Tin địa phương

Phân cấp trách nhiệm quản lý Nhà nước về an toàn lao động trong thi công xây dựng

8h sáng ngày 10/12/2017, tại công trường Dự án Nâng cấp và xây dựng mới chợ Cộn (TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình), một vụ tai nạn xảy ra với tiểu thương do sự cố mất an toàn lao động (ATLĐ) từ phía đơn vị thi công khi phá dỡ công trình cũ, làm 2 người nhập viện.

Đề cao ATLĐ là đảm bảo trực tiếp tính mạng cho công nhân và nhân dân xung quanh.

Tuy không có tổn thất về người, nhưng cho thấy yêu cầu cao về bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, sự giám sát của chủ đầu tư và việc tổ chức thi công của đơn vị nhà thầu chưa hề đảm bảo.

“Sau sự cố mất ATLĐ tại công trường dự án Nâng cấp và xây dựng mới chợ Cộn, chúng tôi sẽ quán triệt công tác ATLĐ trên các công trường phải xong xuôi, mới cho phép triển khai thi công, chứ không nóng vội, chủ quan, đề cao vấn đề an toàn cho công nhân và nhân dân xung quanh khi phá dỡ công trình cũ và thi công lắp đặt mới”, ông Nguyễn Văn Sỹ - Trưởng Ban quản lý (BQL) Dự án Đầu tư xây dựng TP Đồng Hới cho biết.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất ATLĐ; trong đó, nhà thầu thi công buông lỏng giám sát, tiết kiệm chi phí thi công công trình nên việc tổ chức thi công mất an toàn đã dẫn đến tai nạn lao động.

Sau khi sự cố xảy ra, ngày 11/12/2017, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, ông Nguyễn Xuân Quang đã ký Quyết định số 49/2017/QĐ-UBND về việc Quy định phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý Nhà nước về ATLĐ trong thi công xây dựng trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, áp dụng đối với các sở, ban, ngành cấp tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố, cụ thể:

Phân định rõ trách nhiệm, nâng cao tính chủ động và trách nhiệm trong quản lý nhà nước về ATLĐ trong thi công xây dựng công trình của Sở Xây dựng, các Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, BQL Khu kinh tế và UBND cấp huyện.

Tăng cường sự phối hợp giữa Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Xây dựng với các Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, BQL Khu kinh tế tỉnh và UBND cấp huyện để thống nhất quản lý, kịp thời đề xuất với UBND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách quản lý nhà nước về ATLĐ trong thi công xây dựng công trình phù hợp với điều kiện của địa phương.

Hiện trường nơi xảy ra sự cố mất ATLĐ tại chợ Cộn ngày 10/12/2017.

Theo đó, giao Sở Xây dựng Quảng Bình hướng dẫn triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý ATLĐ trong thi công xây dựng công trình trên địa bàn; chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước về ATLĐ trong thi công xây dựng công trình dân dụng, công trình công nghiệp vật liệu xây dựng, công trình công nghiệp nhẹ, công trình hạ tầng kỹ thuật; kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất công tác quản lý ATLĐ trên công trường của chủ đầu tư và các nhà thầu; phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản quy phạm pháp luật an toàn, vệ sinh lao động, tuyên truyền phổ biến pháp luật an toàn, vệ sinh lao động, thanh tra, kiểm tra, điều tra tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật mất ATLĐ.

Các Sở Giao thông Vận tải, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương trực tiếp quản lý vấn đề ATLĐ trong thi công xây dựng công trình chuyên ngành.

BQL Khu Kinh tế quản lý Nhà nước về ATLĐ trong thi công xây dựng các công trình do mình thẩm định thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công; cấp phép xây dựng và các công trình khác trong khu công nghiệp, các khu chức năng trong Khu kinh tế.

UBND cấp huyện quản lý Nhà nước về ATLĐ trong thi công xây dựng các công trình do mình thẩm định thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công; cấp phép xây dựng.

Văn bản quản lý Nhà nước ở địa phương đã được ban hành, nhưng việc văn bản quản lý có đến với chủ đầu tư và nhà thầu hay không là một khoảng cách lớn, cần có giải pháp để văn bản hành chính đi vào cuộc sống thiết thực hơn.

Để chấn chỉnh tình trạng mất ATLĐ trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, đơn vị chức năng và chính quyền cơ sở cần phối hợp, phân công trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, quản lý, thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn các công trình; nghiêm khắc chấn chỉnh, xử lý những sai phạm.

Đối với chủ đầu tư, nhà thầu phải tổ chức lập biện pháp quản lý rủi ro trong suốt quá trình thi công, phải bảo đảm an toàn cho cả người lao động lẫn người dân xung quanh.

Về lâu dài, để chấn chỉnh tình trạng mất ATLĐ trên các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh, các đơn vị thầu cần chú trọng xây dựng văn hóa ATLĐ trong doanh nghiệp.

Tác giả: Nhất Linh

Nguồn tin: Báo Xây dựng

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP