Tin địa phương

Vì sao Dự án xử lý các điểm nguy cơ mất an toàn giao thông trên Quốc lộ 1A vẫn chưa đưa vào sử dụng?

Dù đã thi công xong gần 5 tháng và đã nghiệm thu hơn 2 tháng nay, nhưng Dự án xử lý các điểm nguy cơ mất an toàn giao thông (ATGT) tuyến Quốc lộ 1A đoạn đi qua xã Sen Thủy và xã Hưng Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) vẫn chưa thể đưa vào sử dụng.

Dự án xử lý các điểm nguy cơ mất ATGT trên QL1A sau hơn 2 tháng nghiệm thu vẫn chưa đưa vào thể hoạt động.

Dự án xử lý các điểm nguy cơ mất ATGT đoạn Km639+600-Km639+970; Km702+200 - Km703+00; Km711+200 - Km711+900, Quốc lộ 1, tỉnh Quảng Bình được Tổng Cục đường bộ Việt Nam phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật tại Quyết định số 3913/QĐ-TCĐBVN ngày 29/9/2022. Tổng mức đầu tư của dự án là 4.290.000.000 đồng. Trong đó, chi phí xây dựng 3.636.098.000 đồng. Nguồn vốn: Sự nghiệp chi hoạt động kinh tế đường bộ (Ngân sách Nhà nước).

Theo thiết kế được phê duyệt, dự án bổ sung hệ thống điện chiếu sáng. Bố trí 7 cột đèn đôi tại tim đường trên đoạn Km639+600 - Km639+970 (huyện Bố Trạch); 19 cột đèn đơn bên trái tuyến trên đoạn Km702+200 - Km703+00 và 24 cột đèn đôi tại tim đường trên đoạn Km711+200 - Km711+900 (huyện Lệ Thủy).

Ngày 17/01/2023, Cục đường bộ Việt Nam đã ban hành Quyết định số 415/QĐ-CĐBVN về việc phê duyệt điều chỉnh Báo cáo kinh tế - kỹ thuật công trình. Ngày 27/03/2023, Ban quản lý dự án 4 thuộc Cục đường bộ Việt Nam (đơn vị Quản lý dự án-PV) đã ký Hợp đồng số 218/2023/HĐXD với công ty Công ty TNHH công nghiệp Trí Hồng Đức về việc thực hiện gói thầu số 2: Thi công xây dựng, công trình. Sau đó, dự án đã được triển khai và hoàn thành vào ngày 26/7/2023.

Mục tiêu đầu tư dự án là sửa chữa, hoàn thiện hệ thống ATGT và đảm bảo ATGT cho người và phương tiện tham gia giao thông…

Tiếp đến ngày 7/9/2023, Biên bản bàn giao, tiếp nhận hạng mục công trình đưa vào quản lý, khai thác đã được lập, gồm: Đại diện chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án 4; đại diện nhà thầu thi công là Công ty TNHH Công nghiệp Trí Hồng Đức; đại diện đơn vị tiếp nhận là UBND huyện Lệ Thủy, Ban Quản lý các công trình công cộng, Văn phòng Quản lý đường bộ II.4. Dự án đã bàn giao hạng mục hệ thống điện chiếu sáng, hệ thống đèn tín hiệu giao thông tại điểm nguy cơ mất ATGT đoạn Km702+200 - Km703+00; Km711+200 - Km711+900 Quốc lộ 1, tỉnh Quảng Bình. Tại biên bản này đánh giá hạng mục công việc đã thực hiện: Chất lượng hạng mục công trình xây dựng so với hồ sơ thiết kế được duyệt đảm bảo yêu cầu; hạng mục công trình đủ điều kiện bàn giao đưa vào khai thác.

Tuy nhiên, sau biên bản bàn giao, tiếp nhận hạng mục công trình đưa vào quản lý, khai thác, đến nay đã hơn 2 tháng vẫn chưa thể đưa vào hoạt động khiến nhiều người dân bức xúc.

…nhưng bóng đèn không được bật vào ban đêm.

Anh Nguyễn Đăng Phong (54 tuổi), chợ Mai thôn Phù Thị, xã Hưng Thủy, huyện Lệ Thủy bất bình: “Lắp đèn sáng ban đêm chúng tôi rất vui mừng và hoan nghênh, có đèn sáng không chỉ giảm tai nạn giao thông mà còn hạn chế tình trạng trộm cắp. Nhưng chúng tôi thấy thi công xong khoảng tháng 5, đến nay không thấy đèn sáng không hiểu vì lý do gì. Cột đèn mới chỉ nằm phơi mưa nắng như vậy là quá lãng phí”.

Tương tự, tại xã Sen Thủy, huyện Lệ Thủy, các cột đèn của dự án đã hoàn thành nhưng đến nay vẫn chưa hoạt động. “Dự án xử lý các điểm nguy cơ mất an toàn giao thông đã thi công xong, nhưng không hiểu vì sao đến nay vẫn chưa đấu nối điện chiếu sáng tại các cột đèn. Vừa rồi, tiếp xúc cử tri xã cũng đã có ý kiến, vì đây là đoạn đường thường xảy ra tai nạn giao thông, việc lắp đèn chiếu sáng vào ban đêm và biển hạn chế tốc độ là rất cần thiết”, ông Lê Văn Bắc – Chủ tịch UBND xã cho hay.

Ông Trần Kim Tiến – Giám đốc điều hành dự án (Ban Quản lý dự án 4) cho biết: “Hiện, dự án đã hoàn thành và bàn giao cho địa phương, việc bật nối hay không bật nối điện là của địa phương. Tất cả các điểm đen khi có ý kiến của địa phương thì Nhà nước mới đầu tư. Sau khi làm xong đã bàn giao cho địa phương, còn nếu địa phương không bật để xảy ra tai nạn chết người thì địa phương chịu hoàn toàn trách nhiệm, việc phụ trách là việc của huyện Lệ Thủy”.

Công trình hoàn thành từ 7/2023 đến nay chưa đưa vào sử dụng khiến người dân bức xúc.

Để nắm rõ hơn về vấn đề này, PV Báo điện tử Xây dựng đã có cuộc trao đổi với ông Dương Đức Nghĩa – Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Lệ Thủy. Theo ông Nghĩa, lý do dự án chưa thể đấu điện để sử dụng là do, chủ đầu tư mới chỉ bàn giao Biên bản bàn giao, tiếp nhận hạng mục công trình đưa vào quản lý, khai thác.

Nói về hướng giải quyết sắp tới, ông Nghĩa cho biết: “Sẽ làm văn bản gửi chủ đầu tư đề nghị gửi lại một hồ sơ liên quan đến dự án, đồng thời thống nhất lại thời gian vận hành. Phải có hồ sơ hoàn công trình để biết số lượng bóng, cột và công suất; có biên bản bàn giao tài sản để sau này đơn vị vận hành có cơ sở vận hành, nếu xảy ra hư hỏng còn sửa chữa”.

Mục tiêu đầu tư dự án là sửa chữa, hoàn thiện hệ thống ATGT để tăng khả năng khai thác, kéo dài tuổi thọ và đảm bảo ATGT cho người và phương tiện tham gia giao thông. Nhưng sau gần 5 tháng hoàn thành, công trình này vẫn chưa được đưa vào sử dụng.

Tác giả: Đào Hồng Thiệu

Nguồn tin: Báo Xây dựng

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP