Kinh tế

Tiếp tục ổn định giá cả, lạm phát

Một số quan điểm dự báo lạm phát năm 2024 chỉ khoảng 3%; 3,6% hoặc 3,8%, cách xa mục tiêu được Quốc hội phê duyệt là 4%-4,5%

Tại hội thảo "Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam năm 2023 và dự báo năm 2024" do Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) phối hợp Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính tổ chức ngày 4-1, các chuyên gia đều dự báo áp lực lạm phát năm 2024 không quá lớn.

Kinh tế chưa bật lên, lạm phát khó tăng

Nhìn lại năm 2023, PGS-TS Nguyễn Bá Minh, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, cho rằng Việt Nam không thuộc nhóm nước có lạm phát cao khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ tăng 3,25%, thấp hơn mục tiêu 4,5%. Lạm phát của Việt Nam thấp trong bối cảnh giá hàng hóa trên thị trường quốc tế chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố kinh tế, địa chính trị phức tạp và lạm phát toàn cầu có xu hướng giảm nhưng vẫn ở mức cao.

Dự báo năm 2024, TS Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, nêu quan điểm CPI bình quân chỉ khoảng 3%. Nguyên nhân đầu tiên là bởi kinh tế thế giới, đặc biệt nền kinh tế số 1 và số 2 thế giới là Mỹ, Trung Quốc, được dự báo tăng trưởng chậm lại. Ngoài ra, giá dầu khó tăng mạnh, thậm chí còn có thể giảm mạnh nếu kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái. Trong khi đó, kinh tế Việt Nam vẫn hoạt động ở dưới tiềm năng, xuất khẩu chỉ tăng trưởng vừa phải. Áp lực lạm phát từ yếu tố tỉ giá cũng không lớn khi sức mạnh đồng USD đang trong xu hướng giảm. "Các điều kiện tiền tệ đang ở mức trung tính và sẽ không khiến giá cả tăng đột biến trong năm 2024" - TS Nguyễn Đức Độ nói thêm.

Đưa ra dự báo lạm phát cao hơn, ở mức 3,6%-3,8%, TS Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại - Bộ Công Thương, cho rằng mặc dù kinh tế vĩ mô ổn định, cung hàng hóa dồi dào giúp kiềm chế tăng giá nhưng vẫn còn những mối lo ngại. Cụ thể, lạm phát cơ bản năm 2023 cao nhất trong nhiều năm qua; thực hiện cải cách tiền lương ngày 1-7 và tiếp tục lộ trình tăng giá dịch vụ y tế, giáo dục... là những yếu tố sẽ gây sức ép lên CPI năm 2024.

Theo PGS-TS Phan Thế Công, Trưởng Khoa Kinh tế - Trường ĐH Thương mại, áp lực gia tăng lạm phát năm nay còn đến từ một số yếu tố khác như: giá nguyên vật liệu đầu vào thế giới đang và dự báo tiếp tục ở mức cao; thiên tai, dịch bệnh có thể gây ảnh hưởng giá lương thực, thực phẩm tại một số địa phương; các chương trình hỗ trợ phục hồi và kích cầu giải ngân đầu tư công...

"Trong cơ cấu chi tiêu của hộ gia đình, chi cho giáo dục chiếm tới 6,17%; trong đó dịch vụ giáo dục chiếm 5,45%. Do đó, biến động giá học phí có thể tác động lớn tới lạm phát. Giá điện cũng có thể tiếp tục tăng khi nguyên liệu đầu vào như xăng, dầu, than đều đang ở mức cao" - PGS-TS Phan Thế Công phân tích thêm.

Nguồn cung hàng hóa dồi dào trong năm 2024 sẽ góp phần kìm giữ giá, giúp lạm phát ở mức thấp. Ảnh: MINH PHONG

Quyết liệt ổn định giá cả

PGS-TS Phan Thế Công lưu ý bảo đảm nguồn cung lương thực - thực phẩm với giá ổn định bởi đây là nhóm hàng chiếm tỉ trọng lớn trong tiêu dùng, tác động mạnh tới lạm phát. Đặc biệt, trong bối cảnh những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới như Ấn Độ, Nga, Các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) hạn chế, cấm xuất khẩu gạo, đẩy giá gạo trong nước tăng theo thế giới. "Cần tăng cường thông tin, truyền thông minh bạch, tránh để xảy ra hiện tượng lạm phát do tâm lý từ thông tin sai lệch" - ông Công khuyến nghị.

PGS-TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, cho rằng cần theo dõi sát diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới để kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến lạm phát của Việt Nam. Cần dự báo sớm những mặt hàng, nguyên vật liệu nào có khả năng thiếu hụt tạm thời hoặc dài hạn để có chính sách ứng phó phù hợp.

Các bộ, ngành, địa phương cần theo dõi sát diễn biến giá cả những mặt hàng thiết yếu trong phạm vi quản lý; chủ động chuẩn bị các nguồn hàng vào dịp lễ, Tết, cuối năm nhằm hạn chế tăng giá, nhất là dịp Tết Nguyên đán sắp tới. "Đặc biệt, cần bảo đảm cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ thông suốt, nhất là đối với xăng dầu và các mặt hàng chiến lược có khả năng bị ảnh hưởng từ sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu" - chuyên gia Ngô Trí Long góp ý.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TP HCM, thông tin năm 2023, kinh tế toàn cầu đối diện với rất nhiều khó khăn, hầu hết các ngành công nghiệp đều sụt giảm nhưng ngành lương thực - thực phẩm vẫn tăng trưởng tốt. Hầu hết thành viên hiệp hội đều nỗ lực kìm giữ giá, tham gia bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu theo chủ trương của nhà nước, UBND TP HCM.

Cũng theo bà Lý Kim Chi, năm 2024, các doanh nghiệp (DN) đã sớm dự báo tình hình khó khăn sẽ kéo dài bởi xu hướng chi tiêu tiết kiệm, do đó đã chủ động sản xuất, điều phối nguồn nguyên liệu, giá bán. Nhiều DN đã đầu tư số hóa khâu sản xuất, cải tiến logistics để giảm chi phí. "Từ nay đến Tết Nguyên đán, các DN sẽ đẩy mạnh kích cầu, tham gia tất cả chương trình khuyến mãi của TP HCM phát động với hy vọng cầu thị trường tăng tốt. Năm 2024, nếu Chính phủ giữ được đà tăng trưởng ổn định, kiểm soát lạm phát và đẩy mạnh đầu tư công sẽ tạo tiền đề cho các ngành nghề phát triển ổn định" - bà Chi nói.

Năm nay, Chính phủ vẫn tập trung ưu tiên phát triển vào 3 lĩnh vực chính là sản xuất, xuất khẩu và dịch vụ tiêu dùng trong nước; lấy nông nghiệp và kinh tế nông nghiệp làm trụ đỡ, thúc đẩy, tăng cường chế biến sâu, bền vững. Riêng tại TP HCM, Nghị quyết 98 nếu đi vào thực thi sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các DN thành phố. Tất cả các yếu tố trên sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy, đưa ngành lương thực - thực phẩm Việt Nam tăng tốc.

Điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt

Về giải pháp điều hành năm 2024, ThS Lê Thanh Nga, Vụ Tài chính - Tiền tệ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cho rằng đối với các nguyên liệu đầu vào quan trọng như sắt thép, vật liệu xây dựng, cần thúc đẩy năng lực sản xuất trong nước, ưu tiên cung ứng cho thị trường trong nước hơn xuất khẩu. Song song đó, điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát. Đặc biệt, bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời vốn tín dụng cho nền kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát.

Ông NGUYỄN NGỌC HÒA, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM:

Chính sách đã có, chỉ cần kết nối với nhau

Trong năm 2023, cộng đồng DN đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, khó khăn lớn nhất là sự sụt giảm của nhiều thị trường tiêu thụ song song với tiêu thụ nội địa cũng giảm sút. Trong bối cảnh đó, DN phải nỗ lực xoay xở để duy trì sản xuất - kinh doanh, giữ chân người lao động. Nhà nước đã có nhiều giải pháp để tác động, hỗ trợ DN nhưng còn mang tính rời rạc. Chẳng hạn, tuy nhà nước có chính sách hỗ trợ lãi suất cho DN khó khăn nhưng DN không đẩy được hàng hóa ra thị trường, không có nhu cầu mở rộng sản xuất - kinh doanh nên dù lãi suất thấp thì họ cũng không vay.

Trong năm 2024, nhà nước không nhất thiết phải xây dựng thêm chính sách mà cần làm sao cho các chính sách có sự kết nối với nhau. Trong bối cảnh cầu của xã hội còn thấp, kích cầu đầu tư công có ý nghĩa quan trọng, tạo ra nguồn để bù đắp cầu đang bị sụt giảm ở các nguồn khác.

Năm 2024 với sự tham gia tích cực và chủ động, khẩn trương của các cơ quan quản lý, kỳ vọng rằng chúng ta có thể tập trung giải phóng các nguồn lực. Đơn cử, sau khi giải phóng nguồn lực về vốn thành công, cần phải giải phóng nguồn lực đất đai để có thể hấp thụ vốn.

Một trợ lực rất tốt cho DN TP HCM là thành phố kích hoạt trở lại chương trình kích cầu đầu tư. Cần hướng chương trình này hỗ trợ DN trong lộ trình chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, chuyển đổi công nghệ để có những sản phẩm mới, tìm ra thị trường mới. Trong lúc nhiều hoạt động kinh tế đang co cụm thì sẽ khó đầu tư song vẫn có thuận lợi là phí đầu tư sẽ giảm. Nếu có sự hỗ trợ thông qua chương trình kích cầu, DN sẽ mạnh dạn đầu tư và đón đầu chu kỳ phát triển trở lại trong 1 - 1,5 năm nữa.

Tác giả: MINH CHIẾN - THANH NHÂN

Nguồn tin: Báo Người Lao động

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP