Tin địa phương

Quảng Bình tích cực hỗ trợ người nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững

Hiện nay, Quảng Bình có gần 29 ngàn hộ nghèo, chiếm 12% số hộ trong tỉnh. Bởi vậy việc thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2017-2020 được các cấp, các ngành tích cực quan tâm.

Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2015-2016 triển khai ở Quảng Bình trong điều kiện đối mặt với nhiều thách thức như: điều kiện kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn, lạm phát kinh tế, giá cả tăng cao, thời tiết diễn biến phức tạp, hạn hán, lũ lụt nghiêm trọng thường xuyên xảy ra; sự cố ô nhiễm môi trường biển…. Nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, cùng với sự vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, các tổ chức đoàn thể và sự nỗ lực vươn lên của người nghèo, Chương trình đã đạt được một số kết quả quan trọng.

Các mục tiêu, chỉ tiêu chính của Chương trình đã cơ bản đạt và vượt kế hoạch Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết HĐND tỉnh đề ra. Giai đoạn 2012-2015, bình quân mỗi năm hộ nghèo toàn tỉnh giảm 3,6%, (chỉ tiêu đề ra giảm từ 3,5-4%), năm 2016 tỉ lệ hộ nghèo giảm 2,42%, (chỉ tiêu đề ra giảm từ 2-2,5%).

Đồng bào dân tộc Vân Kiều ở bản Dốc Mây, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình.

Về việc tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, giai đoạn 2017 – 2020, UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành Kế hoạch số 2226/KH-UBND ngày 24/11/2017 để đề ra kế hoạch thực hiện cụ thể.

Theo Kế hoạch số 2226, UBND tỉnh giao các Sở, ban, ngành và địa phương đề ra kế hoạch, nội dung, giải pháp, tổ chức thực hiện chính sách giảm nghèo, phát huy sáng kiến, đề xuất giải pháp thực hiện phù hợp với tình hình thực tế trên địa bàn; bố trí và huy động đa dạng nguồn lực cho các địa phương, cơ sở có tỷ lệ hộ nghèo cao nhằm giảm hộ nghèo, tăng hộ khá, giàu, đồng thời gắn phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” với phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”.

Bên cạnh đó, cán bộ làm công tác giảm nghèo thi đua tận tụy, gương mẫu, trách nhiệm, đồng hành cùng người nghèo, hướng tới xã hội không để ai bị bỏ lại phía sau nhằm huy động các tập thể, cá nhân trong và ngoài tỉnh, doanh nghiệp có những việc làm thiết thực, tham gia đóng góp công sức, trí tuệ, của cải, vật chất, hỗ trợ giúp đỡ địa phương, cơ sở, cộng đồng và các hộ gia đình, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Mặt khác, các huyện, thị xã, thành phố phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể cấp tỉnh trong việc xây dựng nông thôn mới, thực hiện giảm nghèo bền vững phù hợp với từng vùng, địa bàn dân cư; lắng nghe, tập hợp ý kiến; tăng cường tuyên truyền, vận động để tạo sự đồng thuận trong Nhân dân, chung sức xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững. Các thôn, bản, cộng đồng thi đua đoàn kết giúp nhau cùng giảm nghèo và từng bước làm giàu, hỗ trợ người nghèo phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Đặc biệt, các hộ gia đình thi đua, chủ động vượt khó vươn lên thoát nghèo, giúp đỡ cá nhân, hộ gia đình khác phát triển kinh tế, cùng nhau vươn lên thoát nghèo bền vững.

Đời sống người dân vùng sâu, vùng xa ở Quảng Bình nhiều nơi không có nguồn nước sạch, phải lấy nước suối về dùng.

Kế hoạch nhằm phát huy tinh thần đoàn kết, sức mạnh của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội và cộng đồng trong thực hiện chính sách, chương trình giảm nghèo, tổ chức phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân từ 2-2,5%/ năm, góp phần cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người nghèo.

Năm 2017, số hộ nghèo toàn tỉnh Quảng Bình là 28.885 hộ, chiếm 12,0%, trong khi đó mức bình quân chung cả nước là 7,5%. Mục tiêu tỉnh Quảng Bình đặt ra, đến năm 2020, đưa tỉ lệ hộ nghèo của tỉnh bằng hoặc thấp hơn mức bình quân chung của cả nước.

Tuy nhiên, về công tác giảm nghèo và rà soát hộ nghèo ở Quảng Bình vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Việc giao chỉ tiêu giảm nghèo hàng năm chưa căn cứ vào đặc điểm tình hình, khả năng của từng địa phương cơ sở, còn mang tính hành chính, bình quân, gây khó khăn và áp lực cho cơ sở trong việc thực hiện chỉ tiêu giảm nghèo.

Ở một số địa phương, công tác điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo chưa khách quan, kết quả rà soát hộ nghèo còn bất hợp lý. Việc phê duyệt danh sách hộ nghèo một số năm còn chậm làm ảnh hưởng đến việc thụ hưởng các chế độ, chính sách của hộ nghèo.

Bên cạnh đó, việc phân loại hộ nghèo theo nhóm đối tượng chỉ mang ý nghĩa thống kê, chưa chú trọng để xem xét, nghiên cứu các giải pháp phù hợp để hỗ trợ giảm nghèo cho từng nhóm đối tượng. Kinh phí rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm cho xã, thôn chưa được quan tâm bố trí…

Tác giả: Thanh Hà

Nguồn tin: Báo Infonet

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP