Giáo dục

Trường đại học đồng loạt điều chỉnh học phí năm 2025

Năm 2025, nhiều trường đại học tiếp tục tăng học phí. Đây là một trong những tiêu chí mà thí sinh cần lưu ý khi chọn ngành, chọn trường trong mùa tuyển sinh năm nay.

Học phí tiếp tục tăng

Vấn đề học phí đại học trước mùa tuyển sinh đang nhận được sự quan tâm của dư luận. Tới thời điểm này, nhiều trường đại học đã công bố đề án tuyển sinh năm 2025, trong đó, quy định mức học phí năm học 2025 - 2026. So với năm ngoái, không ít trường dự kiến tăng học phí.

Thí sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh của trường đại học. Ảnh: Nguyễn Hoài.

Theo đề án tuyển sinh năm 2025 của Đại học Kinh tế Quốc dân, học phí với sinh viên nhập học năm 2025 - 2026 dự kiến là 18 - 25 triệu đồng (chương trình chuẩn), tăng 2 - 3 triệu đồng so với năm ngoái. Theo lộ trình tăng học phí cho từng năm của trường, mức tăng mỗi năm là 10%.

Tại Trường Đại học Thương mại, theo đề án tuyển sinh năm 2025, mức học phí dự kiến áp dụng với sinh viên nhập học năm học 2025 - 2026 với chương trình đào tạo chuẩn là 24 - 27,9 triệu đồng/năm theo từng chương trình đào tạo. Học phí các chương trình đào tạo định hướng chuyên sâu nghề nghiệp quốc tế (IPOP) là 38,5 triệu đồng/năm... Năm ngoái, mức học phí của Trường Đại học Thương mại đối với chương trình chuẩn là 24 - 26 triệu đồng/năm. Với các chương trình IPOP, học phí 26 - 35 triệu đồng/năm.

Trường Đại học Mở Hà Nội dự kiến học phí cho năm học tới dao động từ 21,5 - 23 triệu đồng/năm. Năm ngoái, học phí trong khoảng 19,7 - 20,3 triệu đồng/năm.

Tại Học viện Ngân hàng, học phí dự kiến áp dụng với sinh viên nhập học năm học 2025-2026 từ 26,5 - 28 triệu đồng/năm với chương trình chuẩn. Còn với chương trình chất lượng cao, liên kết quốc tế, học phí từ 40 - 50 triệu.

Học viện Phụ nữ Việt Nam công bố mức học phí năm học 2025-2026 cho chương trình chuẩn là 14,4 - 16,5 triệu đồng (tương đương 30 tín chỉ/năm) và chương trình dạy bằng tiếng Anh là 26,8 triệu đồng. So với năm 2024-2025, mức học phí chương trình dạy bằng tiếng Anh không thay đổi, trong khi học phí chương trình chuẩn tăng khoảng 3 triệu đồng.

Năm nay, học phí ngành Răng Hàm Mặt của Trường Đại học Phenika tăng từ 96 triệu vào năm ngoái thành 128 triệu đồng trong năm nay. Thực tế, học phí ngành này vẫn là 160 triệu đồng một năm. Tuy nhiên năm ngoái, trường ưu đãi 40% cho sinh viên mới nhập học, còn năm nay chỉ ưu đãi 20% nên số tiền thực nộp cao hơn.

Tại TP Hồ Chí Minh, nhiều trường đại học cũng cũng điều chỉnh tăng học phí khóa tuyển sinh năm 2025, như: Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh, Trường Đại học Mở TP Hồ Chí Minh, Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh, Trường ĐH Tài chính – Marketing…

Học phí tương xứng với chất lượng

Theo Nghị định 97/2023 của Chính phủ, mức trần học phí áp dụng cho cơ sở giáo dục ĐH công lập chưa tự chủ năm học 2025 - 2026 áp dụng với 7 khối ngành, trong đó, khối ngành nghệ thuật có học phí thấp nhất ở mức 15,2 triệu đồng/năm, tăng thêm 1,7 triệu đồng so với năm học 2024 – 2025.

Các khối ngành khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên; khối ngành kinh doanh và quản lý, pháp luật có học phí bằng nhau 15,9 triệu đồng/năm, tăng 1,8 triệu đồng so với năm học trước…

Riêng khối ngành sức khỏe, các ngành y dược được thu tối đa 31,1 triệu đồng/năm, tăng 3,5 triệu đồng so với năm học trước; các ngành sức khỏe khác 23,6 triệu đồng/năm tăng 2,7 triệu đồng.

Mức trần học phí đại học với từng khối ngành theo quy định như sau:

Như vậy, theo quy định của Nhà nước, năm học 2025 - 2026 học phí đại học tiếp tục tăng. Mức học phí tăng là một trong những yếu tố quyết định chọn ngành, chọn trường trong mùa tuyển sinh năm nay.

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) cũng thừa nhận chính sách đẩy mạnh xã hội hóa trong giáo dục đại học dẫn tới người học phải chịu chủ yếu chi phí đào tạo, học phí tăng quá khả năng chi trả của nhiều gia đình. Trong khi đó, quy định về cơ chế miễn giảm học phí hiện nay chưa phù hợp với các chương trình đào tạo chất lượng cao có chi phí cao.

Trong khi người học đứng trước nỗi lo về học phí thì đại diện nhiều trường đại học cho rằng nếu không tăng thì rất khó duy trì được chất lượng đào tạo.

PGS.TS Nguyễn Việt Hà – Trưởng phòng Quan hệ Công chúng và Doanh nghiệp, Trường Đại học Mỏ - Địa chất cho hay, hiện các ngành học có mức thu học phí khác nhau và phụ thuộc vào tín chỉ. Như tại Trường Đại học Mỏ - Địa chất, học phí trung bình từ 12 đến 15 triệu đồng/năm. Theo ông Hà, học phí của trường đại học công lập còn thấp. Chính vì vậy, nhiều trường đại học thực hiện lộ trình nâng cao mức độ tự chủ về tài chính.

“Việc tăng học phí sẽ đi kèm với tăng chất lượng đào tạo. Các trường sẽ chủ động hơn trong việc đầu tư cơ sở vật chất, các điều kiện giảng dạy, thực hành và nghiên cứu khoa học”, ông Hà nêu quan điểm.

Mới đây, Bộ GDĐT đề xuất sửa đổi, bổ sung 20 vấn đề trong Luật Giáo dục Đại học 2018, trong đó có cách tính học phí.

Theo đề xuất này, các trường đại học được tự chủ xác định mức học phí dựa trên chất lượng đào tạo. Đối với trường công lập, mức học phí không vượt quá 50% thu nhập bình quân đầu người. Luật Giá sẽ được điều chỉnh để đảm bảo thống nhất học phí giữa trường công và tư.

Tác giả: Nguyễn Hoài

Nguồn tin: Báo Đại Đoàn kết

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP