Tin địa phương

Lý do nông dân chọn thợ hồ, bỏ hoang hơn 6000 ha đất lúa

Toàn tỉnh Quảng Bình có 6.886ha diện tích đất trồng lúa bị bỏ hoang, không sản xuất vụ hè-thu, gây nên tình trạng lãng phí nguồn tài nguyên đất hiện nay.

Lệ Thủy được xem là “vựa lúa” lớn nhất tỉnh Quảng Bình và sản xuất lúa vụ hè – thu luôn đạt năng suất cao, nhưng năm nay, huyện này có đến trên 700 ha đất bỏ hoang không sản xuất.

Xã Hoa Thủy là một trong những địa phương có diện tích bỏ hoang, không sản xuất vụ hè – thu lớn của huyện, vụ này toàn xã có 739 ha lúa tái sinh, 16,5 ha gieo trồng mới và có đến trên 200 ha bỏ hoang.

Tìm hiểu được biết, có nhiều nguyên nhân khiến người dân “không mặn mà” với vụ lúa hè thu này. Theo đó, khó khăn lớn nhất của việc gieo trồng vụ hè-thu là bị chuột phá hoại. Thường lúa tái sinh sẽ thu hoạch sớm hơn lúa gieo sạ một khoảng thời gian dài nên khi lúa tái sinh thu hoạch xong thì chuột sẽ tấn công lên vùng lúa gieo sạ để tìm kiếm thức ăn.

Toàn tỉnh Quảng Bình có 6.886 ha diện tích đất trồng lúa bị bỏ hoang, không sản xuất vụ hè-thu.

Ông Võ Xuân Hòa, Chủ tịch UBND xã Hoa Thủy, cho biết: "Nếu không có biện pháp, chỉ trong vài đêm là chuột có thể phá nát cả đồng lúa, dẫn đến năng suất, sản lượng thấp, sản xuất không có lãi, chưa kể khi gặp thời tiết bất lợi sẽ thua lỗ".

Bố Trạch cũng là địa phương có diện tích trồng lúa hè-thu bị bỏ hoang nhiều. Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện, vụ hè-thu năm 2023, toàn huyện có khoảng hơn 420ha ruộng lúa bị bỏ hoang, riêng xã Đại Trạch có hơn 160ha mặc dù nguồn nước tưới tiêu luôn được bảo đảm.

Chỉ tay về phía cánh đồng bỏ hoang, ông Đinh Hữu Viết ở thôn Phương Hạ, cho hay, nhà ông có 1 mẫu đất lúa, tuy nhiên, vụ này ông chỉ gieo cấy 1 sào, còn lại đất để hoang. Theo ông Viết, trước đây nông dân trồng lúa thường lấy công làm lãi, nhưng nay tất cả đều phải đi thuê, chưa kể giá cả vật tư nông nghiệp tăng cao.

Có nhiều nguyên nhân khiến người dân “không mặn mà” với vụ lúa hè thu này.

"Chi phí thuê máy móc cho vụ đông-xuân khoảng 180.000 đồng/sào nhưng vụ hè-thu tăng lên 300.000 đồng/sào vì làm gấp để kịp thời vụ. Chưa kể giá phân bón cũng tăng lên đáng kể. Năm 2021, giá phân bón từ 800.000 - 900.000 đồng/tạ. Nhưng đến năm 2022, giá phân bón tăng vọt lên 1,8 triệu đồng/tạ, thậm chí có thời điểm lên hơn 2 triệu đồng/tạ. Năm nay, giá phân bón có giảm xuống còn 1,5 triệu đồng/tạ nhưng mức giá đó vẫn còn quá cao, trong khi năng suất lúa hè - thu chỉ đạt 70% so với vụ đông - xuân, làm không có lãi, thậm chí là thua lỗ nếu mất mùa”, ông Viết giải thích.

Trao đổi với một số nông dân xã Đại Trạch, họ cho biết, ngoài những nguyên nhân trên, thì nỗi sợ bị chuột phá hoại cũng được đặt lên hàng đầu.

Người dân quây kín ruộng nhưng vẫn bị chuột phá hại.

Ông Nguyễn Thanh Bình, ở thôn Phương Hạ, xã Đại Trạch, chỉ tay về phía ruộng lúa của mình: “Tôi quây kín như vậy rồi nhưng không ăn thua với lũ chuột. Không cẩn thận, chỉ một đêm là chúng phá hết. Nếu như 1 sào lúa vụ đông – xuân cho năng suất khoảng 2,5 tạ nhưng vụ hè – thu này chuột phá hết, may mắn cũng chỉ được 1,5 tạ, có khi còn không được nên nhiều người đi kiếm việc khác làm chứ trồng lúa lỗ lắm”.

Tình trạng người dân ở xã Đại Trạch chỉ sản xuất vụ đông – xuân, còn vụ hè – thu gần như bỏ hoang đồng ruộng diễn ra từ lâu.

Cân đối đầu vào đầu ra lợi nhuận quá thấp hoặc không có nên người dân không làm vụ lúa hè – thu.

Theo ông Phan Văn Ngọ, Chủ tịch UBND xã Đại Trạch, so với các xã khác, Đại Trạch nước tưới tiêu cơ bản đầy đủ, tuy nhiên cân đối đầu vào đầu ra lợi nhuận quá thấp hoặc không có nên người dân không mặn mà với vụ hè – thu.

Đặc điểm địa hình của xã thì gò đồi, Quốc lộ 1A, đường sắt, kênh mương cấp 1 nên chuột quá nhiều. Mặc dù xã luôn triển khai các chiến dịch diệt chuột, hiện nay vẫn thu mua 1 con 3,5 ngàn đồng cho bà con nhưng không ăn thua.

Cũng theo Chủ tịch UBND xã Đại Trạch, do thu nhập từ trồng lúa thấp nên người dân chọn đi làm nghề khác hoặc đi nước ngoài. “Giá lúa một tạ khoảng 630-650 ngàn đồng, ở đây rảnh rỗi bà con đi phụ nề công khá cao, nếu chồng thợ, vợ phụ thì một ngày đi làm tiền công đủ để mua một tạ lúa. Ngoài ra, hiện nay có khoảng 1.400 người ở xã Đại Trạch đang ở nước ngoài nên bà con có thu nhập khá ổn định”.

Hệ thống thủy lợi ở đồng ruộng vẫn rất đảm bảo.

Ông Nguyễn Hương Liên, Phó chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thông tin, chi cục đã tham mưu cho Sở NN-PTNT trong việc khuyến cáo các huyện, thị thực hiện đồng bộ các giải pháp như chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, tăng cường chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả, thiếu nước sang trồng cây ngắn ngày, phối hợp với các công ty giống cung ứng các giống lúa ngắn ngày và cực ngắn ngày cho người dân sản xuất vụ hè-thu để thu hoạch sớm, hạn chế thiệt hại do ảnh hưởng của mưa lũ đầu vụ…

Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, vụ đông-xuân 2022-2023, diện tích gieo cấy toàn tỉnh Quảng Bình đạt 29.386ha nhưng vụ hè-thu diện tích gieo trồng chỉ đạt 22.500ha. Như vậy, toàn tỉnh có 6.886ha diện tích đất trồng lúa bị bỏ hoang, không sản xuất vụ hè-thu, gây nên tình trạng lãng phí nguồn tài nguyên đất hiện nay.

Tác giả: Ngô Thị Huyền

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP