Thế giới

Mỹ viện trợ quân sự 200 triệu USD cho Ukraine

Chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp người đồng cấp Nga Vladimir Putin tại Phần Lan, Washington đã công bố khoản viện trợ quân sự trị giá 200 triệu USD cho Ukraine.

Lính Mỹ tham gia tập trận Sea Breeze 2018 tại Ukraine (Ảnh: RT)

Theo RT, Đại sứ quán Ukraine tại Mỹ hôm qua 20/7 đã xác nhận thông tin về khoản viện trợ trị giá 200 triệu USD mà Washington cấp cho Kiev với mục đích “hỗ trợ an ninh”. Thông tin này sau đó cũng được phát ngôn viên Lầu Năm Góc Sheryll Klinkel xác nhận với CNN.

Một quan chức Lầu Năm Góc giấu tên cho biết khoản viện trợ trên được sử dụng để hỗ trợ đào tạo, phát triển radar chống pháo, các phương tiện đa nhiệm có khả năng linh động cao, kính nhìn ban đêm cũng như các trang thiết bị y tế và liên lạc cho Ukraine.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert cho biết Ukraine đủ điều kiện nhận khoản viện trợ của Mỹ sau khi nước này thông qua một đạo luật an ninh quốc gia mới hồi đầu tháng 7. Theo bà Nauert, việc thực thi đầy đủ đạo luật này sẽ “làm sâu sắc thêm mối quan hệ gắn bó giữa Ukraine và phương Tây”.

Lầu Năm Góc cho biết luật an ninh mới tại Ukraine đã “cung cấp khuôn khổ pháp lý cho việc gắn kết cấu trúc an ninh quốc gia của Ukraine với các nguyên tắc của châu Âu - Đại Tây Dương” và là bước đi quan trọng để Ukraine đạt được sự kết nối chung với NATO.

Kể từ tháng 2/2014, Mỹ đã viện trợ cho Ukraine hơn 1 tỷ USD dưới dạng các quỹ “hỗ trợ an ninh”. Tháng 3/2014, bán đảo Crimea đã tách khỏi Ukraine và sáp nhập vào Nga sau một cuộc trưng cầu dân ý. Mỹ và chính phủ Ukraine không công nhận kết quả của cuộc trưng cầu dân ý này và áp đặt các biện pháp trừng phạt Moscow.

Tại khu vực đông Ukraine, phong trào ly khai nổi lên mạnh mẽ dẫn đến các cuộc giao tranh giữa lực lượng ly khai thân Nga và quân đội chính phủ Ukraine. Tới năm 2015, một thỏa thuận ngừng bắn đã được các bên ký kết tại Minsk, Belarus. Tuy nhiên, Ukraine vẫn tiếp tục tăng cường hiện diện quân sự tại khu vực này.

Mỹ bác ý tưởng trưng cầu dân ý tại Ukraine của ông Putin

Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov ngày 20/7 cho biết Tổng thống Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin đã thảo luận về khả năng tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý để quyết định tương lai của đông Ukraine. Cuộc thảo luận diễn ra tại hội nghị thượng đỉnh Nga - Mỹ ở Helsinki, Phần Lan ngày 16/7. Tuy nhiên, phía Mỹ đã bác bỏ đề xuất này của nhà lãnh đạo Nga.

“Chính quyền Mỹ không xem xét việc ủng hộ một cuộc trưng cầu dân ý ở đông Ukraine. Thỏa thuận Minsk chính là tiến trình giải quyết cuộc xung đột ở Donbas và thỏa thuận này không bao gồm phương án tổ chức trưng cầu dân ý. Hơn nữa, việc tổ chức cái gọi là trưng cầu dân ý ở một khu vực không được kiểm soát bởi chính phủ Ukraine sẽ là bất hợp pháp”, phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Garrett Marquis cho biết.

Theo Đại sứ Antonov, Tổng thống Putin đã đưa ra những đề xuất cụ thể với Tổng thống Trump để tìm kiếm giải pháp khả thi cho cuộc xung đột kéo dài tại đông Ukraine khiến hơn 10.000 người thiệt mạng trong 4 năm qua. Theo hãng thông tấn Interfax, ý tưởng của Tổng thống Putin về cuộc trưng cầu dân ý ở đông Ukraine không nhằm mục đích sáp nhập vùng lãnh thổ nào vào Nga, mà muốn thiết lập một mô hình chính quyền tự trị của người dân Donbas trong lãnh thổ Ukraine.

Tác giả: Thành Đạt

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP