Giáo dục

Đổi mới giáo dục: Đừng để giáo viên luôn nơm nớp lo “cháy” giáo án

Các phương pháp dạy học, kỹ thuật dạy học tiên tiến của thế giới đã được cập nhật để áp dụng nhưng nếu giáo viên làm đúng phương pháp như thế thì.. “cháy” giáo án nên họ không làm!

Có phương pháp, kỹ thuật mới nhưng không mặn mà…

Thực trạng này được PGS.TS Nguyễn Xuân Thành - Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT đưa ra tại Hội thảo Khoa học Việt Nam – Anh Quốc: “Đổi mới giáo dục tại Việt Nam và khu vực châu Á - chia sẻ kinh nghiệm và các bài học thực tiễn” do Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Trường Đại học Giáo dục - ĐHQGHN và Đại học Glasgow (Anh Quốc) phối hợp tổ chức hôm 29/6 tại Hà Nội.

Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Nguyễn Xuân Thành cho rằng, trong quá trình đổi mới giáo dục, Việt Nam đã nhanh chóng tiếp cận, vận dụng các phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực, tiên tiến nhất trên thế giới nhưng câu hỏi cần được trả lời là “vì sao việc áp dụng vẫn chưa đạt mục tiêu mong muốn về chất lượng?”

doimoigiaoducdungdegiaovienluonnomnoplochaygiaoan
PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Ông Thành nhận định, chúng ta có vận dụng phương pháp kỹ thuật, hình thức giáo dục mới nhưng dường như tất cả các nhà trường lại thường đặt mục tiêu “chiếm lĩnh trang sách” nhiều hơn ứng dụng thực tế.

Mục tiêu về thành tích, điểm số dẫn đến hệ quả, thời gian dành cho đào tạo khả năng ứng dụng chưa được chú trọng, có áp dụng kỹ thuật mới nhưng chưa vận dụng thì kỹ năng kém, dẫn đến năng lực kém.

Vậy điều gì làm cho giáo viên không vận dụng được các phương pháp giảng dạy, kỹ thuật giảng dạy, công nghệ mới vào các tiết học hàng ngày một cách thường xuyên? Liệu có phải vì chương trình giáo dục của Việt Nam nặng về kiến thức và “ngốn” quá nhiều thời gian?

Có 20 năm công tác tại trường Đại học Sư Phạm Hà Nội trong mảng đào tạo giáo viên, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Nguyễn Xuân Thành cho rằng, nếu so sánh chương trình giáo dục phổ thông trong SGK với các nước trên thế giới thì chương trình của Việt Nam không nhiều, thậm chí ít hơn ở chỗ “cập nhật chậm”.

“Nặng” ở đây là nặng do cách sắp xếp và cách chuyển tải. Chẳng hạn, kiến thức trong sách giáo khoa còn chồng chéo về cấu trúc môn học, có khi trùng nhau giữa 3-4 môn trong cùng bậc học. Về cách chuyển tải (phương pháp và hình thức dạy học) thì rõ ràng, hình thức dạy học của chúng ta chưa hiện đại.

“Chúng ta đã trang bị cho giáo viên về phương pháp dạy học hiện đại, kỹ thuật dạy học tích cực nhưng thực tế các giáo viên áp dụng sử dụng chưa nhiều… Chỉ khi nào thao giảng, thi giáo viên giỏi, dự giờ… thì giáo viên mới áp dụng các phương pháp giảng dạy mới, còn bình thường thì gần như không áp dụng”, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành nhấn mạnh.

Đồng quan điểm với PGS. TS Nguyễn Xuân Thành, GS.TS Trần Công Phong (Viện trưởng Viện khoa học Giáo dục Việt Nam) đề xuất, ngay khi chúng ta chưa có chương trình đổi mới giáo dục toàn diện phải tìm cách “gỡ”. Đó là giảm tải chương trình qua rà soát cách sắp xếp kiến thức. Chẳng hạn, kiến thức về điện phân có ở cả môn Vật lý, Hóa học, Công nghệ thì nên giảm tải, chỉ dạy trong một môn.

“Muốn đổi mới giáo dục toàn diện, phải làm cho thời gian vật chất của người thầy trở nên chủ động hơn, đừng để giáo viên lúc nào cũng nơm nớp lo hết giờ rồi, “cháy” giáo án đến nơi rồi! Có thể hình dung điều này như việc giáo viên giao nhiệm vụ cho trẻ và đặt ra thời gian 3 phút phải hoàn thành trong khi chưa biết chúng có hiểu được vấn đề hay không… Nếu áp lực thời gian quá lớn như vậy thì các kỹ năng đặt câu hỏi, phát hiện vấn đề mới, hướng dẫn – hỗ trợ học sinh tiếp cận phương pháp, kỹ thuật, công mới mới gần như không có”, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học khẳng định.

PGS.TS Nguyễn Xuân Thành cho rằng, giáo viên cần được sáng tạo hơn trong vận dụng các phương pháp dạy học tiên tiến, muốn vậy cần có quỹ thời gian nhiều hơn và được tự chủ hơn trong tiết dạy của mình: “Trong 1 tiết học có thể chỉ thực hiện 1-2 hoạt động thì mới phù hợp hình thức dạy học mà các nước tiên tiến áp dụng và đem lại chất lượng”.

Nói về một trong những động lực giúp giáo viên hứng thú với đổi mới giáo dục phổ thông, GS. Clive Dimmock (Trường ĐH Glasgow) cũng khẳng định: “Trao quyền nhiều hơn cho giáo viên, có nghĩa họ được thực sự làm chủ những nội dung giảng dạy. Khi được trao quyền họ có khả năng kiểm soát tốt hơn và gắn bó, say mê hơn với vấn đề họ làm”.

doimoigiaoducdungdegiaovienluonnomnoplochaygiaoan2
GS.TS Trần Công Phong – Viện trưởng Viện khoa học Giáo dục Việt Nam.

Tỷ lệ giáo viên có trình độ đào tạo trên chuẩn cao nhưng…

Trình bày báo cáo “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông – Kết quả ban đầu và những nhiệm vụ đặt ra trong thời gian” tại hội thảo, GS.TS Trần Công Phong – Viện trưởng Viện khoa học Giáo dục Việt Nam nhấn mạnh rằng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên phổ thông là thách thức lớn.

Thách thức ở chỗ: Năng lực giáo viên phổ thông chưa đồng đều; năng lực một bộ phận giáo viên còn hạn chế; cơ cấu giáo viên theo môn học chưa hợp lý; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên chưa kịp đáp ứng đổi mới…

GS.TS Trần Công Phong đặt vấn đề: Tại sao tỉ lệ giáo viên bậc phổ thông đạt và trên chuẩn đều khá cao, đều cao nhưng chất lượng giáo dục lại chưa được xã hội thừa nhận? Tại sao nền giáo dục vẫn còn nhiều câu hỏi bức xúc đến thế? Tại sao mỗi năm các phụ huynh Việt chi tới 3 tỉ đô la Mỹ cho con em ra nước ngoài học tập?...

Để giải quyết những câu hỏi còn “bỏ ngỏ” về chất lượng giáo viên, GS.TS Trần Công Phong cho rằng, ở góc độ quản lý, Nhà nước phải ban hành chuẩn nghề nghiệp của giáo viên. Cùng với đó là chương trình đào tạo và bồi dưỡng giáo viên phổ thông phù hợp, kết hợp giải quyết đồng thời các bài toán về quản lý, tuyển dụng giáo viên, đảm bảo đãi ngộ…

“Để thực hiện đổi mới, chúng ta phải xem xét lại quy định về chuẩn đánh giá năng lực giáo viên. Phải hướng đến hình thành khung năng lực nghề nghiệp giáo viên”, GS.TS Trần Công Phong đề xuất.

Tác giả bài viết: Lệ Thu

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP