Pháp luật

Thiếu quy trình khiến 8 bệnh nhân chạy thận tử vong, lỗi thuộc về ai?

Nếu BVĐK Hòa Bình có quy định về việc sau khi sửa chữa thiết bị phải xét nghiệm nước rồi mới đưa vào vận hành, liệu 8 bệnh nhân chạy thận có phải chết oan uổng không? Vậy thiếu quy trình, không phải lỗi của 3 bị cáo, thì là lỗi của ai?

Cũng như trong hai ngày trước, trong phiên tòa hôm nay (17/5), cả 3 bị cáo: Hoàng Công Lương, Bùi Mạnh Quốc, Trần Văn Sơn, đều không nhận trách nhiệm về mình khi để xảy ra sự cố y khoa tại BVĐK Hòa Bình khiến 8 bệnh nhân chạy thận tử vong. Mấu chốt của nguyên nhân gây ra sự cố y khoa đặc biệt nghiêm trọng này là hệ thống nước không an toàn nhưng vẫn được đưa vào sử dụng. Cả ba bị cáo liên quan đến vụ việc này đều mặc nhiên cho rằng đó không phải là trách nhiệm của mình.

Tại phiên tòa sáng nay, trả lời câu hỏi của luật sư về việc xét nghiệm nước sau khi sửa chữa hệ thống lọc nước, bị cáo Bùi Mạnh Quốc, nguyên giám đốc công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh xác nhận được ông Đỗ Anh Tuấn, giám đốc công ty Thiên Sơn nói rằng kết quả xét nghiệm phải mất 15 ngày, nhưng vì bệnh nhân rất nhiều và cũng ảnh hưởng đến hoạt động doanh nghiệp nên cứ đưa vào hoạt động rồi mới mang mẫu nước đi xét nghiệm.

Bị cáo Trần Văn Sơn, nguyên cán bộ phòng vật tư BV đa khoa tỉnh Hòa Bình- cũng khai khi được phân công về đơn nguyên thận nhân tạo, chưa một lần nào sửa chữa mà thấy có xét nghiệm AAMI (xét nghiệm nguồn nước có đảm bảo hay không), bị cáo cũng không được cung cấp bất cứ hướng dẫn nào về quy định này.

Sơn nói thêm rằng từ trước đến nay, Công ty sửa chữa cũng không có cảnh báo nào về việc nếu chưa sửa chữa xong thì không được vào làm việc. Tất cả các quy trình này bị cáo đều không có.

Trả lời LS bào chữa cho mình, bị cáo Hoàng Công Lương khẳng định: Bị cáo không nhận được bất cứ cảnh báo nào từ lãnh đạo khoa, lãnh đạo BV về việc chưa xét nghiệm AAMI thì chưa thể cho hoạt động hệ thống máy móc chạy thận.

“Bị cáo sẽ chịu trách nhiệm nếu nguyên nhân tử vong thuộc lĩnh vực khám chữa bệnh của bị cáo, còn nếu ngoài chuyên môn thì bị cáo không chịu trách nhiệm” – bị cáo Lương nói.

Đại diện Công ty CP dược phẩm Thiên Sơn có mặt trong phiên tòa sáng nay khẳng định để xảy ra sự cố chạy thận khiến 8 người chết nguyên nhân chính là do sự thiếu trách nhiệm của lãnh đạo BV đa khoa tỉnh Hòa Bình, khi cho chạy hệ thống lọc thận mà chưa có kết quả xét nghiệm nguồn nước. Việc này không chỉ khiến gia đình các nạn nhân mà ngay chính doanh nghiệp cũng bức xúc.

Liên quan đến vấn đề xét nghiệm nguồn nước AAMI, sáng nay, luật sư Nguyễn Chiến (bào chữa cho bác sỹ Hoàng Công Lương) đề nghị HĐXX cho phép bác sỹ Bùi Nghĩa Thịnh - công tác tại Bệnh viện quận Thủ Đức (TP.HCM) - được nói rõ về nguyên lý hoạt động của hệ thống lọc nước RO trong chạy thận. Theo lời giới thiệu của luật sư Nguyễn Chiến, ông Bùi Nghĩa Thịnh là một chuyên gia trong lĩnh vực chạy thận, đã có thời gian tu nghiệp ở nước ngoài và đã có nghiên cứu về máy lọc RO, đặc biệt là vấn đề về "Xét nghiệm kiểm tra sinh hóa theo tiêu chuẩn AAMI".

Luật sư Chiến muốn bác sỹ Thịnh tham dự phiên tòa để làm rõ hơn các vấn đề liên quan đến hệ thống, quy trình lắp đặt máy lọc nước đảm bảo theo tiêu chuẩn, đồng thời làm rõ nội dung liên quan đến việc "Xét nghiệm kiểm tra sinh hóa theo tiêu chuẩn AAMI". Tuy nhiên, đề nghị của luật sư Chiến đã bị HĐXX từ chối. Theo quan điểm của HĐXX, việc ông Thịnh trả lời là không cần thiết.

Một tình tiết khá đau lòng đã được 'tiết lộ' trong buổi sáng hôm nay, khi bị cáo Bùi Mạnh Quốc, nguyên giám đốc công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh cho biết bị cáo đề xuất thay cả 4 màng lọc thẩm thấu ngược RO. Tuy nhiê, trong thực tế, lại chỉ được chấp nhận thay 2 màng lọc. Nếu thay cả bốn màng lọc thì không cần dùng tới hóa chất để bảo dưỡng lại hai màng lọc kia. Và nếu không phảu dùng hóa chất sẽ không xảy ra sự cố đau lòng khiến 8 người thiệt mạng.

"Nếu thay thêm 2 màng lọc nữa, sẽ tăng thêm khoảng 10-12 triệu. - bị cáo cho biết. "Tức là chỉ cần bỏ ra thêm 12 triệu là có thể cứu sống 8 mạng người. Tức là rất rẻ, chỉ 1,5 triệu/người! "– LS Thiệp nói trước phiên tòa.

Tác giả: Nhật Thanh

Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP