Tin địa phương

Quảng Bình nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ

Thời gian qua, Tỉnh ủy Quảng Bình có nhiều đổi mới trong công tác đào tạo, bồi dưỡng và đánh giá cán bộ; đồng thời đã ban hành Quy định số 01-QĐ/TU về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm cán bộ trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Từ đó đội ngũ cán bộ từng bước đổi mới tác phong công tác, nâng cao hiệu quả công việc, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của tỉnh.

Tăng cường luân chuyển để thử thách, rèn luyện cán bộ

Huyện Lệ Thủy là địa phương đầu tiên của tỉnh Quảng Bình có hầu hết cán bộ chủ chốt đã được đưa đi luân chuyển, đào tạo và rèn luyện ở cơ sở. Trước kia, mặc dù là huyện có diện tích đất sản xuất nông nghiệp lớn nhất tỉnh, người dân sống chủ yếu bằng nghề nông nhưng lĩnh vực nông nghiệp không có sự bứt phá. Trong các nguyên nhân, có nguyên nhân chủ quan từ phía đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp. Vì vậy, Ban Thường vụ Huyện ủy đã đẩy mạnh công tác luân chuyển để đào tạo, rèn luyện cán bộ ngay từ cơ sở. Phần lớn các đồng chí sau khi được luân chuyển, rèn luyện đều trưởng thành, đến nay đang đảm đương các chức vụ chủ chốt của địa phương và đã có những đổi mới tích cực trong cách thức lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội. Đó là: khuyến khích phát triển các lĩnh vực thế mạnh như trồng rừng, du lịch, dịch vụ, khơi dậy tiềm năng vùng cát... Nhờ vậy, 5 năm gần đây, tại huyện xuất hiện ngày càng nhiều mô hình sản xuất mới nhằm phá thế độc canh cây lúa. Bí thư Huyện ủy Lê Văn Bảo cho biết, vùng cát trắng ở địa phương vốn hoang hóa lâu nay bây giờ khá sôi động với các dự án năng lượng mặt trời của Tập đoàn Dohwa (Hàn Quốc), các dự án điện gió. Ngoài ra, địa phương hỗ trợ và khuyến khích đầu tư các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nuôi thủy sản nước ngọt.

Đang là Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, đồng chí Đoàn Ngọc Lâm được điều động, luân chuyển sang làm Bí thư Huyện ủy Minh Hóa - nơi trước đó có một số cán bộ chủ chốt do những sai phạm, khuyết điểm trong công tác đã bị kỷ luật. Đồng chí chia sẻ: Khi được luân chuyển về địa phương, điều quan trọng mà tôi làm ngay là sớm ổn định bộ máy cán bộ chủ chốt của UBND huyện để lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Một số chức danh chủ chốt của huyện được thay thế theo hướng trẻ hóa, tăng trách nhiệm cho mỗi cá nhân. Các quy chế hoạt động của UBND huyện và các phòng, ban chuyên môn được rà soát, bổ sung chặt chẽ hơn theo hướng tập thể bàn bạc thống nhất, cá nhân quyết định; đồng thời phân định rõ trách nhiệm của người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu. Hay tại xã Hóa Hợp, đội ngũ cán bộ sau khi kiện toàn đã có nhiều cố gắng trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Trách nhiệm của người đứng đầu được phát huy cùng với trí tuệ của tập thể Đảng ủy và UBND xã đã đưa xã miền núi Hóa Hợp hoàn thành việc xây dựng nông thôn mới trong năm 2018.

Thực tế nêu trên đã chứng minh, việc luân chuyển, điều động cán bộ về cơ sở là rất quan trọng, tạo điều kiện cho họ được thử thách, rèn luyện và từng bước trưởng thành. Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Trần Xuân Vinh cho biết, đánh giá cao ý nghĩa của khâu này cho nên Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành quy định và kế hoạch luân chuyển cán bộ; đồng thời tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác luân chuyển cán bộ. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Tỉnh ủy đã luân chuyển, điều động tăng cường bốn đồng chí giữ chức bí thư huyện ủy, thành ủy; một đồng chí giữ chức phó bí thư đảng ủy khối doanh nghiệp; bốn đồng chí giữ chức chủ tịch, phó chủ tịch UBND huyện. Các huyện ủy, thị ủy, thành ủy cũng đã thực hiện luân chuyển và điều động 35 đồng chí giữ các chức vụ chủ chốt cấp xã. Tỉnh còn chủ trương chuyển đổi, điều động, bố trí công tác khác đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý nói chung, cấp trưởng của các cấp giữ một chức vụ hai nhiệm kỳ (trừ các vị trí và chức danh chuyên môn đặc thù). Nhìn chung, công tác luân chuyển cán bộ tại địa phương bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, giải quyết tốt mối quan hệ giữa luân chuyển cán bộ với ổn định và xây dựng đội ngũ cán bộ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác, tăng cường bồi dưỡng, rèn luyện, chuẩn bị đội ngũ cán bộ kế cận.

Kết quả công việc là thước đo để đánh giá cán bộ

Đầu năm 2018, tại huyện Tuyên Hóa xảy ra vụ phá rừng phòng hộ với khối lượng gỗ bị chặt hạ trái phép hơn 97 m3. Tuy nhiên, chủ rừng và các đơn vị chức năng chậm phát hiện, xử lý. Sau khi nhận được thông tin, lãnh đạo Tỉnh ủy chỉ đạo các cơ quan bảo vệ pháp luật điều tra làm rõ. Kết quả, tám cán bộ của Ban quản lý rừng phòng hộ Tuyên Hóa bị kỷ luật, trong đó một Phó Giám đốc Ban quản lý bị cách chức; năm cán bộ, nhân viên kiểm lâm bị kỷ luật, một trạm trưởng bị cách chức. Theo quy định về xử lý trách nhiệm người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa Cao Xuân Tín bị kỷ luật khiển trách. Bí thư Huyện ủy Tuyên Hóa Hoàng Minh Đề chia sẻ: Các đồng chí được giao nhiệm vụ phải bám địa bàn để bảo vệ rừng tận gốc. Để xảy ra vụ việc, dù không trực tiếp quản lý nhưng trách nhiệm thuộc về lĩnh vực được phân công, cho nên đồng chí lãnh đạo huyện bị kỷ luật là bài học kinh nghiệm sâu sắc đối với tập thể ban lãnh đạo huyện. Đồng chí ấy cũng hết sức tâm phục quyết định kỷ luật vì đã ký cam kết bảo đảm trách nhiệm công việc.

Từ trường hợp nêu trên cho thấy tinh thần trách nhiệm là yêu cầu ngày càng cao đối với mỗi cán bộ ở địa phương. Và kết quả công việc sẽ là thước đo năng lực, trách nhiệm của cán bộ và là cơ sở để nhận xét, đánh giá cán bộ. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có Quy định số 01-QĐ/TU, ngày 3-3-2016 về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Hằng năm, cấp ủy các cấp, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị tiến hành đánh giá, nhận xét việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao và bỏ phiếu kín để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ đối với người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu. Kết quả là cơ sở để cấp ủy cấp trên đánh giá cán bộ và quyết định việc miễn nhiệm, điều chuyển hoặc phân công công tác khác đối với người không hoàn thành nhiệm vụ hoặc có sai phạm. Thực hiện quy định này, đến nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xử lý chín trường hợp cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ quản lý; cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 429 trường hợp cán bộ, đảng viên, trong đó có 98 trường hợp là người đứng đầu.

Theo đồng chí Trần Xuân Vinh, Quy định số 01-QĐ/TU là hình thức cụ thể hóa chương trình đổi mới công tác cán bộ của tỉnh giai đoạn 2016 - 2021. Điều này xuất phát từ việc nhận thấy đánh giá, nhận xét cán bộ đang là khâu yếu và tình hình đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp của tỉnh còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ mới. Qua gần ba năm thực hiện quy định này, đã ghi nhận sự chuyển biến, chất lượng hoạt động của cán bộ được nâng lên, góp phần thắt chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao trách nhiệm và năng lực thực thi nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, nhất là người đứng đầu. Qua đó tạo được sự đồng thuận trong hệ thống chính trị, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Mới đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã sửa đổi, bổ sung một số nội dung của quy định nhằm khắc phục những vướng mắc khi thực thi. Với điều chỉnh này, việc xác định trách nhiệm người đứng đầu và cấp phó người đứng đầu rõ ràng, cụ thể hơn và có định lượng.

Đồng chí Hoàng Đăng Quang, Bí thư Tỉnh ủy nhận xét: Việc đẩy mạnh công tác luân chuyển, điều động cán bộ, đồng thời thực hiện quy định về trách nhiệm người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu đã tạo chuyển biến rất tích cực, góp phần đổi mới trong công tác cán bộ; đồng thời ràng buộc, nêu cao trách nhiệm chính trị và pháp lý đối với cán bộ trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ. Đây cũng thể hiện sự quyết tâm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị.

Tác giả: HƯƠNG GIANG

Nguồn tin: Báo Nhân dân

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP