Kinh tế

Tài xế Uber, Grab tuyên bố bỏ sang ứng dụng Việt Nam nếu không đàm phám được

Hiện nay, theo cánh tài xế thì đang có tới 90% số tài xế đang chạy xe taxi công nghệ chả cả 2 ứng dụng cùng lúc. Phía Uber đã từ chối nói chuyện, nên nếu không đàm phán được với Grab thì rất nhiều người sẽ đồng loạt bỏ và chuyển về chạy các ứng dụng gọi xe của Việt Nam.

Hiện đang là 1 tài xế chạy cả Grab car và Uber car, anh Lê Tiến, ở Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết: “Phía tài xế cũng đang chờ đến ngày mai (17/1) để Grab có cuộc nói chuyện đối thoại và xem ý kiến đại diện bên Grab như thế nào.”

“Nếu Grab không thay đổi hay, ngay cả Uber cũng thế, thì đây sẽ là cơ hội cho các ứng dụng gọi xe trong nước. Đây vốn dĩ là miếng bánh mà các doanh nghiệp trong nước rất muốn chiếm lĩnh nhưng chưa có cơ hội”, anh Tiến nói.

Kể tên vài ứng dụng Việt đã chạy thử như Tnet, Xelo hay Vivu, anh Tiến nhận định: “Tôi đã thử tất cả, về cơ bản không có gì khác so với Uber, Grab. Nhưng cước phí đang là 10.000 đồng/km cho xe 4 chỗ cao hơn của Uber, Grab. Tuy nhiên, có ưu điểm hơn một chút là không hạn chế điểm đến, khách đi bao nhiêu tính bấy nhiêu.”

“Vì thế, việc Grab, Uber không chịu thoả thuận với các tài xế thì chúng tôi sẽ có phương án thay thế ngay lập tức. Chỉ cần đàm phán với các công ty gọi xe trong nước để đi đến thống nhất thì sẽ có thể tiếp tục chạy”, anh Tiến cho biết thêm.

Điều then chốt theo anh Tiến đó là: “Ứng dụng nào cũng vậy, dù khách có tin tưởng mà vào nhiều lần không có xe đi thì họ cũng tự chuyển sang ứng dụng khác.”

Cũng theo anh Tiến: “Hiện nay, chỉ có một số ít anh em tài xế lên đàm phán với phía Grab. Nhưng khi thực sự đồng lòng, thì hàng nghìn tài xế khác sẽ đồng lòng ủng hộ chứ không chỉ hơn 100 xe như hôm trước.”

“Phía Grab còn chấp nhận đàm phán, nhưng cách làm của Uber hôm qua khiến cánh tài xế thực sự tức giận. Họ đóng cửa, không tiếp và còn tuyên bố “Ai thích làm thì làm, không làm thì nghỉ” với chúng tôi”, anh Tiến chia sẻ thêm.

Trong trường hợp phía Grab và các tài xế đi đến thống nhất thì nhiều lái xe tuyên bố “Uber sẽ không tồn tại ở Việt Nam”.

Lý do theo anh Tiến là bởi: “Có 90% anh em chạy xe hiện nay đều dùng cả 2 ứng dụng gọi xe là Uber và Grab. Ước tính đang có khoảng 10.000 đầu xe chạy Uber và Grab hiện nay ở Hà Nội. Nếu đàm phán xong với Grab, chúng tôi sẵn sàng nghỉ Uber ngay lập tức.”

“Uber làm như vậy có thể họ đang quá tự tin vào ứng dụng của mình hoặc họ đang muốn rút khỏi thị trường Việt Nam”, anh Tiến nói.

Chạy Grab, Uber car tiền thu về chỉ ngang Grab bike, Uber Moto

Làm một bài toán nhỏ, anh L.M.H. – một tài xế Uber Car đã cho thấy rõ việc làm 10 tiếng 1 ngày mà thu nhập khéo còn thua Uber Moto hay Grab Bike vì chưa tính đến khấu hao xe.

Cụ thể, anh H. tính: “Chúng tôi chạy 1 ngày được dao động từ 1 – 1,3 triệu đồng. Nếu tính trung bình mỗi ngày được 1 triệu đồng thì trong đó: mất 295.000 đồng tiền phí cho Uber; xăng 300.000 đồng; ăn uống 100.000 đồng.”

Phía trước trụ sở Grab đã không còn đông như hôm qua

“Tôi trừ hết đi thì chỉ còn 305.000 đồng cho 10 tiếng làm việc. Nhưng trong đó, tôi chưa hề tính đến chi phí hao mòn xe, chi phí bảo dưỡng. Phía Uber hưởng 295.000 đồng, tài xế hưởng 305.000 đồng trong khi chúng tôi phải bỏ ra quá nhiều chi phí là điều không công bằng”, anh H. bức xúc.

Thêm vào đó, trước đây, các chính sách thưởng đều được khoảng 900.000 – 1.00.000 đồng/tuần nếu chạy đủ số chuyến. Nhưng nay cắt giảm còn 500.000 – 700.000 đồng/tuần.

Đó là những lý do mà rất nhiều tài xế buộc phải lên tiếng vì quyền lợi cá nhân của mình.

Tác giả: Thế Hưng

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP