Thể thao

Quang Hải xuất ngoại và bài học từ Công Phượng, Văn Hậu

Những bài học trước đó của Công Phượng, Văn Hậu là điều Quang Hải cần nhớ kỹ trước khi sang nước ngoài thi đấu.

Tiến trình đàm phán hợp đồng giữa Quang Hải và Hà Nội FC vẫn đóng băng, dù thỏa thuận giữa đôi bên chỉ còn kéo dài 25 ngày. Nhiều khả năng, tiền vệ sinh năm 1997 sẽ lựa chọn ra nước ngoài thi đấu. Ở tuổi 24, Quang Hải đang ở ngưỡng đẹp nhất và chín nhất để tìm bước đột phá trong sự nghiệp.

Tuy nhiên, bài học của những Công Phượng, Văn Hậu là điều Hải "con" cần nhớ kỹ, bởi hầu hết các chuyến xuất ngoại của cầu thủ Việt Nam trong quá khứ đều không để lại dấu ấn chuyên môn.

Quang Hải (áo trắng) sắp có bước ngoặt trong sự nghiệp. (Ảnh: Ngọc Anh)

Lợi thế của Quang Hải

Từ năm 2016 đến nay, bóng đá Việt Nam đã có 5 cầu thủ xuất ngoại. Đó là trường hợp của Tuấn Anh (sang Yokohama FC), Xuân Trường (sang Incheon United, Gangwon FC, Buriram United), Công Phượng (sang Mito Hollyhock, Incheon United, Sint-Truidense), Văn Lâm (sang Muangthong United, Cerezo Osaka) và Văn Hậu (sang SC Heerenveen).

Ngoại trừ trường hợp của Văn Lâm với 1 năm bắt chính ở Muangthong, phần còn lại đều thất bại khi không tìm được chỗ đứng ở CLB chủ quản.

Mặt được của những chuyến đi là tích lũy trải nghiệm tập luyện ở môi trường quốc tế, nhưng điều quan trọng trong bóng đá là phải được thi đấu, thì đây lại là điều hầu hết cầu thủ Việt Nam khi xuất ngoại không làm được.

Văn Hậu chỉ có vỏn vẹn 4 phút trong màu áo đội 1 Heerenveen, Công Phượng có 20 phút cho Sint-Truidense. Văn Lâm dù chơi ổn ở Thái Lan, nhưng lại chưa có lần bắt chính nào tại Nhật Bản.

Văn Hậu chỉ có 4 phút ra sân cho đội 1 Heerenveen.

Khoảng cách trình độ giữa bóng đá Việt Nam với Nhật Bản, Hàn Quốc hay các nước châu Âu còn quá lớn, khiến các cầu thủ dù đã tiến bộ về đẳng cấp, nhưng vẫn "đuối" khi ra biển lớn. Tuy nhiên, người hâm mộ có thể kỳ vọng nhiều hơn ở Quang Hải.

Thứ nhất, Quang Hải chuẩn bị xuất ngoại khi đang ở độ chín. Nhìn lại thời điểm xuất ngoại lần đầu của Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường và Văn Hậu, dễ thấy tất cả đều đi khi ở tuổi 19, 20. Đây là độ tuổi bản thân các cầu thủ chưa hoàn thiện về chuyên môn và tích lũy kinh nghiệm đủ nhiều để đương đầu với khó khăn ở "xứ người".

Trong khi đó, Quang Hải đã 24 tuổi. Tiền vệ sinh năm 1997 là cái tên hiếm hoi trong đội hình về nhì ở giải U23 châu Á 2018 giữ được phong độ cùng đà thăng tiến ngoạn mục.

Nếu Công Phượng, Xuân Trường xuất ngoại khi mới có 1, 2 năm đá ở V-League và chưa tạo được dấu ấn nào, Văn Hậu cũng mới nổi được 2 năm đã vội vã tới châu Âu, Quang Hải đã có 6 năm mài giũa ở đội 1 của Hà Nội FC, chơi 126 trận, ghi 35 bàn thắng. Hải "con" giành nhiều danh hiệu cá nhân như Quả bóng Vàng, Cầu thủ xuất sắc nhất V-League, cùng Hà Nội FC vô địch mọi giải đấu quốc nội.

Ở phương diện cấp ĐTQG, Quang Hải là trụ cột ở mọi chiến dịch, từ U23 châu Á, ASIAD, AFF Cup, Asian Cup đến vòng loại World Cup. Trong mọi giải đấu, Quang Hải đều chơi từ tốt đến tròn vai.

Những va chạm liên tục ở sân chơi quốc tế tạo ra cho cầu thủ gốc Đông Anh sự lì lợm, chín chắn, còn kho kinh nghiệm tích lũy trong màu áo CLB là nền tảng để Hải "con" tự tin khi bước ra nước ngoài. Bóng đá Việt Nam từng có nhiều cầu thủ xuất ngoại, nhưng chưa ai rời đi với vị thế cùng thành tích như Quang Hải có được lúc này.

Bài học

Tuy nhiên, con đường xuất ngoại vẫn luôn gập ghềnh với cầu thủ Việt Nam, bởi khoảng cách không chỉ về chuyên môn, mà còn là vốn ngoại ngữ, khả năng thích nghi về văn hóa, lối sống, ẩm thực, giao tiêp với đồng đội. Bóng đá là môn thể thao tập thể, mà những diễn biến trên sân chỉ là bề nổi của một tảng băng chìm phức tạp.

Vấn đề của Quang Hải khi sang nước ngoài, dù tới Nhật Bản, Hàn Quốc hay châu Âu, đều cần hòa nhập tốt với văn hóa bóng đá ở nước sở tại. Điều này không chỉ phụ thuộc vào cá nhân cầu thủ, mà còn cần hỗ trợ từ ê-kíp đi cùng.

Một vấn đề khác là lựa chọn CLB, môi trường phù hợp để thi đấu. Cũng giống những cầu thủ khác, Hải "con" rất dễ bị thui chột nếu không được ra sân thường xuyên. Chọn đội bóng nào vừa tầm để cạnh tranh và thi đấu, thay vì với đến bến đỗ quá cao,... là điều quan trọng nhất.

Văn Lâm đã đúng khi lựa chọn một CLB vừa phải ở Thái Lan làm bàn đạp để sang Nhật Bản thi đấu.

Văn Hậu, Công Phượng không cạnh tranh được ở châu Âu bởi chọn những đội bóng ở đẳng cấp cao, cũng như sức cạnh tranh quá lớn với mặt bằng trình độ cầu thủ Việt Nam.

Chơi ở đội mạnh không bằng việc tiến từng bước ở những đội vừa phải, sau đó tích lũy dần dần để leo lên những bậc thang cao hơn như Văn Lâm đã làm ở Thai League. Đó là hướng đi dường như phù hợp hơn cả.

Chia sẻ với VTC News, chuyên gia Steve Darby cho rằng Quang Hải đủ khả năng thành công, nhưng cần cải thiện thêm rất nhiều mặt mới có thể trụ được ở những nền bóng đá phát triển.

"Có hai vấn đề Quang Hải cần cân nhắc, đó là tài chính và thời gian thi đấu. Tôi nghĩ Quang Hải nên đến một quốc gia châu Á trước để dễ thích nghi, hòa nhập về văn hóa.

Quang Hải cần cải thiện nhiều hơn ở khả năng phòng ngự, chạy nhiều hơn, ăn uống khoa học hơn, cố gắng chịu được khối lượng tập luyện lớn hơn. Cậu ấy cần cố gắng, nhưng miễn là được tập luyện ở nước ngoài, Quang Hải cũng sẽ cho thấy phiên bản mạnh mẽ và giàu sức chiến đấu hơn", ông Darby đánh giá.

Tác giả: HỒNG NAM

Nguồn tin: Báo VTC

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP