Giáo dục

Trẻ Trung Quốc chuẩn bị cho kỳ thi đại học từ mẫu giáo

Nhờ tâm lý không muốn con thua ngay từ vạch xuất phát của phụ huynh, ngành công nghiệp dạy thêm ở Trung Quốc phát triển vượt bậc.

Khác với hình thức xét tuyển ở nhiều nước phương Tây, kỳ thi tuyển sinh đại học của Trung Quốc (gaokao) là phương pháp trực tiếp xác định học sinh có thể vào đại học nào. Ở một mức độ nào đó, nó quyết định một người có thể trở thành công nhân cổ áo xanh hay cổ áo trắng (chỉ lao động chân tay hay trí óc) trong tương lai, theo CNBC ngày 7/6.

“Mặc dù nhân viên giao hàng có thể kiếm 8.000-10.000 nhân dân tệ (28-35 triệu đồng) một tháng, còn nhân viên bàn giấy chỉ có thu nhập 3.000-5.000 nhân dân tệ (10-18 triệu đồng), cha mẹ Trung Quốc vẫn muốn con thuộc nhóm thứ hai”, Bangxin Zhang, nhà sáng lập kiêm CEO của tổ chức giáo dục TAL Education cho biết.

Đặt trụ sở tại Bắc Kinh, TAL phát triển trung tâm giảng dạy ở 36 thành phố trên khắp Trung Quốc, với gần 4 triệu học sinh học trực tiếp và 35 triệu người dùng đăng ký trực tuyến. Đây là nhà cung cấp dịch vụ dạy thêm lớn nhất Trung Quốc. Với vốn hóa thị trường khoảng 22 tỷ USD, cổ phiếu của công ty đã tăng hơn 50% tính từ đầu năm đến nay và tăng hơn gấp đôi trong 12 tháng qua.

Tại sao học thêm lại quan trọng ở Trung Quốc?

Nhiều phụ huynh ở quốc gia đông dân nhất thế giới tin rằng xuất phát sớm hơn người khác là chìa khóa của thành công. Bố của Mingzhe Ma, 8 tuổi, cùng quan điểm.

Mười năm nữa, Ma, hiện là học sinh lớp 2 ở Bắc Kinh, cũng sẽ bước vào kỳ thi gaokao khốc liệt. Ngay từ bây giờ, cậu bé đã phải dành thời gian ở lớp học thêm nhiều không kém gì một học sinh trung học.

Học sinh Trung Quốc chịu áp lực học tập rất lớn. Ảnh: CNN

Mỗi tuần, Ma dành khoảng bốn tiếng tập piano, bốn tiếng tập cầu lông, hai tiếng học tiếng Anh, ít nhất sáu tiếng học toán và các môn khác tại TAL.

“Con trai tôi bắt đầu học tại TAL từ lớp 1. Ít nhất nửa lớp của thằng bé đang học những chương trình tương tự, nhiều học sinh còn bắt đầu từ một, hai năm trước khi vào tiểu học”, bố em, Yunhui Ma cho biết.

Hầu hết lớp dạy thêm sử dụng chương trình giảng dạy tương tự các trường công lập, ngoại trừ việc đặt mục tiêu giúp học sinh đi trước bạn bè cùng tuổi nửa năm.

“Áp lực khi so sánh với các trẻ đồng trang lứa sẽ khiến phụ huynh lo lắng con mình tụt hậu”, anh phân trần.

Loại áp lực này cũng chính là lý do một bà mẹ quyết định rời khỏi Trung Quốc đại lục.

"Nếu cuộc sống giống như một cuộc chạy đua marathon, người Trung Quốc chúng tôi luôn cố gắng giành chiến thắng ngay từ vạch xuất phát", Milanie Shi (45 tuổi) nói. Cô đã chuyển đến Hong Kong cùng với con gái 14 tuổi hồi năm ngoái do không chịu được áp lực của trường học.

Thách thức dành cho phụ huynh

Không chỉ học sinh đối mặt với áp lực từ giáo dục, các bậc cha mẹ Trung Quốc cũng đang cạnh tranh về chi phí đầu tư cho việc học của con. Số lượng giáo viên uy tín rất hạn chế góp phần khiến trận đấu thêm phần khốc liệt.

“Giống như thị trường bất động sản của Trung Quốc, giá cả leo thang không khiến nhu cầu giảm bớt. Đối với các lớp học thêm, dù chi phí không rẻ đối với nhiều gia đình nhưng họ không quá bận tâm. Nếu một trung tâm dạy thêm ra giá quá rẻ, họ sẽ nghi ngờ về chất lượng giảng dạy”, Shi nói.

Ngành công nghiệp dạy thêm ở Trung Quốc đã phát triển mạnh với thị trường trị giá hơn 120 tỷ USD. 93% phụ huynh gửi con đến các khóa học làm giàu, theo báo cáo của HSBC năm 2017.

Với nhu cầu ngày càng lớn, nguồn cung sẽ trở thành thách thức lớn.

“Mọi phụ huynh đều muốn con được dạy bởi những giáo viên giỏi nhất. Tôi từng phải đặt báo thức ba lần và sử dụng những tài khoản khác nhau để đăng ký lớp học của một số giáo viên nhất định. Việc này rất khó khăn”, Shi cho biết.

Nỗ lực của Shi đã được đền đáp. Cô nói rằng các lớp học thêm tại TAL rất hiệu quả. Chỉ sau vài tháng, kết quả của con gái cô nhảy vọt từ thứ hạng 47 lên 7 trên tổng số 170 học sinh ở trường. Tuy nhiên, kiệt sức vì phải chạy đua gay gắt với các học sinh và phụ huynh khác, Shi suy nghĩ lại về tương lai của con.

“Tôi cảm thấy rất khó chịu khi nhìn thấy ngay cả trẻ mẫu giáo cũng ngồi trong lớp học thêm. Tôi muốn con gái dành nhiều thời gian hơn với gia đình. Sau này, khi con lớn lên, bạn sẽ không thể ở bên con nhiều nữa”, bà mẹ chia sẻ.

Nỗ lực của chính phủ

Trong nhiều năm, chính quyền Trung Quốc đã cố gắng giải tán các trung tâm dạy thêm tư nhân đắt đỏ và khó kiểm soát, lập luận rằng chúng gia tăng căng thẳng cho học sinh.

Thủ tướng Lý Khắc Cường hứa hẹn tăng cường giám sát ngành giáo dục, giảm gánh nặng tài chính và học tập cho học sinh lẫn phụ huynh.

Cuộc đàn áp các trung tâm xảy ra trong bối cảnh công chúng lo ngại khoảng cách giáo dục ngày càng bị đẩy xa giữa gia đình giàu có và gia đình không đủ điều kiện cho con học thêm. Trong khi đó, một số lượng đáng kể giáo viên trường công bị hấp dẫn bởi việc dạy thêm ở trung tâm và ở nhà, có thể không làm tròn trách nhiệm ở trường.

Tối 3/6 và 4/6, học sinh lớp 12 ở Nam Sung, Tứ Xuyên vẫn ôn bài ở trường. Kỳ thi đại học diễn ra từ ngày 7/6. Ảnh: People's Daily

Việc thắt chặt quy định khiến TAL phải ngừng hoạt động một số trung tâm không đáp ứng tiêu chuẩn trình độ chuyên môn. Công ty cũng phải loại đi một số lớp luyện thi đại học thay vì các môn học thông thường, hủy các lớp kết thúc quá muộn.

Tuy nhiên, một nhà phân tích thị trường nhận định TAL có thể tăng lợi nhuận nhờ đợt cải tổ này.

“Chúng tôi cho là 90% thị trường dạy thêm không được kiểm soát bởi các trung tâm mà do giáo viên tự tổ chức, họ không phải trả thuế và không đăng ký với chính quyền địa phương”, Edwin Chen, giám đốc điều hành trung tâm nghiên cứu Asia Small/Mid Caps thuộc ngân hàng UBS Securities cho biết.

Theo ông, khi chính phủ cố gắng điều chỉnh, các tổ chức hàng đầu càng có cơ hội chiếm lĩnh thị phần nhiều hơn, bởi họ có nền tảng lớn hơn, đủ khả năng đầu tư vào công nghệ. Lợi thế cạnh tranh của họ sẽ cao hơn đối thủ nhỏ.

Tiếp cận công nghệ

Bangxin Zhang cho biết ông đang chuyển TAL thành công ty công nghệ với mục đích mở rộng việc học trực tuyến và qua điện thoại di động. Ông muốn cải thiện chất lượng khóa học với các công nghệ như trí tuệ nhân tạo.

“Tại TAL, chúng tôi có khoảng 1.600 nhà phát triển nội dung khóa học và 4.000 kỹ thuật viên IT. Để mở rộng quy mô, tốc độ tăng trưởng của công ty có thể chậm lại. Tuy nhiên, chúng tôi đặt mục tiêu trở thành công ty công nghệ giáo dục”, Zhang nói.

Đối với Chen, kế hoạch của Zhang dường như là giải pháp cho một số vấn đề mà hệ thống giáo dục Trung Quốc đang phải đối mặt.

“Công nghệ có thể phá vỡ nút thắt cổ chai của ngành công nghiệp giáo dục truyền thống. Ở một số vùng, đặc biệt là thành phố cấp 4 hoặc 5, việc thu hút giáo viên chất lượng cao vô cùng khó. Công nghệ có thể làm cho một giáo viên chất lượng cao vẫn ở trong thành phố cấp 1 hoặc 2, nhưng có khả năng cung cấp dịch vụ giáo dục cho những học sinh vùng sâu”, Chen nhận xét.

Theo nhà phân tích thị trường, trí tuệ nhân tạo mà TAL sử dụng sẽ giúp thay đổi ngành giáo dục. “Điều này được khuyến khích và hoan nghênh bởi chính phủ Trung Quốc”, ông nói.

Tác giả: Thùy Linh

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP