Thanh Hà chỉ khoảng từ 1 đến 2 tiếng đồng hồ với chi phí đi lại xăng xe chỉ trên dưới 300.000 đồng nếu đi đường quốc lộ 5 cũ. Sau khi đến vườn vải, tha hồ hái vải, thưởng thức đặc sản, chủ vườn chỉ tính tiền cho một kg vải khoảng 20.000 đồng, ngoài ra không phải chịu chi phí nào khác”, anh Nam nói.

Còn theo lời nhiếp ảnh gia Bùi Duy Hùng, TP. Hải Phòng, cứ đến mùa vải, anh và một số bạn bè đam mê nhiếp ảnh thường rủ nhau đến các vườn vải với quả chín đỏ để chụp những bức ảnh đẹp, vừa là để thỏa mãn niềm đam mê riêng, vừa là giúp quảng bá du lịch cho nhân dân địa phương. “Khung cảnh vườn vải là nơi lý tưởng cho những sáng tạo nghệ thuật bởi sắc xanh biếc của lá, sắc hồng đỏ của quả và những gốc cây vải với nhiều thế khác nhau với tán rộng”, nhiếp ảnh gia Bùi Duy Hùng nói.

Nở rộ các dịch vụ du lịch

Để hình thức du lịch vườn vải phát triển, theo ý kiến của nhiều du khách, các hộ dân trồng vải cần có tư duy làm du lịch sinh thái như nấu cơm cho khách; chuẩn bị phòng nghỉ tiện nghi và thêm các điểm đến, tour, tuyến phong phú hơn để níu chân du khách ở lại. Chị Đào Thị Hạnh, phố Huỳnh Thúc Kháng, Đống Đa, Hà Nội cho rằng, huyện Thanh Hà cần phải cải tạo đường sá, giao thông để những xe lớn vận chuyển khách du lịch có thể vào được. “Hiện tại một số còn đường nhỏ ra các vườn vải vẫn còn rất khó khăn và thiếu bãi để xe”, chị Hạnh nói.

Bàn về phương án phát triển tiềm năng du lịch vườn vải kết hợp du lịch sinh thái của huyện thời gian tới, ông Nguyễn Văn Lực, Chủ tịch huyện Thanh Hà thông tin, vừa qua, UBND tỉnh Hải Dương đã thông qua quy hoạch chung Khu du lịch sinh thái sông Hương (huyện Thanh Hà) với nhiều loại hình sản phẩm du lịch sinh thái miệt vườn, du lịch trải nghiệm, tham quan du lịch sông nước kết hợp du lịch di tích lịch sử văn hóa và tâm linh.

Theo đó, du khách được chăm sóc, thu hái quả, tham quan hệ sinh thái sông nước, chiêm ngưỡng cảnh quan, thăm cây vải tổ, tham gia sinh hoạt hằng ngày cùng người dân trong vùng, tham gia các trò chơi dân gian của Thanh Hà, thưởng thức đặc sản rươi, ruốc, cáy, cà ra, xem biểu diễn nghệ thuật truyền thống, đạp xe tham quan phong cảnh làng quê, trải nghiệm cuộc sống, quăng lưới, buông chài, chiêm bái nhiều ngôi chùa cổ, kiến trúc độc đáo…

Bên cạnh đó, để tăng tính hấp dẫn, theo ông Lực, quy hoạch cũng đề xuất tạo dựng một chức năng là khu bảo tàng, bảo tồn lúa nước gắn với du lịch sinh thái, có vai trò phục dựng, lưu trữ, bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa nông nghiệp lúa nước đặc trưng của vùng Đồng bằng Bắc Bộ...

Thiết nghĩ tiềm năng phát triển du lịch sinh thái miệt vườn, du lịch đồng quê, lưu trú theo mô hình du lịch cộng đồng ở Thanh Hà rất lớn. Tuy nhiên, để thu hút được 500.000 du khách/năm đến năm 2020 như dự tính, huyện Thanh Hà nói riêng và tỉnh Hải Dương nói chung cần có cơ chế, chính sách cụ thể thu hút các nhà đầu tư du lịch, phát triển hạ tầng giao thông, dịch vụ du lịch; đào tạo nguồn nhân lực du lịch; xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù; tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến du lịch tới các thị trường trọng điểm trong và ngoài nước...

Tác giả: D.Ngân

Nguồn tin: Báo Hải quan

  Từ khóa: Vườn vải , khách du lịch

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP