Kinh tế

Luật có để 'treo': Loạn thị trường rượu

Ngành sản xuất, kinh doanh rượu luôn đòi hỏi phải được kiểm soát chặt chẽ, nhưng thực tế lại đang bị thả nổi. Luật đã có nhưng cũng như không vì bị 'treo' nhiều năm nay không thực hiện. Thị trường tràn lan rượu không kiểm soát, không tem nhãn còn các cơ quan chức năng thì đùn đẩy trách nhiệm cho nhau.

Theo Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam, đến nay, sau hơn 3 năm có hiệu lực, Nghị định 94/2012/NĐ-CP về quản lý rượu đã thất bại. Rượu không dán tem bán tràn ngập, với số lượng lớn mà cơ quan chức năng “bó tay”. Không chỉ gây thất thu thuế, chất lượng rượu cũng không thể kiểm soát chất lượng nên dẫn đến nhiều hệ lụy.

'Có cũng như không'

Theo ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam, Nghị định 94 về rượu thủ công quy định đầy đủ, khá chặt chẽ, nhưng tính khả thi rất kém, bởi quá ít tổ chức cá nhân sản xuất kinh doanh thực hiện.

Chẳng hạn, quy định cho phép tổ chức, cá nhân nấu rượu bán lại cho DN (có Giấy phép kinh doanh rượu để chế biến lại). Tức là, người dân cứ nấu, nhưng sẽ bán cho DN, sau đó DN sẽ chế biến lại đúng tiêu chuẩn chất lượng, dán tem theo quy định và đưa ra thị trường... Như vậy, sẽ có cơ sở đứng ra chịu trách nhiệm, đảm bảo chất lượng, đảm bảo nghĩa vụ thuế với Nhà nước. Cơ quan quản lý dễ dàng ‘nắm tóc”, không phải lo đến từng hộ dân.

Rượu sản xuất trong nước cũng như rượu nhập khẩu bắt buộc phải dán tem (theo báo Hải quan)


Tuy nhiên, quy định là vậy, nhưng không mấy cơ sở thực hiện.Trên thực tế, tại các địa phương có nhiều DN đã đứng ra thu mua rượu thủ công về chế biến và bán ra thị trường, nhưng lại không khai báo, không đăng ký chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, không dán tem, thậm chí có DN tự in tem để dán gây nhầm lẫn.

Chẳng hạn ở Hưng Yên, Chi cục Quản lý thị trường địa phương này từng thừa nhận, có đến ½ số cơ sở sản xuất kinh doanh rượu thủ công không dán tem, dù vẫn đưa ra thị trường hàng ngàn lít mỗi tháng.

Cùng với đó là quy định các tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh, phải đăng ký kinh doanh, phải xin cấp Giấy phép, cũng không mấy cơ sở chịu thực hiện.

Tại huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) là một trong những địa phương đứng đầu cả nước về sản xuất và kinh doanh rượu thủ công với trên 1.000 hộ, mỗi ngày đưa ra thị trường hàng trăm lít. Khi được hỏi về giấy phép sản xuất, kinh doanh rượu theo quy định của Nghị định 94, các hộ sản xuất ở đây thậm chí còn không biết đến.

Còn ở huyện Lập Thạch, từ khi Nghị định 94 có hiệu lực, các xã đã triển khai văn bản về các thôn và tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh, nhưng người nấu rượu vẫn thờ ơ. Số hộ xin cấp giấp phép sản xuất theo quy định rất ít.

Ngoài những lý do như thủ tục cấp giấy phép, các cơ sở sản xuất không đảm bảo các điều kiện về vệ sinh môi trường, chất lượng, an toàn thực phẩm,... còn có lý do quan trọng khác là các tổ chức cá nhân không đăng ký, không xin cấp phép cũng chả bị làm sao, không có cơ quan nào nhắc nhở kiểm tra... Vậy thì đăng ký làm gì?.

Đấy là chưa kể người ta lo ngại đăng ký xin cấp phép thì phải nộp thuế dẫn đến chi phí tăng. Điều này dẫn đến tình trạng rượu không tem lưu hành tràn lan trên thị trường, ông Việt nói.

Luật 'treo'... không ai chịu trách nhiệm?

Đại diện Cục quản lý thị trường (Bộ Công thương) cho biết, vấn đề quản lý rượu thủ công rất khó khăn, nhất là hộ kinh doanh nhỏ lẻ phân tán trong dân. Lực lượng Quản lý thị trường lo không xuể và cho rằng trách nhiệm chính thuộc về chính quyền địa phương cấp huyện và cấp xã đã thực hiện không tốt.

Rượu thủ công đang được sản xuất, bày bán tràn lan trên thị trường


Theo quy định Nghị định 94, chính quyền cấp huyện là nơi cấp giấy phép đăng ký cho các cơ sở sản xuất kinh doanh rượu, còn cấp xã là nơi các tổ chức nấu rượu thủ công bán cho DN xin đăng ký, nhưng việc quản lý không chặt.

Bộ Tài chính chủ trì quản lý dán tem nhưng cho biết trách nhiệm xử lý rượu không dán tem lại thuộc về cơ quan Quản lý thị trường (thuộc Bộ Công Thương). Còn chính quyền cấp huyện, xã lại cho rằng thực sự muốn đưa rượu thủ công vào quản lý, cần có những chế tài mạnh mẽ hơn. Chẳng hạn nếu đã tuyên truyền, vận động mà dân vẫn không tự giác thực hiện thì chính quyền phải làm gì, có được xử phạt hay không?

Tuy nhiên, theo Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam, đến thời điểm này, hệ thống văn bản pháp luật quy định liên quan đến ngành rượu là tương đối đầy đủ, trong đó có cả quy định xử lý hình sự đối với những tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng. Vấn đề chính là sự phối hợp lỏng lẻo giữa chính quyền các cấp và các cơ quan chức năng, dẫn đến rượu nấu thủ công, không tem, không đảm bảo chất lượng lưu hành tràn lan.

Để rượu thủ công không dán tem tràn ngập thị trường hiện nay, với số lượng lớn gấp 3 lần rượu chính thức, trách nhiệm đầu tiên thuộc về lực lượng quản lý thị trường khi không kiểm soát tốt các sản phẩm đưa ra trên thị trường. Một mặt hàng kinh doanh có điều kiện mà để bày bán tự do không bị chế tài nào là hết sức bất thường. Việc kiểm soát có thể khó khăn, nhưng không phải quá khó, không thực hiện được. Vấn đề là cần có sự công tâm của những người gánh vác trách nhiệm này, ông Việt nhận xét.

Quản lý lỏng lẻo dẫn đến hậu quả là số rượu dán tem đang giảm dần. Số liệu từ Tổng cục Thuế cho biết, 1/4/2014 bắt đầu áp dụng dán tem thuế rượu, tính đến hết năm có 65 triệu tem được dán. Thế nhưng, sang năm 2015, con số này giảm còn 55 triệu tem. Thị trường rượu tăng lên còn thu thuế giảm đi. Quản lý kém khiến các cơ sở nhờn, không ai thực hiện.

Và thật là nghịch lý khi sản lượng rượu tăng lên, thuế suất tăng lên nhưng số thu thuế giảm đi... Thất thu hàng ngàn tỷ, hàng triệu người tiêu dùng sản phẩm không được kiểm định chất lượng... hậu quả đã rõ nhưng chưa thấy ai lên tiếng về trách nhiệm?

Tác giả bài viết: Trần Thủy

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP