Du lịch

Độc đáo Lễ hội Bài chòi Quảng Bình

Lễ hội Bài Chòi là tổng hòa các bộ môn nghệ thuật thơ ca, hò, vè... gắn với đời sống xưa, nay được tái hiện đưa vào biểu diễn ở Tuần Văn hóa-Du lịch Đồng Hới hấp dẫn du khách.

Lễ hội Bài chòi được tổ chức ở Phố đi bộ, thành phố Đồng Hới.


Bài chòi là loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian đặc sắc mang đậm tính nhân văn gắn bó với cư dân Quảng Bình nói riêng và mảnh đất miền Trung nói chung. Lịch sử ra đời và phát triển của Bài chòi đến nay vẫn chưa có lời giải. Trong đó, giả thuyết xuất phát từ đời sống lao động, khi trai làng canh giữ hoa màu trên chòi gác đã nghĩ ra cách giao lưu với nhau bằng những câu hát, câu hò.

Còn theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, Bài chòi có lịch sử hình thành và phát triển gắn với quá trình xây dựng, mở rộng cương vực lãnh thổ của các chúa Nguyễn về phương Nam, các chòi chơi hiện nay là cách tân, biến tấu từ chòi lính mà thành.

Nghệ nhân biểu diễn tài tình, sáng tạo khi kết hợp các điệu dân ca, hò, vè...


Trong Tuần Văn hóa – Du lịch Đồng Hới, Lễ hội Bài chòi “xuống phố” tại phố đi bộ (đường Phan Bội Châu, phường Đồng Mỹ, thành phố Đồng Hới) được tổ chức vào các đêm 22/4 - 23/4 và 28/4 -1/5 đã làm du khách thích thú, tò mò tìm hiểu.

Sân khấu Lễ hội Bài chòi được bố tí gồm 2 dãy chòi, mỗi bên bố trí 5 chòi chứa từ 3 đến 5 người chơi. Bài chòi sử dụng nguyên bộ bài tới bao gồm 30 con. Trong đó lại được chia ra thành 3 pho khác nhau, mỗi pho có sẵn 9 con bài cùng 1 con bài Yêu.

Người chơi ngồi trong các chòi rất thích thú.


Một điểm đặc sắc chỉ có trong Lễ hội Bài chòi Quảng Bình chính là sự xuất hiện của con bài mang tên Nhọn mỏ. Để giới thiệu được con bài này, nghệ nhân độc diễn trong lễ hội phải rất cẩn thận, khéo léo trong việc hô các câu vè hay. Nhờ đó mà người dân tham gia có thêm cơ hội được xem những màn hát hò vô cùng nghệ thuật trong suốt thời gian diễn ra Lễ hội Bài chòi Quảng Bình.

Anh Võ Văn Bắc ở huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh thích thú “đây là lần đầu tôi được xem diễn xướng Lễ hội Bài chòi. Các nghệ nhân biểu diễn vận dụng các câu ca, làn điệu, tục ngữ, vè…rất hay và linh hoạt”.

Người chơi lắng nghe lời hát có trùng với quân bài của chòi mình cầm không.


Cách bài trí chòi, không gian trình diễn nghệ thuật của lễ hội cũng phần nào thể hiện được nét đặc trưng trong văn hóa, tín ngưỡng của phong tục địa phương. Lễ hội Bài chòi Quảng Bình còn có nét độc đáo trong việc kết hợp các loại hình nghệ thuật khác nhau của các nghệ nhân tham gia lễ hội một cách tài tình, sáng tạo.

Tác giả: Thanh Hà

Nguồn tin: Báo Đại Đoàn Kết

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP