Giáo dục

Dạy 2 buổi/ngày bậc THCS, THPT: Nơi bảo dễ, nơi than khó

Khảo sát của Bộ GD-ĐT cho thấy, hiện toàn quốc có trên 60% trường THCS và 80% trường THPT đủ điều kiện dạy học 2 buổi/ngày. Nhiều trường hiện thiếu cả giáo viên lẫn phòng học để có thể tổ chức dạy học cả ngày.

Tại buổi kiểm tra, khảo sát của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) về tình hình triển khai thực hiện học bạ số, xây dựng học liệu số và tổ chức dạy học 2 buổi/ngày đối với giáo dục phổ thông tại TP HCM; ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Giáo dục Phổ thông cho biết: Hiện bậc tiểu học đã bắt buộc dạy 2 buổi/ngày, THCS và THPT hướng tới dạy học 2 buổi/ngày. Tới đây, Bộ GD-ĐT sẽ sửa đổi, yêu cầu THCS, THPT cũng bắt buộc phải dạy 2 buổi/ngày.

Thông tin này ngay lập tức thu hút sự quan tâm, bày tỏ ý kiến của dư luận xã hội với nhiều luồng ý kiến, quan điểm khác nhau.

Một giờ học STEAM của học sinh trường THPT Đức Hợp (Ảnh: NVCC)

Tại trường THPT Đức Hợp (Hưng Yên), ngay sau khi GD-ĐT triển khai Thông tư 29 về quản lý dạy thêm, học thêm, trường tổ chức họp hội đồng sư phạm để bàn triển khai dạy học 2 buổi/ngày.

Ông Hà Quang Vinh, Hiệu trưởng trường THPT Đức Hợp cho biết, về cơ bản nhà trường không gặp nhiều khó khăn nếu tổ chức học 2 buổi/ngày vì cơ bản đảm bảo đủ mỗi lớp/phòng học; đủ đội ngũ giáo viên, các phòng chức năng...

"Nếu triển khai tổ chức dạy 2 buổi/ngày một số tiết học buổi sáng được chuyển sang buổi chiều, giảm áp lực học sinh phải học đến 5 tiết. Bên cạnh đó nhà trường có điều kiện tổ chức các hoạt động giáo dục theo nhu cầu của học sinh", ông Vinh thông tin thêm.

Mặc dù đủ điều kiện nhưng do đang ở thời điểm cuối năm học nên sau khi cân nhắc, trường THPT Đức Hợp quyết định lùi việc triển khai dạy học 2 buổi/ngày sang năm học mới 2025-2026 để có thêm thời gian xây dựng chương trình.

"Nếu lấy ý kiến chắc chắn phụ huynh sẽ đồng tình, ủng hộ phương án tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Bởi từ khi Bộ GD-ĐT ban hành quy định không tổ chức dạy thêm trong nhà trường phụ huynh rất lo lắng. Đặc biệt trên địa bàn huyện, nhiều gia đình đi làm ăn xa không có điều kiện để quản lý con dẫn đến các em dễ sa đà chơi game, xem tivi, lạm dụng sử dụng mạng xã hội... nếu tổ chức dạy học 2 buổi/ngày việc quản lý học sinh sẽ tốt hơn", Hà Quang Vinh chia sẻ.

3 khó khăn nếu triển khai dạy học 2 buổi/ngày bậc THCS, THPT

Theo khảo sát của Bộ GD-ĐT hiện toàn quốc mới có trên 60% số trường THCS đủ điều kiện tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Trong khi đó tỉ lệ này ở bậc THPT là 80%. Nhiều trường THCS, THPT chưa đủ cả điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên để sẵn sàng tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.

Ông Hồ Tuấn Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Quỳnh Phương (Hoàng Mai, Nghệ An) cho rằng, chủ trương tổ chức dạy học 2 buổi/ngày đối với bậc THCS, THPT là đúng đắn, phù hợp xu hướng giáo dục thế giới nhưng nếu triển khai ngay sẽ có nhiều khó khăn, thách thức.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng (Ảnh: Quang Phúc)

Liên hệ trực tiếp với trường THCS Quỳnh Phương, ông Hồ Tuấn Anh cho biết hiện nhà trường có 34 lớp (mỗi lớp 45 học sinh trở lên) nhưng chỉ có 17 phòng học. Trường phải tổ chức dạy học 2 ca, một nửa số lớp học buổi sáng và một nửa số lớp còn lại học buổi chiều.

"Nếu triển khai dạy học 2 buổi/ngày theo ý tưởng của Bộ thì đối với nhà trường thực sự lực bất tòng tâm", ông Hồ Tuấn Anh nhấn mạnh.

Bên cạnh việc thiếu cơ sở vật chất, phòng học, Hiệu trưởng Trường THCS Quỳnh Phương (Hoàng Mai, Nghệ An) cho biết, trường còn gặp thách thức lớn về đội ngũ giáo viên. Hiện biên chế giáo viên phân bổ cho nhà trường mới chỉ đạt 1,55 giáo viên/lớp trong khi đó quy định của Bộ GD-ĐT là 1,9 giáo viên/lớp.

Định mức số tiết dạy/tuần của giáo viên bậc THCS theo quy định của Bộ GD-ĐT là 19 tiết/tuần nhưng theo ông Hồ Tuấn Anh nhiều giáo viên trường THCS Quỳnh Phương hiện đã dạy 21-22 tiết/tuần. Nếu tổ chức dạy học 2 buổi/tuần mà không đủ giáo viên sẽ nảy sinh vấn đề vượt số tiết dạy chuẩn từ đó kéo theo việc chi trả tiền vượt giờ, đảm bảo sức khỏe cho người lao động.

Điều khiến ông Hồ Tuấn Anh băn khoăn nhất là việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày thì chương trình dạy học buổi 2 như thế nào? Theo gợi ý của đại diện Bộ GD-ĐT có thể tổ chức các hoạt động STEAM, dạy tiếng nước ngoài với người bản ngữ, dạy kỹ năng sống... nhưng các nội dung này không có trong chương trình môn học giáo dục phổ thông 2018.

"Nếu tổ chức các hoạt động này rất dễ mở đường cho việc liên kết với các tổ chức, doanh nghiệp bên ngoài nhà trường. Lúc đó sẽ nảy sinh việc thu phí và như vậy có tạo thêm gánh nặng cho phụ huynh?", ông Hồ Tuấn Anh đặt câu hỏi.

Hiệu trưởng một trường THCS trên địa bàn TP. Hà Nội cũng đặt câu hỏi băn khoăn, bên cạnh các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên thì nhà trường cũng gặp khó khăn về việc xây dựng chương trình dạy học 2 buổi/ngày.

"Bộ GD-ĐT cần phải có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng hơn về chương trình dạy học 2 buổi/ngày như thế nào? Nhà trường có được phép thu học phí buổi 2 hay không và nếu thu thì liệu có vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm trong nhà trường theo Thông tư 29?", vị Hiệu trưởng này đặt câu hỏi.

Tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 3 của Chính phủ, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết, Bộ GD-ĐT đang tổ chức rà soát, đánh giá lại hoạt động dạy học 2 buổi/ngày ở cấp THCS và THPT, trên cơ sở đó có hướng dẫn chung toàn quốc, thực hiện với từng cấp học.

Mục tiêu dạy học 2 buổi/ ngày để bảo đảm tổ chức chương trình giáo dục phổ thông, giảm áp lực cho học sinh và tổ chức bài bản việc dạy học cũng như các hoạt động giáo dục khác.

Quan điểm của Bộ là nâng cao chất lượng chính khóa, bảo đảm mục tiêu giáo dục các cấp học đề ra. Đặc biệt, buổi học 2 phải trên tinh thần tự nguyện của học sinh và phụ huynh học sinh, vì học sinh THCS, THPT có nhu cầu khác nhau.

"Đến thời điểm này, lãnh đạo Bộ GD-ĐT đang chỉ đạo khảo sát nghiên cứu, chưa có tuyên bố là THCS, THPT tới đây bắt buộc phải học buổi 2. Chúng tôi theo Chương trình giáo dục phổ thông là khuyến cáo những nơi có điều kiện thì tổ chức nhưng bảo đảm nguyên tắc, yêu cầu, mục tiêu và Bộ sẽ sớm có văn bản hướng dẫn chỉ đạo. Còn trong quá trình khảo sát đánh giá, có yêu cầu tới đây THCS, THPT bắt buộc học 2 buổi/ngày thì có lẽ chưa phù hợp", Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho rằng, để tổ chức tốt hoạt động dạy học 2 buổi/ngày, phải hội đủ 3 yếu tố, gồm: đủ cơ sở vật chất, đủ số lượng giáo viên, có chương trình dạy học và tổ chức đủ các hoạt động trong 2 buổi, phù hợp tâm sinh lý lứa tuổi học sinh.

Tác giả: Bá Duy

Nguồn tin: Báo VOV

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP