Nhân ái

Dòng nhật ký đẫm nước mắt của cậu bé ung thư máu

Nỗi đau, sự khắc khoải, những dòng tâm sự nhói lòng của cậu con trai được tuôn ra, in đậm trên những trang giấy học trò. Em mắc phải căn bệnh ung thư máu, gia đình đang ở vào hoàn cảnh bế tắc. Em thương cha, không muốn cha phải buồn thêm vì đã chịu quá nhiều khổ cực để chăm em. Em gửi tâm sự buồn của mình qua những dòng nhật ký.

Dòng nhật ký buồn

Được sự đồng ý của em, chúng tôi xin trích lại một vài đoạn nhật ký em đã viết như sau:

"Ngày 19/4

Hôm nay, trời mưa lòng buồn tan học về, sức khỏe cảm thấy đau nhức, mỏi mệt trong lòng nóng ran bỗng nhiên. Lòng tưởng nhớ về cha già hiện giờ cha có nghĩ đến con không? Chớ con thương cha nhiều lắm cha ơi! Con ước gì bây giờ con khỏe mạnh và có một phép màu nào đó cho con phụ giúp với cha trong lúc gia đình nghèo khổ!

...

Ngày 14/5

Sao hôm nay cảm thấy quá mệt muốn điện cho cha mà không dám điện sợ cha lo rầu mà sanh bệnh. Nghĩ lại lấy tiền đâu mà lo toan cho gia đình. Con yêu cha nhiều lắm… "

Em chỉ biết gửi tâm sự buồn qua dòng nhật ký.

Cậu bé ấy là Dương Trần Tấn Phát (sinh năm 2014 ở khu phố 1, thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành tỉnh Bến Tre). Em đang mang trong mình căn bệnh ung thư máu, rất cần được giúp đỡ.

Tấn Phát mắc bệnh từ khi 5 tuổi. Em đã trải qua một thời gian dài chạy chữa từ năm 2009, đến năm 2012 thì được xuất viện về nhà. Chăm ngoan, học giỏi, Tấn Phát luôn là niềm tự hào của gia đình. Nhiều năm liền, em đứng trong tốp đầu của lớp.

Điều đáng buồn là mới đây, căn bệnh của em lại tái phát. Nhìn thấy những triệu chứng như lần đầu phát bệnh, cơ thể con xanh xao, đầy những vết tím bầm, cha mẹ Phát đau khổ tột cùng. Vội đưa con đến bệnh viện, bác sĩ cho biết, Phát thiếu cả ba dòng máu hồng cầu, tiểu cầu và bạch cầu.

Những dòng nhật ký nguệch ngoạc đến nhói lòng

Giấy chứng nhận hộ nghèo của gia đình

Cha mẹ vất vả mưu sinh

Hai vợ chồng anh Dương Thanh Hùng và chị Trần Thị Nhỏ cư ngụ tại một sạp hàng của ngôi chợ cũ Ba Lai. Trước đây, vợ chồng anh mướn sạp hàng để bán rau mưu sinh. Chợ mới thành lập chợ cũ vắng người, vợ chồng anh không thể bán được hàng nên xin ở tạm.

Khi nghỉ chợ, chị Nhỏ làm bảo mẫu với khoản lương hơn 2 triệu đồng/tháng. Anh Hùng làm bảo vệ lương hơn 3 triệu đồng. Với khoản thu nhập như vậy, anh chị vẫn cố dành dụm trả những món nợ đã vay chữa bệnh cho con trước đó.

Nợ chưa trả xong, Phát tái bệnh, anh Hùng phải nghỉ việc chăm con, gánh nặng cơm áo gạo tiền đổ dồn lên vai người mẹ. Theo liệu trình của bác sĩ, toa thuốc nặng nhất là toa thuốc đầu và toa thuốc cuối. Ở toa đầu ngoài số thuốc nằm trong danh mục bảo hiểm y tế, gia đình phải chi trả lên tới vài chục triệu đồng. Số tiền quá lớn, nguồn thu nhập ít ỏi của họ hiện tại không thể nào đáp ứng đủ.

Cầm tờ giấy khen trên tay, Phát nhớ trường, nhớ lớp đến chảy nước mắt


Chia sẻ với chúng tôi, anh Dương Thanh Hùng nói: “Chúng tôi bế tắc lắm rồi, toàn bộ khu xóm chợ hầu như người nào cũng đã cho tiền cháu rồi. Lần trước chữa bệnh cho cháu gia đình tôi te tua chưa kịp hồi phục, giờ cháu lại tái phát. Cháu nó cũng hiểu rõ hoàn cảnh gia đình nên nhiều khi không dám than với cha. Tôi cứ phải nuốt nước mắt vào trong cố tìm lời động viên cháu. Thật tình tôi cũng không biết phải làm gì lúc này để giúp con. Cháu học giỏi ham học, hôm trước xin bác sĩ về thi đang thi dở mệt quá lại phải quay lại viện”.

Mọi đóng góp có thể gửi về:

Gửi trực tiếp chị Trần Thị Nhỏ, khu phố 1, thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. ĐT: 0168 909 9936

Tác giả: Đức Toàn

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP