Trong nước

Nhìn lại không phải để khoét sâu hận thù

Sáng 15/2, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học Quốc gia: “Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc - 40 năm nhìn lại”. Theo PGS.TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, hội thảo không phải để khoét sâu mốt hận thù mà để nhắc lại một sự thật lịch sử, khẳng định sự nghiệp chính nghĩa của Việt Nam trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc.

Hội thảo

Các đại biểu tham dự Hội thảo khoa học quốc gia “Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc - 40 năm nhìn lại”. Ảnh: Như Ý.

Viết tiếp trang sử hào hùng chống ngoại xâm

Phát biểu khai mạc hội thảo, GS.TS Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhấn mạnh, trong lịch sử dân tộc, cha ông ta luôn giữ gìn vùng biên cương của Tổ quốc, chuẩn bị mọi nhân tài, vật lực để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ.“Cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc từ tháng 2/1979 đến tháng 9/1989 là sự kiện không thể nào quên của mọi người dân Việt Nam”, ông Thuấn khẳng định.

Theo PGS.TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, hội thảo không phải để khoét sâu mối hận thù mà để nhắc lại một sự thật lịch sử. Ảnh: Như Ý.

Theo ông Thuấn, ngày 17/2/1979, Trung Quốc đã nổ súng tấn công trên toàn tuyến biên giới phía Bắc từ Phong Thổ (Lai Châu) đến Móng Cái (Quảng Ninh), với chiều dài hơn 1.400km. Nhân dân Việt Nam, trước hết là quân và dân 6 tỉnh biên giới phía Bắc đã kiên cường anh dũng đánh trả để bảo vệ từng tầng đất của Tổ quốc và giành nhiều thắng lợi.

Theo GS Vũ Dương Ninh (Đại học Quốc gia Hà Nội), Trung Quốc tuyên bố rút quân ngày 14/3/1979, nhưng trên thực tế, cuộc chiến còn kéo dài tới 10 năm sau (1979 - 1989), đặc biệt ác liệt là mặt trận Vị Xuyên (Hà Giang) vào mùa hè năm 1984. Chiến tranh biên giới phía Bắc để lại nhiều hậu quả nặng nề về vật chất và tinh thần, khắc sâu một vết hằn trong lịch sử quan hệ lâu đời giữa hai nước láng giềng Việt Nam - Trung Quốc.

PGS.TS Trần Đức Cường khẳng định, cuộc chiến đấu chính nghĩa bảo vệ biên giới của Việt Nam đã nhận được nhiều sự ủng hộ của bạn bè quốc tế. Chính phủ nhiều nước tổ chức biểu tình, ra tuyên bố, tổ chức hội thảo, lấy chữ ký phản đối hành động tấn công của Trung Quốc và đòi nhà cầm quyền Trung Quốc rút ngay quân đội ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.

Theo PGS.TS Trần Đức Cường, cuộc hội thảo nhằm tôn vinh những đồng bào, chiến sĩ từng chiến đấu, hy sinh bảo vệ từng tấc đất biên cương của Tổ quốc, nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc và lòng biết ơn sâu sắc của nhân dân ta, đặc biệt là của tuổi trẻ đối với các thế hệ cha anh đã không tiếc tuổi xuân và xương máu để bảo vệ nền độc lập, tự do, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. “Hội thảo khoa học quốc gia này, với sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu, nhà hoạt động chính trị, xã hội trong cả nước không phải để khoét sâu mốt hận thù mà để nhắc lại một sự thật lịch sử, khẳng định sự nghiệp chính nghĩa của Việt Nam trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc”, ông Cường nhấn mạnh.

Khẳng định sự thật lịch sử

GS Vũ Dương Ninh (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết các nhà nghiên cứu, các học giả khi nhìn nhận về cuộc chiến đấu này đã phân tích quân Trung Quốc gặp phải sự cản trở do trang thiết bị lạc hậu, những vấn đề hậu cần và những chiến thuật rắc rối. Họ đã phải trả giá đắt. “Tất cả những người Việt Nam từng đổ xương máu để gìn giữ từng tấc đất, từng hòn đảo của nước Việt Nam đều xứng đáng được vinh danh và được tri ân của nhiều thế hệ con cháu. Các sách giáo khoa về lịch sử, văn học và nhiều môn khoa học xã hội khác cần quan tâm đầy đủ công việc này như chúng ta từng viết về hai cuộc kháng chiến trước. Không khơi gợi hận thù song nhắc lại quá khứ để có cách ứng xử đúng đắn hôm nay và phòng ngừa cho ngày mai là điều rất cần thiết và cấp thiết đối với sự nghiệp bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ”, GS Vũ Dương Ninh đề nghị.

Khẳng định cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia ở vùng biên giới phía Bắc là quá trình lịch sử có ý nghĩa rất quan trọng trong lịch sử Việt Nam hiện đại, song như phân tích của GS Phạm Hồng Tung, Đại học Quốc gia Hà Nội: Việc trình bày về lịch sử cả hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở các vùng biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc (1975-1979) và cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc từ sau năm 1975 đến nay còn quá sơ lược, không tương xứng vị trí và ý nghĩa của những quá trình lịch sử đó; không đáp ứng được nhu cầu nhận thức và càng không đáp ứng được yêu cầu phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh Việt Nam.

“Khép lại quá khứ không có nghĩa là lảng tránh hay nói sai về quá khứ. Làm như vậy chỉ khiến nhận thức lịch sử trở nên tồi tệ hơn”.

GS Phạm Hồng Tung

Tác giả: VĂN KIÊN

Nguồn tin: Báo Tiền phong

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP