Bạn cần biết

Ngày Tết đề phòng ngộ độc thực phẩm do nhiễm vi khuẩn Listeria trong thịt nguội

Listeria đặc biệt nguy hiểm với tỷ lệ tử vong lên đến 20 -30% trong số bệnh nhân bị nhiễm loại vi khuẩn này. Các loại thực phẩm dễ nhiễm vi khuẩn Listeria là thịt nguội, cá hồi xông khói, phô mai, sữa...

Trong số các loại thực phẩm được tiêu thụ nhiều vào dịp Tết thì thực phẩm chế biến sẵn được rất nhiều người nội trợ lựa chọn bởi sự tiện lợi, không mất công chế biến lại bảo quản được lâu. Đặc biệt, những năm gần đây, các sản phẩm thịt nguội, thịt xông khói... nhập khẩu trở nên rất phổ biến và được tiêu thụ nhiều trong dịp này.

Thực phẩm rất dễ nhiễm vi khuẩn Listeria nếu quy trình chế biến không vệ sinh

Chị Bích Hồng ở Hà Nội cho biết, thay vì quanh đi quẩn lại với những món ăn truyền thống như gà luộc, nem rán, giò chả… chị bổ sung vào danh sách thực phẩm Tết một số món như đùi lợn muối, lườn ngỗng Nga, đùi gà tây Hàn Quốc, xúc xích… khi có khách chỉ việc thái lát, bày ra đĩa, rất nhanh chóng.

Do công việc bận rộn vào dịp cuối năm nên chị thường mua hàng online của những người quen. “Nghe người này, người kia giới thiệu chỗ đó bán hàng đảm bảo thì tôi mua.Sản phẩm cũng có dán nhãn ghi tên nhà sản xuất, nhà nhập khẩu, phân phối thì cũng yên tâm. Với lại mình ăn ít, không nhiều, cũng chưa thấy có vấn đề gì về ngộ độc thực phẩm xảy ra”, chị Bích Hồng cho hay.

Các loại thực phẩm ăn liền, chế biến sẵn có ưu điểm là rất tiện lợi, mang lại hương vị mới lạ cho thực khách. Tuy nhiên, theo các chuyên gia về dinh dưỡng và thực phẩm, các sản phẩm này thường chứa nhiều muối và một số chất không tốt cho sức khỏe. Bên cạnh đó, nếu sản phẩm không rõ nguồn gốc, không được chế biến và bảo quản theo đúng quy định về an toàn và vệ sinh thì còn tiềm ẩn nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm. Trong đó, phải kể đến nguy cơ thực phẩm bị nhiễm vi khuẩn Listeria – loại vi khuẩn nguy hiểm với tỉ lệ tử vong rất cao.

TS-BS Vũ Quốc Đạt giảng viên bộ môn Truyền nhiễm, Trường Đại học Y Hà Nội cho biết, Listeria là một loại vi khuẩn gây nhiễm trùng cơ hội. Vi khuẩn này chủ yếu gây bệnh cho những người bị suy giảm miễn dịch như người già, người có bệnh nền, người bị suy giảm miễn dịch, trẻ em và phụ nữ mang thai. Những trường hợp này, nếu không may bị nhiễm vi khuẩn Listeria thì thường có diễn biến nặng và tỉ lệ tử vong có thể lên đến 20 - 30% trong số bệnh nhân.

Các loại thực phẩm dễ nhiễm vi khuẩn Listeria là thịt nguội, cá hồi xông khói, phô mai, sữa... Một số quốc gia như Mỹ và các nước châu Âu đã từng ghi nhận những đợt bùng phát bệnh do nhiễm khuẩn Listeria khiến nhiều người tử vong. Tại nước ta, mặc dù chưa có báo cáo nào về các vụ ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn Listeria, tuy nhiên trong thực tế tại bệnh viện vẫn ghi nhận rải rác những trường hợp bệnh nhân mắc bệnh và tử vong do nhiễm vi khuẩn này.

Nếu chúng ta không đảm bảo vệ sinh trong khâu xử lý thực phẩm hoặc bàn tay của người chế biến, các dụng cụ chứa đựng, dao thớt…không sạch sẽ thì vi khuẩn từ ngoài môi trường sẽ dễ dàng lây nhiễm vào thực phẩm. Khi ăn phải các thực phẩm có nhiễm vi khuẩn Listeria thì chúng ta sẽ có nguy cơ bị mắc bệnh” – TS - BS Vũ Quốc Đạt cho biết về con đường lây nhiễm vi khuẩn Listeria vào thực phẩm.

Cũng theo TS - BS Vũ Quốc Đạt, khi bị ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn Listeria, người bệnh thường có các biểu hiện sốt, đau đầu, đau mỏi cơ, rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy. Các biểu hiện này cũng tương tự với biểu hiện ngộ độc thực phẩm do các loại vi khuẩn khác. Tuy nhiên, với những người có sức đề kháng kém thì có thể xuất hiện các triệu chứng nặng như sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, viêm não, viêm màng não dẫn tới hôn mê và tử vong.

Để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn Listeria, nhất là trong dịp Tết, TS-BS Vũ Quốc Đạt khuyến cáo, các gia đình không nên mua và tích trữ quá nhiều thực phẩm. Nên đảm bảo ăn chín, uống sôi. Khi mua thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm nguội nhập khẩu… người nội trợ nên chọn mua tại những cơ sở có uy tín, có nguồn gốc rõ ràng và bảo quản trong tủ lạnh theo đúng nhiệt độ được khuyến cáo.

Khi thái thực phẩm để bày ra đĩa, cần đảm bảo dao thớt, bàn tay người chế biến được vệ sinh sạch sẽ. Nếu có thể thì nên đun nóng lại thực phẩm ở nhiệt độ ít nhất là 80 độ C để loại trừ vi khuẩn. Đặc biệt, người già, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, bệnh nhân mắc bệnh nền hoặc ung thư nên thận trọng khi sử dụng các loại thực phẩm chế biến sẵn, đồ nguội.

Tác giả: Ánh Tuyết

Nguồn tin: Báo VOV

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP