Pháp luật

Hàng loạt đại án ngân hàng chuẩn bị đưa ra xét xử

Hàng loạt vụ việc, vụ án kinh tế phức tạp với số tiền thiệt hại lớn chuẩn bị được cơ quan tố tụng truy tố và đưa ra xét xử.

Vụ cố ý làm trái tại ngân hàng Nam Việt

Ngày mai (28/2), TAND TPHCM sẽ xét xử sơ thẩm vụ án cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Ngân hàng TMCP Nam Việt (Navibank). 10 bị can bị đưa ra xét xử gồm Lê Quang Trí (nguyên Tổng giám đốc Nam Việt) cùng 9 đồng phạm khác đều nguyên là lãnh đạo Navibank.

Theo cáo trạng, từ ngày 19/11/2010 – 27/5/2011, dưới sự chủ trì của Trí, các thành viên Hội đồng tín dụng của Navibank đã chấp thuận chủ trương để các nhân viên Navibank đứng tên hợp đồng vay hơn 1.500 tỉ đồng của chính Navibank đem gửi vào VietinBank chi nhánh Nhà Bè và chi nhánh TPHCM.

Cơ quan điều tra nhận định việc các bị can nguyên là lãnh đạo, cán bộ Navibank gửi tiền vào VietinBank vi phạm các quy định pháp luật, tạo điều kiện để Huỳnh Thị Huyền Như (nhân viên Vietinbank) chiếm đoạt 200 tỉ đồng.

Hứa Thị Phấn chiếm đoạt 12.000 tỉ đồng

Ngày 27/2, Viện KSND Tối cao cho biết đang nghiên cứu cáo trạng truy tố bị can Hứa Thị Phấn (sinh năm 1947, nguyên cố vấn cao cấp HĐQT Ngân hàng Đại Tín - TrustBank) về 2 tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Ngoài ra, nhiều nhân viên dưới quyền của Hứa Thị Phấn cũng bị truy tố trong vụ án này.

Hứa Thị Phấn bị cáo buộc chiếm 12.000 tỉ đồng.

Theo hồ sơ vụ án, lợi dụng việc nắm giữ 84,92% vốn điều lệ TrustBank, bà Phấn đã lũng đoạn mọi hoạt động đầu tư, hoạt động tín dụng và thu chi tiền mặt, cố ý làm trái Luật Kế toán, Luật Các Tổ chức tín dụng và Điều lệ TrustBank… Từ đó, bà Hứa Thị Phấn đã rút ruột, chiếm đoạt và sử dụng 12.005 tỉ đồng của TrustBank.

Vụ cố ý làm trái 450 tỉ đồng tại ngân hàng MHB

Cơ quan điều tra đang điều tra bổ sung đối với vụ án gây thiệt hại 450 tỉ đồng xảy ra tại ngân hàng thương mại cổ phần phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long (MHB).

Theo đó, trong giai đoạn từ năm 2011 - 2014, lợi dụng chức vụ quyền hạn và có động cơ vụ lợi, Huỳnh Nam Dũng và Nguyễn Phước Hòa đã thông qua việc họp Hội đồng quản lý tài sản nợ - tài sản của MHB để thống nhất chủ trương chuyển 4.975 tỉ đồng cho Công ty MHBS với nội dung hợp tác đầu tư trái phiếu Chính phủ.

Bị can Huỳnh Nam Dũng - nguyên Chủ tịch HĐQT ngân hàng MHB.

Thực tế là các bị can chỉ sử dụng số tiề này để đầu tư quay vòng trong nội bộ. Việc môi giới, mua bán trái phiếu quay vòng như trên đã để cho các công ty trung gian và MHBS được hưởng lợi, dẫn đến thiệt hại cho MHB tổng số tiền hơn 349 tỉ đồng.

Ngoài ra, bị can Lữ Thị Thanh Bình trên cương vị là Tổng Giám đốc Công ty MHBS đã có chủ trương mở 3 tài khoản tự doanh để mua bán chứng khoán trái quy định, gây thiệt hại cho MHB hơn 108 tỉ đồng.

Tác giả: Xuân Duy

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP