Tin địa phương

Quảng Bình: Nhức nhối nạn bò thả rông trên đường giao thông

Bò thả rông không người chăn dắt, nghênh ngang trên các tuyến đường giao thông trọng điểm tại tỉnh Quảng Bình đang tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông, mất mỹ quan đô thị.

Nhức nhối nạn bò thả rông trên đường giao thông.

Dọc các tuyến đường giao thông tại tỉnh Quảng Bình, từ Quốc lộ 1A, Quốc lộ 12A đến đường mòn Hồ Chí Minh… và nhiều tuyến đường khác, không khó để bắt gặp cảnh từng đàn bò lững thững đi lại, “tập kết” giữa lòng, lề đường, ít thì vài con, nhiều thì vài chục con gây “nhức mắt” cho cả người dân và người tham gia giao thông.

Đàn bò nghênh ngang đi trên đường.

Tại tuyến Quốc lộ 1A, đoạn qua huyện Quảng Trạch và thị xã Ba Đồn đang là những điểm nổi cộm về “vấn nạn” này. Người dân và các tài xế mỗi khi lưu thông qua tuyến đường này luôn trong tâm trạng lo lắng, bất an trước tình trạng bò thả rông. Dù là sáng sớm, chiều muộn hay đêm khuya, những đàn bò “hoang” vẫn “tung hoành” phá hoại lúa, hoa màu, nhà cửa của người dân, gây mất vệ sinh môi trường, ảnh hưởng mỹ quan đô thị, đe dọa đến sự an toàn của người và phương tiện khi tham gia giao thông.

Anh Nguyễn Duy (trú xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch) bức xúc cho biết: Tình trạng bò thả rông đã diễn ra thời gian dài. Hàng ngày, bò kéo từng đàn nghênh ngang dọc tuyến Quốc lộ 1A trên địa bàn xã rồi tràn vào ruộng vườn, nhà cửa của dân để phá hoại, vô tư “phóng uế” gây mất vệ sinh.

Thả rông bò trên đường tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn cho người tham gia giao thông.

Thực tế cho thấy, đã có không ít vụ tai nạn giao thông xảy ra khi người điều khiển phương tiện không kịp thời xử lý tình huống, để xảy ra va chạm với bò thả rông trên đường, gây thiệt hại cho cả người và phương tiện cũng như “tài sản” của các hộ chăn nuôi.

Anh Võ Văn T (trú xã Quảng Hưng, huyện Quảng Trạch) vẫn còn hoảng hốt khi nhắc lại vụ tai nạn giao thông do va chạm với bò thả rông vào ngày 5/9. Anh Võ Văn T cho biết, vào lúc chập tối, khi đang lưu thông trên tuyến Quốc lộ 1A đoạn qua xã Quảng Xuân, dù đã chú ý giảm tốc độ khi thấy đàn bò “lững thững” trên đường. Nhưng lúc ấy, có chiếc xe chạy ngược chiều nhấn còi làm một con bò hoảng sợ, lao qua làn đường, dù anh đã phanh gấp nhưng vẫn đâm phải, rất may người không sao nhưng xe thì bị hư hỏng khá nhiều.

Đàn bò hoảng hốt lao trên tuyến Quốc lộ 1A đoạn qua xã Quảng Đông.

“Các vụ tai nạn do gia súc, chủ yếu là trâu, bò chạy qua đường thường xảy ra bất ngờ. Nhiều lái xe xử lý nhanh, kịp thời tránh được nhưng có những trường hợp không thể tránh vì nếu tránh sẽ gây tai nạn cho người khác”, anh Võ Văn T nói.

Liên quan đến “ vấn nạn” này, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Tùng Trịnh Anh Tuấn cho biết, để phát triển kinh tế gia đình, những năm gần đây nhiều hộ chăn nuôi bò trên địa bàn xã đã tăng đàn, nâng quy mô chăn nuôi. Tuy nhiên, ý thức của người dân trong việc chăn thả gia súc còn nhiều bất cập, tình trạng bò thả rông đã trở thành một “vấn nạn” khiến địa phương đang rất “đau đầu”.

Đàn bò dạo chơi ở ngã tư thị xã Ba Đồn.

“Thời gian qua, chúng tôi thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân trên địa bàn chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật về chăn nuôi, không thả rông bò trên các tuyến đường giao thông, thậm chí là xử phạt những trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, do ý thức của một vài hộ dân chưa cao, tình trạng bò thả rông vẫn còn tái diễn”, ông Trịnh Anh Tuấn nói.

Qua trao đổi, Thượng úy Nguyễn Thái Sơn - Đội phó Đội CSGT Công an huyện Quảng Trạch thông tin, từ đầu năm đến nay, đã có nhiều vụ tai nạn do tình trạng bò thả rông trên đường. Đơn cử, cách đây khoảng 2 tuần, trên địa bàn xã Quảng Đông đã xảy ra vụ tai nạn nghiêm trọng do tông phải bò trên đường, vụ việc làm 1 người tử vong.

Bò tụ tập thành đàn tại tuyến Quốc lộ 1A đoạn qua xã Quảng Hưng.

Theo Thượng úy Nguyễn Thái Sơn, nguyên nhân dẫn đến tình trạng thả rông trâu bò trên đường giao thông khó xử lý triệt để là do ý thức, trách nhiệm của người dân trong chăn nuôi gia súc còn rất hạn chế, cùng với đó là chế tài xử phạt chưa thực sự đủ sức răn đe.

“Để hạn chế và giải quyết tình trạng thả rông bò trên đường, các ngành chức năng và chính quyền địa phương cần tích cực nhắc nhở, tuyên truyền tới hộ chăn nuôi gia súc về ý thức chấp hành các quy định của pháp luật. Đồng thời, cần có biện pháp “mạnh” để xử lý những trường hợp vi phạm”, Thượng úy Nguyễn Thái Sơn nói.

Tác giả: Bùi Biền

Nguồn tin: kinhtedothi.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP