Tin địa phương

Kết luận hội nghị lần thứ nhất Ban Chỉ đạo Hợp nhất, sáp nhập đơn vị hành chính tỉnh Quảng Bình và tỉnh Quảng Trị

Ngày 22/5, đồng chí Lê Ngọc Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Chỉ đạo Hợp nhất, sáp nhập đơn vị hành chính tỉnh Quảng Bình và tỉnh Quảng Trị đã ký ban hành Kết luận số 06-KL/BCĐ kết luận Hội nghị lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo. Báo và Đài PT-TH Quảng Bình xin đăng tải toàn văn Kết luận.

Thực hiện Quyết định số 2140-QĐ/TU ngày 5/5/2025 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình về thành lập Ban Chỉ đạo Hợp nhất, sáp nhập đơn vị hành chính tỉnh Quảng Bình và tỉnh Quảng Trị; ngày 13/5/2025, Ban Chỉ đạo Hợp nhất, sáp nhập đơn vị hành chính tỉnh Quảng Bình và tỉnh Quảng Trị tổ chức phiên họp lần thứ nhất để triển khai một số nội dung liên quan đến việc hợp nhất, sáp nhập tỉnh Quảng Bình và tỉnh Quảng Trị thành tỉnh Quảng Trị. Đồng chí Lê Ngọc Quang, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình và đồng chỉ Nguyễn Long Hải, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị đồng chủ trì Hội nghị.

Sau khi nghe đồng chí Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Bình, đại diện Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo báo cáo một số nội dung về hợp nhất, sáp nhập đơn vị hành chính tỉnh Quảng Bình và tỉnh Quảng Trị thành tỉnh Quảng Trị, Ban Chỉ đạo Hợp nhất, sáp nhập đơn vị hành chính tỉnh Quảng Bình và tỉnh Quảng Trị đã thảo luận và thống nhất kết luận như sau:

1. Ban Chỉ đạo đánh giá cao tinh thần chủ động, kịp thời với quyết tâm cao, của các cơ quan của hai tỉnh đã tham mưu, cụ thể hóa kết luận Hội nghị ngày 17/4/2025 giữa Ban Thường vụ Tỉnh ủy hai tỉnh, hoàn thành các công việc được giao đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, hiệu quả.

2. Đồng ý thông qua dự thảo Quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ các thành viên Ban Chỉ đạo và Quyết định về thành lập 2 Tổ Giúp việc Ban Chỉ đạo.

Giao Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Bình chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Trị tiếp thu ý kiến tại Hội nghị để tham mưu, hoàn thiện các văn bản trình Trưởng Ban Chỉ đạo ký, ban hành.

3. Trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo thống nhất tiếp tục khẩn trương, chủ động triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp quan trọng sau đây:

(1) Các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo, lãnh đạo chủ chốt thường xuyên trao đổi, thống nhất giữa hai tỉnh về nguyên tắc, phương án bố trí cán bộ cấp xã sau sắp xếp, thành lập mới; trong đó bám sát hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Tổ chức Trung ương... để triển khai thực hiện bảo đảm kịp thời, đồng bộ, hiệu quả.

Trong đó, xác định cán bộ lãnh đạo hệ thống chính trị cấp huyện hiện nay sẽ là nòng cốt tại các phường, xã mới; phấn đấu cơ bản bí thư xã, phường không là người địa phương; bố trí cán bộ chủ chốt cấp xã, phường đúng vị trí, đúng quy định, bảo đảm trình độ, năng lực, phẩm chất và triển vọng phát triển; ưu tiên cán bộ khoa học, công nghệ, cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số... Bí thư các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chất lượng công tác chuẩn bị và đề xuất phương án bố trí cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại xã, phường mới.

Việc sắp xếp cán bộ cấp xã phải hoàn thành trước ngày 1/7/2025, bảo đảm tính liên tục trong lãnh đạo, điều hành và kế thừa đội ngũ cán bộ có năng lực từ cấp huyện, cấp xã trước sắp xếp. Có phương án sàng lọc, tỉnh giản và phân công, điều động cán bộ hợp lý theo nguyên tắc “có vào, có ra; có lên, có xuống”, xây dựng đội ngũ cán bộ gắn với hiệu quả công việc. Nghiên cứu bố trí một số cán bộ lãnh đạo, quản lý các ngành cấp tỉnh còn trẻ, được đào tạo cơ bản, có năng lực... để tăng cường cho cấp xã, phường.

Cùng với việc sắp xếp, bố trí cán bộ, cần thực hiện tốt công tác chính trị tư tưởng đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chịu tác động từ việc sắp xếp; thực hiện công khai, minh bạch trong xây dựng phương án sắp xếp nhân sự và giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động dôi dư, tạo sự đồng thuận cao trong quá trình thực hiện. Trong thời gian chuyển tiếp phải duy trì tốt hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp, bảo đảm mọi nhiệm vụ vẫn được thực hiện liên tục, hiệu quả, không làm gián đoạn việc cung cấp dịch vụ hành chính, dịch vụ công phục vụ người dân, tổ chức và doanh nghiệp.

(2) Giao Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Bình chủ trì, phối hợp Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Trị:

- Bám sát Điều lệ Đảng, các quan điểm, nguyên tắc, chỉ đạo của Trung ương, khẩn trương xây dựng Đề án thành lập Đảng bộ tỉnh Quảng Trị trên cơ sở hợp nhất, sáp nhập Đảng bộ tỉnh Quảng Bình và Đảng bộ tỉnh Quảng Trị. Báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ định ban chấp hành, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư, ủy viên ủy ban kiểm tra, chủ nhiệm, phó chủ nhiệm ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy sau khi sắp xếp nhiệm kỳ 2020-2025; giới thiệu nhân sự chỉ định chủ tịch, phó chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, chủ tịch, phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026.

- Xây dựng phương án nhân sự sắp xếp, phân công, bố trí cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy, ủy ban kiểm tra, chủ nhiệm, phó chủ nhiệm ủy ban kiểm tra, lãnh đạo Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Mặt trận, các tổ chức chính trị-xã hội; cán bộ lãnh đạo, quản lý các sở, ban, ngành, đơn vị, hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý theo đúng quan điểm, nguyên tắc, yêu cầu khi xây dựng phương án nhân sự theo Kết luận số 150-KL/TW của Bộ Chính trị, bảo đảm giữ vững nguyên tắc trong công tác nhân sự, chặt chẽ, dân chủ, khách quan, minh bạch, công bằng, công tâm, đúng quy định của Đảng, Nhà nước; tránh khuynh hướng, tư tưởng cục bộ địa phương, “lợi ích nhóm”, tiêu cực trong phân công, bố trí, giới thiệu cán bộ; tạo sự đoàn kết, thống nhất, đồng thuận cao trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và Nhân dân.

- Xây dựng Kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo từ nay đến khi hoàn thành việc hợp nhất, sáp nhập đơn vị hành chính tỉnh Quảng Bình và tỉnh Quảng Trị.

(3) Giao Đảng ủy Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình lãnh đạo và phối hợp Đảng ủy Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị lãnh đạo, chỉ đạo:

- Tiếp tục chuẩn bị cơ sở vật chất, tổng rà soát, đánh giá hiện trạng các trụ sở, tài sản công trên địa bàn hai tỉnh và nhu cầu sử dụng để đề xuất phương án bố trí sử dụng tiếp, phương án xử lý trụ sở dôi dư bảo đảm hiệu quả, tránh lãng phí. Nghiên cứu thực hiện hoán đổi (điều chuyển) trụ sở, cơ sở hoạt động sự nghiệp giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp tỉnh, huyện, xã và cơ quan Trung ương trên địa bàn có trụ sở dôi dư, có thể bố trí nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng chung 1 cơ sở nhà, đất để bảo đảm tận dụng tối đa cơ sở vật chất, trụ sở, cơ sở hoạt động sự nghiệp sẵn có trên địa bàn. Rà soát, chuẩn bị nhà ở công vụ cho cán bộ ở tỉnh Quảng Trị hiện nay ra công tác tại Đồng Hới.

Đối với các trụ sở, cơ sở hoạt động sự nghiệp dôi dư sau khi đã bố trí, sắp xếp được thực hiện theo hình thức xử lý tài sản theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công; trong đó, ưu tiên chuyển đổi công năng để làm cơ sở y tế, giáo dục, sử dụng cho các mục đích cộng đồng của địa phương (thư viện, công viên, thiết chế văn hóa, thể thao...).

- Thống nhất mô hình tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, cấp xã và rà soát số lượng biên chế cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc khối chính quyền để sau khi có Nghị quyết của cấp có thẩm quyền về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã bố trí công tác phù hợp.

- Chuẩn bị nội dung, cơ sở vật chất, điều kiện bảo đảm để tổ chức công bố thành lập tỉnh Quảng Trị sau hợp nhất, sáp nhập.

(4) Giao Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh Quảng Bình chủ trì, phối hợp với Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị tương đồng thuộc tỉnh Quảng Trị để xây dựng phương án sáp nhập, hợp nhất các cơ quan; đồng thời, có phương án bố trí trụ sở làm việc, cơ sở vật chất, trang thiết bị, bảo đảm hoạt động các cơ quan sau hợp nhất được thông suốt, không gián đoạn. Căn cứ tình hình thực tiễn, yêu cầu nhiệm vụ của bộ máy chính quyền mới sau khi hợp nhất, trong trường hợp cần thiết, một số cơ quan, đơn vị có thể nghiên cứu bố trí một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc tại trụ sở hành chính của tỉnh Quảng Trị hiện nay nhằm bảo đảm hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Riêng đối với Sở Ngoại vụ, giao Sở Ngoại vụ tỉnh Quảng Trị chủ trì, phối hợp Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình xây dựng phương án. Các cơ quan, đơn vị báo cáo Ban Chỉ đạo cho ý kiến (Khối Đảng qua Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Bình, khối Chính quyền qua Sở Nội vụ Quảng Bình tổng hợp, báo cáo) trước ngày 1/8/2025.

(5) Ban Thường vụ Tỉnh ủy hai tỉnh tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo rà soát đội ngũ cán bộ; tổng hợp nhu cầu và động viên cán bộ còn tuổi công tác dưới 5 năm nghỉ công tác, nghỉ hưu trước tuổi; hết sức tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, viên chức nghỉ công tác, nghỉ hưu trước tuổi theo nguyện vọng cá nhân (nếu đủ điều kiện theo quy định); nhằm bảo đảm quyền lợi, thực hiện tốt chế độ, chính sách của cán bộ, công chức, viên chức.

(6) Về công tác chuẩn bị Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị (mới) nhiệm kỳ 2025-2030: Nhiệm vụ quan trọng nhất, cấp thiết cần khẩn trương thực hiện ngay là công tác xây dựng Văn kiện chuẩn bị Đại hội Đảng bộ tỉnh sau sáp nhập; do đó, để kịp tiến độ xây dựng Văn kiện trình Đại hội (hoàn thành dự thảo trước 30/6/2025); giao Tổ Giúp việc Ban Chỉ đạo về xây dựng Văn kiện Đại hội khẩn trương triển khai các công việc liên quan; trong đó, về Báo cáo chính trị cần tập trung vào hai phần trọng tâm, gồm đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ 2020-2025 và xây dựng phương hướng, mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện trong nhiệm kỳ 2025 - 2030 theo từng nhóm lĩnh vực: Kinh tế-xã hội; quốc phòng-an ninh, đối ngoại; công tác xây dựng Đảng, Mặt trận, đoàn thể... Về hình thức, Báo cáo chính trị cần ngắn gọn, súc tích, cô đọng, xác định rõ mục tiêu, giải pháp cần triển khai thực hiện sau khi hợp nhất, sáp nhập; dung lượng phù hợp.

Trên đây là Thông báo kết luận Hội nghị lần thứ nhất, Ban Chỉ đạo Hợp nhất, sáp nhập đơn vị hành chính tỉnh Quảng Bình và tỉnh Quảng Trị thông báo để các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan biết, thực hiện.

Nguồn tin: Báo Quảng Bình

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP