Giáo dục

Dạy học 2 buổi/ngày sao cho hiệu quả?

Khẳng định lợi ích của dạy học 2 buổi/ngày với nâng cao chất lượng giáo dục, các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục cũng nhận diện khó khăn, thách thức...

Học sinh Trường THCS Trần Quốc Toản 1 (TP Thủ Đức, TPHCM). Ảnh minh họa: INT

Từ đó đưa giải pháp, đề xuất nhằm triển khai chủ trương này một cách hiệu quả.

Chuẩn bị chu đáo điều kiện

Ông Phùng Quốc Lập - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ cho biết, địa phương đã triển khai dạy học 2 buổi/ngày tại 100% cơ sở giáo dục tiểu học. Với THCS, Phú Thọ bắt đầu thí điểm dạy học 2 buổi/ngày từ học kỳ II năm học 2024 - 2025 với 30 trên tổng số 248 trường.

“Tổng Bí thư Tô Lâm đã thống nhất chủ trương các trường tiểu học, THCS tổ chức dạy học 2 buổi/ngày tuỳ theo điều kiện từng địa phương về cơ sở vật chất, tài chính và giáo viên; có lộ trình thực hiện từng bước chủ trương này, trong đó cần kết hợp Nhà nước đầu tư là chính với khuyến khích xã hội hoá.

Việc dạy học 2 buổi/ngày bảo đảm không thu phí và giảm áp lực với học sinh, tăng cường dạy học về văn hoá, nghệ thuật bảo đảm cho người học phát triển toàn diện. Tôi cho rằng, đây là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, thể hiện sự quan tâm đối với giáo dục, đào tạo và người dân; tạo điều kiện cho ngành Giáo dục nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện”.

Đưa ra nhận định này, ông Phùng Quốc Lập cũng cho rằng, để thực hiện hiệu quả, cần chuẩn bị chu đáo các điều kiện đáp ứng việc dạy 2 buổi/ngày, cụ thể như: Chương trình, đội ngũ, cơ sở vật chất, thiết bị,... Cùng đó là công tác truyền thông, nâng cao nhận thức nhằm tạo sự đồng thuận trong xã hội, nhân dân.

Chỉ ra những lợi ích của dạy học 2 buổi/ngày, Giám đốc Sở GD&ĐT TP Huế Nguyễn Tân cho rằng, điều này tạo điều kiện để các nhà trường giảm thời lượng số tiết/1 buổi, từ đó giảm áp lực học tập cho học sinh.

Nhà trường cũng có quỹ thời gian tổ chức nhiều hình thức câu lạc bộ, giáo dục kỹ năng, ngoại khóa... tạo môi trường cho học trò rèn luyện kỹ năng, phát huy năng lực trong môi trường giáo dục lành mạnh, góp phần khắc phục tiêu cực dạy thêm, học thêm. Cùng đó, học sinh có thể đồng bộ được nghỉ ngày thứ Bảy; thời gian này, giáo viên thực hiện các nhiệm vụ bồi dưỡng chuyên môn, sinh hoạt chuyên đề...

“TP Huế đã triển khai dạy học 2 buổi/ngày với 100% trường tiểu học. Với THCS, THPT, vì điều kiện cơ sở vật chất nên việc triển khai ở mức độ vừa phải (buổi 2 nếu có thường dành cho hoạt động câu lạc bộ, hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm, bồi dưỡng…).

Một số trường có điều kiện như Trường THPT chuyên Quốc học, Trường THPT Hai Bà Trưng, Trường THCS Nguyễn Tri Phương… triển khai rất hiệu quả. Mỗi trường có trên 15 câu lạc bộ; thu hút học sinh đến sinh hoạt tại trường và tự học tại thư viện”, ông Nguyễn Tân cho hay.

Về khó khăn trong triển khai, Giám đốc Sở GD&ĐT TP Huế nhấn mạnh trước hết đến điều kiện cơ sở vật chất. Nhiều trường còn thiếu phòng học, nhà đa chức năng, phòng chuyên môn dùng chung... để học sinh thực hiện, thực hành các hình thức biểu diễn, trải nghiệm, hoạt động cộng đồng...

Bởi vậy, để triển khai dạy học 2 buổi/ngày, tất yếu cần tăng đầu tư cho giáo dục; đồng thời tính toán lại quy định thời gian làm việc của giáo viên, xác định định mức kinh tế kỹ thuật để tính toán và quy đổi. Nơi thuận lợi khuyến khích huy động thêm một phần nguồn lực xã hội hóa hoá. Nơi khó khăn thì Nhà nước bao cấp và có thể chỉ sử dụng nguồn lực tại chỗ với các hoạt động mức độ vừa đủ.

“Tại Thông báo kết luận số 177-TB/VPTW ngày 25/4/2025, Tổng Bí thư giao Đảng uỷ Chính phủ chỉ đạo Bộ GD&ĐT, các bộ, ngành, địa phương chuẩn bị đầy đủ điều kiện về cơ sở vật chất, giáo viên, nội dung chương trình dạy học, hoạt động giáo dục để các trường tiểu học, THCS dạy học 2 buổi/ngày, ưu tiên chuyển đổi cơ sở vật chất dôi dư làm trường học bảo đảm nâng cao chất lượng giáo dục...

Tôi vẫn băn khoăn vấn đề thu hút với giáo viên vùng khó. Có thực trạng nhiều giáo viên sau ít năm công tác vùng cao, sâu, có nguyện vọng chuyển về dạy học ở vùng thuận lợi. Điều này ảnh hưởng nhiều đến duy trì kết quả phát triển chất lượng giáo dục.

Để rút ngắn khoảng cách chất lượng giữa các vùng cần chính sách để giải quyết điều này. Trong đó, giải pháp tỉnh hướng đến là tạo cơ hội phát triển vùng, nâng cao đời sống của người dân. Đây cũng là giải pháp giữ chân giáo viên cần được sự quan tâm đặc biệt bên cạnh chính sách hỗ trợ truyền thống”, ông Nguyễn Tân chia sẻ.

Học sinh Trường Tiểu học & THCS A Xing (Hướng Hóa, Quảng Trị). Ảnh: NTCC

Dạy học 2 buổi/ngày thế nào?

Nêu quan điểm từ thực tiễn cơ sở, ông Nguyễn Mai Trọng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học & THCS A Xing (Hướng Hóa, Quảng Trị) cho rằng, nếu dạy học 2 buổi/ngày, buổi sáng các nhà trường dành thời gian dạy chương trình chính khóa (các môn học bắt buộc theo khung chương trình). Buổi chiều tập trung ôn tập, củng cố kiến thức; dạy kỹ năng sống, ngoại ngữ, tin học, nghệ thuật, thể dục thể thao; tổ chức câu lạc bộ theo sở thích và tăng cường thời gian cho học sinh yếu.

Tất nhiên, triển khai được điều này chắc chắn phải đầu tư cơ sở vật chất cho các trường. Cụ thể, cần sự hỗ trợ từ Nhà nước và xã hội hóa để nâng cấp phòng học, khu bán trú, thiết bị học tập. Cùng đó là chính sách hỗ trợ giáo viên, cụ thể là có chế độ phụ cấp hợp lý cho giáo viên dạy 2 buổi/ngày. Đồng thời, phải xây dựng khung chương trình linh hoạt, cho phép trường chủ động trong thiết kế nội dung buổi chiều phù hợp thực tiễn. Việc tổ chức kiểm tra, đánh giá định kỳ đảm bảo chất lượng, tránh hình thức, chú trọng hiệu quả thực tế.

PGS.TS Nguyễn Xuân Thành - Hiệu trưởng Trường Bồi dưỡng cán bộ giáo dục Hà Nội chia sẻ: Dạy học 2 buổi/ngày nên được hiểu là học cả ngày ở trường (full day school). Theo đúng nghĩa này, không gian của trường học dành cả ngày cho học sinh để vừa học văn hóa, vừa phát triển kỹ năng, thể chất toàn diện. Điều này có nghĩa ngoài học văn hóa, học sinh còn được tham gia các hoạt động giáo dục, trải nghiệm trong chính không gian nhà trường.

Đối với các trường có đủ 1 phòng học/lớp, tổ chức dạy học cả ngày ở trường có thể thực hiện thuận lợi. Tuy nhiên, không nên sử dụng phòng học này chỉ để dạy học các môn học, mà cần dành không gian kết hợp với việc sử dụng thư viện, phòng thí nghiệm, thực hành, phòng đa năng, sân chơi, bãi tập, vườn trường… cho học sinh tự học, hoàn thiện, chia sẻ các sản phẩm đã thực hành, trải nghiệm; hoặc tổ chức hoạt động khác mà giáo viên giao (hoạt động vận dụng sau mỗi bài học, một số bài học trong chương trình môn học).

Việc xếp thời khoá biểu dạy học theo chương trình các môn học cũng cần “nới rộng” hơn cả buổi sáng và buổi chiều, xen kẽ dành thời gian cho học sinh tự thực hiện các nhiệm vụ học tập/giáo dục. Như vậy, vừa giảm áp lực cho giáo viên, học sinh, vừa có điều kiện khai thác, sử dụng hiệu quả hơn đội ngũ giáo viên nhà trường.

Nếu trường chưa đủ mỗi lớp có 1 phòng học sẽ khó có thể tổ chức cho học sinh học cả ngày ở trường. Tuy nhiên, những trường này vẫn có thể khai thác cơ sở vật chất khác như thư viện, phòng thí nghiệm, thực hành, phòng đa năng, sân chơi, bãi tập, vườn trường… để tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài lớp học để phát triển toàn diện cho học sinh. - PGS.TS Nguyễn Xuân Thành

Tác giả: Hiếu Nguyễn

Nguồn tin: giaoducthoidai.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP