Tin địa phương

Vài mẩu chuyện vui về bài thơ "Mẹ Suốt" của nhà thơ Tố Hữu

Nguyễn Thị Suốt, người mẹ Anh hùng lập công trên sông nước Nhật Lệ (Đồng Hới, Quảng Bình) không những đã đi vào thơ ca, nhạc họa mà còn được tạc tượng đài dựng cao bên bờ sông Nhật Lệ. Chuyện về mẹ và nhiều chi tiết trong bài thơ "Mẹ Suốt" của nhà thơ Tố Hữu cũng khá hấp dẫn, sinh động, đọng sâu trong trí nhớ nhiều người.

Còn nhớ, vào năm 2012, trong một lần ra Thủ đô công tác, tối đó, tôi mở tivi, đúng vào lúc Đài Truyền hình Hà Nội đang phát về cuộc chơi có chủ đề "Thử sức trí tuệ" trong chương trình văn nghệ của Đài. Là người sinh ra và lớn lên ở vùng quê Nhật Lệ, con sông chảy qua thủ phủ Quảng Bình là Đồng Hới, nơi Mỹ mở đầu cuộc chiến tranh leo thang phá hoại miền Bắc (7-2-1965), biết bao gương sáng anh hùng đã xuất hiện trong cuộc chiến tranh tự vệ để giữ gìn quê hương ấy, tôi rất hồ hởi trước câu hỏi nêu ra của MC trong một phần của chương trình đó: "Mẹ Suốt lập công anh hùng trên dòng sông nào?". Người đầu tiên trả lời: "Sông Thu Bồn - Quảng Nam". Người thứ hai trả lời: "Sông Thạch Hãn - Quảng Trị". Người thứ ba trả lời: "Sông Hương - Thừa Thiên - Huế".

Ngồi xem mà tôi cứ ngỡ mình đang ngồi trên ghế có đinh. Mẹ Suốt ở quê tôi là người mẹ anh hùng lập công trên sông nước Nhật Lệ, Đồng Hới, Quảng Bình. Nhà thơ Tố Hữu đã viết bài thơ "Mẹ Suốt" (4-1965) và đã được nữ nghệ sĩ Châu Loan ngâm theo lối vè Trị Thiên vang lên trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Bài thơ cũng đã được đưa vào sách Ngữ văn giảng dạy ở trường THCS một thời gian dài, mà tại sao đến lúc đó có người lại mờ mịt về lịch sử đến như vậy? Lúc đó tôi đã rất buồn và thấy… thương mẹ Suốt.

Mẹ Suốt chèo đò (ảnh tư liệu).

Và tôi đã nhớ lại một kỷ niệm dở cười dở khóc về nhân vật Mẹ Suốt: Trong một lần đi điền dã, tôi đã gặp một bạn học sinh ở một tỉnh phía Nam. Khi biết tôi cùng quê với mẹ Suốt, cháu đã níu lấy trò chuyện.

- Chú ơi, quê chú ở Bảo Ninh, Đồng Hới, Quảng Bình phải không ạ?

- Ừ, đúng rồi!

- Chắc chú biết rất rõ về mẹ Suốt anh hùng, lập công trên sông Nhật Lệ vào những ngày đầu Mỹ đánh phá ác liệt miền Bắc XHCN?

- Ồ, cháu giỏi lắm! đúng là như thế.

- Cháu càng kính trọng, quý mến Bà mẹ Việt Nam Anh hùng ấy vì bà còn là một người khuyết tật mà đương đầu với tàu bay Mỹ với một cánh tay chèo đò chở bộ đội qua sông khi bom đạn thù đang mịt mù giội xuống.

- Vì sao cháu nói vậy? Không đúng đâu!

- Nhiều bạn cháu, ai cũng nói thế cả, bởi đã đọc câu thơ của nhà thơ Tố Hữu khi viết về mẹ Suốt. Câu thơ đó là: "Một tay lái chiếc đò ngang/ Bến sông Nhật Lệ quân sang đêm ngày". Mẹ Suốt cụt một tay, chèo đò bằng cánh tay còn lại. Đúng thế chứ gì nữa, hở chú?

- Cháu đọc "Truyện Kiều" của Nguyễn Du chưa? Nhân vật Từ Hải, một anh hùng hảo hán "Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao", "Chọc trời khuấy nước mặc dầu/ Dọc ngang nào biết trên đầu có ai", nghĩa là đủ cả tay chân, mạnh khỏe, tráng kiện nữa, nhưng Nguyễn Du cũng miêu tả: "Một tay gây dựng cơ đồ/ Bấy lâu bể Sở sông Ngô tung hoành". Ai dám nói nhân vật Từ Hải là khuyết tật nào? Mẹ Suốt cũng thế: "Một tay lái chiếc đò ngang…" không phải vì mẹ khiếm khuyết cơ thể. "Một tay", đó là ẩn dụ, phép tu từ trong văn chương, chỉ một đấng, một trượng, một anh thư, một tráng kiệt, một siêu việt, cháu biết không?

- Dạ, dạ! Chí phải! Để cháu về nói với bạn cháu như chú đã nói. Bấy lâu bọn cháu nghĩ sai về mẹ Suốt rồi.

Trước đây, có một lần chấm bài tập làm văn của một học sinh lớp 12 trường THPT, đoạn viện dẫn thơ văn để minh họa về hình ảnh những thanh niên thời đại mới đã "gác bút nghiên lên đường tranh đấu" trong kháng chiến chống Mỹ, em ấy đã viết như sau: “Ông nhà theo bạn “Xuất quân”/ Tui nay cũng được vô chân “Sẵn sàng” là hình ảnh đẹp mà nhà thơ Tố Hữu đã khắc họa phẩm chất cách mạng của vợ chồng mẹ Suốt bên bờ sông Nhật Lệ.

Tượng đài Mẹ Suốt bên bờ sông Nhật Lệ.

Chồng mẹ Suốt đã "xuất quân", nghĩa là đã từng làm anh bộ đội Cụ Hồ, "xuất quân" dưới cờ để lên đường tiêu diệt Mỹ ngụy. Còn mẹ Suốt, trước khi "Sáu mươi còn một chút tài đò đưa" đã từng đứng trong đội quân "Ba sẵn sàng" của thanh niên miền Bắc, sống, chiến đấu để bảo vệ miền Bắc XHCN thân yêu".

Tôi thật choáng váng khi đọc những dòng văn trên. Từng là xã viên HTX đánh cá Thống Nhất Bảo Ninh, trước khi vào Đại học Sư phạm để sau đó trở thành anh giáo dạy văn trường cấp 3 phổ thông, tôi và cụ Trần Bạo (sinh 1895), chồng mẹ Suốt Anh hùng là những người cùng thuyền, chung lưới, bám biển để đánh bắt cá, làm giàu cho HTX. Thời kỳ đó (1963 - 1973), các HTX ngư nghiệp vùng sông nước Nhật Lệ thường tổ chức các tổ, đội bám đất, bám biển ở vùng xa phía Nam cửa biển Nhật Lệ để đánh bắt hải sản. Các tổ, đội này có tên gọi là tổ, đội "Xuất quân" để "Đi tìm bãi cá".

"Xuất quân" trong bài thơ "Mẹ Suốt" không phải hiểu theo nghĩa "lên đường ra trận dưới ánh cờ". Còn mẹ Suốt thời kỳ đó được UBND xã giao nhiệm vụ chèo đò chở khách qua về nơi bến sông Nhật Lệ. Nhưng khi chiến sự xảy ra thì phải "sẵn sàng" nhận nhiệm vụ chở bộ đội, cán bộ vượt sông để hoàn thành nhiệm vụ. Mẹ Suốt đã trả lời với nhà thơ Tố Hữu và được nhà thơ ghi lại theo dạng phóng sự thơ trong bài thơ "Mẹ Suốt" của mình. "Ông nhà theo bạn "Xuất quân"/ Tui nay cũng được vô chân "Sẵn sàng" là vậy.

Cố Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình thời chống Mỹ, ông Nguyễn Tư Thoan đã có lần nói chuyện với anh em văn nghệ sĩ chúng tôi. Ông cho biết, ông là thính giả đầu tiên được chính tác giả bài thơ "Mẹ Suốt" đọc cho nghe. Số là, đầu tháng 4-1965, nhà thơ Tố Hữu trên cương vị là Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đảng vào Quảng Bình công tác.

Do bận phải đi nhiều nơi, mẹ Suốt được tổ chức mời về Văn phòng Tỉnh ủy gặp nhà thơ giữa trưa. Bên hỏi, bên đáp, bài thơ "Mẹ Suốt" là một thiên "phóng sự - thơ" được ra đời trưa và tối hôm đó. Sáng 4-11-1965 (ngày tháng sáng tác được nhà thơ ghi dưới bài thơ của mình) nhà thơ mở cặp đọc cho Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình nghe tại nhà ăn. "Mùng xanh đây mụ đắp cho kín mình" là câu dặn dò của chồng mẹ

Suốt khi trao chiếc khăn "ngụy trang" cho mẹ trước khi ông lại trở lại trại "Xuất quân", nơi ông đang cùng nhiều xã viên khác bám biển. "Nhà thơ Tố Hữu đã viết đúng và tôi cũng đã nghe như thế. Những người biên tập ở NXB đã đổi "mùng" thành "màn", có được phép tác giả không? Người Bảo Ninh nói riêng, người Đồng Hới, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế nói chung thường nói "nằm mùng" chứ không nói "nằm màn" đâu"" - ông Nguyễn Tư Thoan đã nói như thế.

Còn chuyện tại sao vải màn lại được làm tấm vải ngụy trang thì ngày nay không phải ai cũng biết. Thuở đó, ở Đồng Hới, theo trào lưu ai ra đường cũng đều phải choàng trên mình tấm vải ngụy trang để tránh máy bay Mỹ phát hiện. Những chiếc màn muỗi cũ được phá, cắt vuông vắn rồi đem nhuộm bằng mực tím pha với thuốc kí ninh vàng thành tấm vải xanh màu lá cây rất bắt mắt.

Cụ Trần Bạo lúc ở trại "Xuất quân" tranh thủ giữa trưa đã làm như thế. Bấy giờ, cụ mang về tặng mẹ Suốt để choàng lên người khi lên thuyền, xuống bến. Chuyện đó được mẹ kể lại cho nhà thơ Tố Hữu nghe. Tình vợ chồng già âu yếm, đằm thắm, cảm động làm sao.

Tác giả: Hồ Ngọc Diệp

Nguồn tin: Báo Công an nhân dân

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP