Giáo dục

Miễn học phí đi đôi với nâng chất lượng đào tạo

Chính sách miễn học phí chỉ thực sự có ý nghĩa khi đi kèm cơ chế giám sát và đánh giá chất lượng giáo dục nghiêm túc

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đang lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc miễn học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh THCS, học sinh THPT và không phải đóng học phí đối với học sinh tiểu học trong cơ sở giáo dục công lập.

Tạo công bằng trong giáo dục

Bộ GD-ĐT cho hay theo quy định hiện hành, đối tượng không phải đóng và miễn học phí là học sinh tiểu học và trẻ em mầm non 5 tuổi, học sinh THCS.

Theo kết luận của Bộ Chính trị tại Công văn 13594-CV/VPTW, Bộ GD-ĐT sẽ bổ sung các đối tượng được miễn học phí là trẻ em, học sinh mầm non dưới 5 tuổi đang học tại các cơ sở giáo dục; học sinh THPT, học sinh học văn hóa THPT tại các cơ sở giáo dục.

Theo Bộ GD-ĐT, quy định như vậy là phù hợp với Hiến pháp năm 2013: Giáo dục tiểu học là bắt buộc, nhà nước không thu học phí. Nghị định 81/2021/NĐ-CP quy định học sinh tiểu học đang học tại các trường công lập không phải đóng học phí; học sinh đang theo học tại các trường tư thục, dân lập tại địa bàn không đủ trường công được nhà nước hỗ trợ bằng mức học phí đối với học sinh đang học tại trường công lập.

Chính sách miễn học phí chỉ có ý nghĩa khi chất lượng giáo dục ngày càng được nâng cao

Số liệu thống kê năm học 2023-2024 cho thấy cả nước có 23,2 triệu học sinh (trong đó 21,5 triệu học sinh công lập, chiếm 93%; 1,7 triệu học sinh ngoài công lập, chiếm 7%). Số học sinh chia theo cấp học gồm: 4,8 triệu trẻ em mầm non (3,8 triệu công lập; 1 triệu ngoài công lập); 8,8 triệu học sinh tiểu học; 6,5 triệu học sinh THCS; 2,99 triệu học sinh THPT.

Căn cứ mức học phí tối thiểu theo quy định tại Nghị định 81 và Nghị định 97/2023 (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 81), Bộ GD-ĐT tính toán tổng nhu cầu kinh phí ngân sách nhà nước phải chi trả để thực hiện miễn học phí cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông công lập và hỗ trợ học phí cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông ngoài công lập là trên dưới 30.000 tỉ đồng. Mức ngân sách cần bảo đảm sẽ phụ thuộc mức học phí cụ thể của từng tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương theo thẩm quyền của HĐND cấp tỉnh quyết định, trên cơ sở mức sàn, trần học phí theo quy định của Chính phủ. Tổng ngân sách nhà nước đã thực hiện miễn (không thu) học phí đối với trẻ em mầm non 5 tuổi, học sinh tiểu học, học sinh THCS từ năm học 2025-2026 là 22.500 tỉ đồng.

Như vậy, số ngân sách nhà nước tăng thêm khi thực hiện chính sách theo Nghị quyết của Quốc hội là 8.200 tỉ đồng.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nhận định quyết sách này của Bộ Chính trị và Chính phủ có tác động lớn, không chỉ đối với ngành giáo dục mà còn với toàn xã hội. Không chỉ giúp giảm bớt khó khăn cho phụ huynh, việc này còn tạo ra sự công bằng trong giáo dục, tạo thuận lợi cho việc phổ cập giáo dục. Đây cũng là điều kiện để ngành GD-ĐT tiếp tục thực hiện những đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục.

Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La Nguyễn Huy Hoàng nhận định chính sách miễn học phí không chỉ giúp giảm bớt gánh nặng tài chính cho phụ huynh mà còn góp phần giảm tỉ lệ học sinh bỏ học, đặc biệt là ở các tỉnh miền núi và vùng sâu, vùng xa.

Áp lực trường công

Việc miễn học phí sẽ làm tăng ưu thế cho hệ thống giáo dục công lập, song cũng làm tăng áp lực cho học sinh khi thi vào lớp 10.

Hiệu trưởng một trường THPT đóng tại quận Cầu Giấy, TP Hà Nội phân tích: Khi được miễn học phí, phụ huynh sẽ có xu hướng đưa con vào trường công để hưởng chính sách này. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng sĩ số lớp tăng cao, giáo viên quá tải, tác động đến chất lượng dạy và học.

Việc miễn học phí cũng sẽ tác động đến chuyện phân luồng học sinh sau THCS. Bởi lẽ, khi lên THPT mà học phí cũng được miễn thì các em vẫn muốn học tiếp trường công. "Trường công đã có nhiều lợi thế, bây giờ lại có thêm lợi thế miễn học phí nữa thì sẽ có thêm áp lực" - hiệu trưởng này nhận định.

Đồng quan điểm, TS Đặng Tự Ân, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học - Bộ GD-ĐT, cho rằng khi miễn học phí, ngoài việc trẻ sẽ vào trường công nhiều thì còn thu hút một bộ phận đang học ngoài công lập chuyển sang. Đây là một thách thức không nhỏ khi mà số trường công đang thiếu và điều kiện dạy học cần cải thiện.

Do vậy, để đồng hành với chính sách nhân văn thì thời gian tới, nhà nước cần tiếp tục đầu tư nhiều hơn nữa vào cơ sở vật chất giáo dục để giáo dục tiếp tục phát triển, tạo đà cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới của dân tộc.

Cần những cải tiến đồng bộ

PGS Bùi Hoài Sơn, đại biểu chuyên trách tại Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội, cho rằng miễn học phí là một bước tiến lớn nhưng đó mới chỉ là điểm khởi đầu. Điều quan trọng hơn cả là làm thế nào để nâng cao chất lượng giáo dục, để mỗi trẻ không chỉ được đến trường mà còn được học trong một môi trường tốt, với những điều kiện học tập bảo đảm và một chương trình giảng dạy thực sự có ý nghĩa.

Nếu chỉ miễn học phí mà không có những cải tiến đồng bộ về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và chương trình giáo dục, chúng ta có thể đối mặt tình trạng quá tải trong lớp học, giáo viên bị áp lực và chất lượng giảng dạy giảm sút.

"Đầu tư vào cơ sở vật chất là điều không thể bỏ qua. Khi số lượng học sinh tăng lên, hệ thống trường lớp cần được mở rộng và nâng cấp để đáp ứng nhu cầu. Đặc biệt, những khu vực nông thôn, miền núi - nơi vốn còn nhiều hạn chế - cần được quan tâm hơn nữa. Một ngôi trường không chỉ là nơi học tập mà còn phải là không gian truyền cảm hứng, nơi học sinh cảm thấy an toàn, thoải mái và có đủ điều kiện để phát triển toàn diện" - ông Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, theo PGS Bùi Hoài Sơn, đội ngũ giáo viên chính là yếu tố then chốt quyết định chất lượng giáo dục. Việc nâng cao chế độ đãi ngộ, giảm tải áp lực hành chính và tạo điều kiện để giáo viên được đào tạo, tiếp cận các phương pháp giảng dạy tiên tiến là vô cùng cần thiết. Khi giáo viên có động lực và niềm đam mê, họ sẽ truyền cảm hứng và khơi dậy tình yêu học tập trong học sinh.

PGS BÙI HOÀI SƠN, đại biểu chuyên trách tại Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội:

Chung tay nâng chất lượng giáo dục

Chính sách miễn học phí chỉ thực sự có ý nghĩa khi đi kèm với một cơ chế giám sát và đánh giá chất lượng giáo dục một cách nghiêm túc. Không chỉ nhà nước mà chính phụ huynh và xã hội cũng cần tham gia quá trình này.

Khi tất cả cùng chung tay để xây dựng một môi trường giáo dục tốt hơn, khi chất lượng giáo dục được nâng cao song song với việc miễn học phí thì chính sách này mới thực sự trở thành một bước ngoặt quan trọng, không chỉ giúp mọi trẻ em đều được đến trường mà còn bảo đảm rằng các em có một tương lai tươi sáng hơn.

PGS PHẠM TẤT DONG, cố vấn Hội Khuyến học Việt Nam:

Kiểm soát lạm thu "phụ phí"

Song song với việc miễn học phí, cần kiểm soát tốt việc thu "phụ phí" tại các trường học. Ở nhiều nơi, đây mới là khoản tiền lớn phụ huynh phải đóng góp.

Các khoản "phụ phí" ở trường học là vấn đề không mới. Đầu năm học nào tại các địa phương cũng vẫn xảy ra tình trạng lạm thu. Trên mạng xã hội, phụ huynh vẫn chụp ảnh cả danh sách dài các khoản thu ngoài học phí lên đến hàng triệu, thậm chí gần chục triệu đồng mỗi kỳ học. Việc thu các khoản ngoài học phí có thể nhân danh hội cha mẹ học sinh, phụ huynh không tự nguyện cũng được vận động. Nhiều người để tránh ảnh hưởng đến con em mình thì "nhắm mắt" nộp tiền cho đủ.

Do đó, ngành GD-ĐT cần quản lý chặt và xử phạt nghiêm tình trạng lạm thu tại các cơ sở giáo dục để tránh những áp lực không đáng có cho phụ huynh.

Tác giả: Yến Anh

Nguồn tin: Báo Người Lao động

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP