Cuộc sống

Đang yên đang lành tự nhiên lại... Tết

Dạo qua mạng xã hội, thỉnh thoảng lại bắt gặp những dòng trạng thái như thế: “Đang yên đàng lành, tự nhiên lại tết”. Hình như càng lớn, người ta càng bớt đi những háo hức mong chờ. Hình như càng ngày mọi người càng có chút e ngại khi tết đến.

Tết

Với nhiều chị em phụ nữ đã làm dâu, nói đến tết là nói đến nỗi ám ảnh bếp núc. Quê tôi ở miền trung, ngày tết chỉ làm một mâm cỗ đón giao thừa, hết tết chỉ làm một mâm cỗ đốt tết. Vậy nên năm đầu tiên làm dâu đất Bắc tôi cảm thấy phong tục đúng là mỗi nơi mỗi khác.

Suốt mấy ngày tết, sáng nào mẹ chồng cũng giục dậy sớm làm mâm cơm cúng, ngày nào cũng như ngày nào. Cỗ cúng xong rồi cả nhà ngồi ăn xong mới chia nhau đi chúc tết họ hàng.

Nhưng như nhà chồng tôi, mỗi ngày làm một mâm cỗ còn đỡ. Như bà chị dâu họ bên nhà chồng tôi mới là nỗi ám ảnh. Mồng một tết năm nào chúng tôi đến chúc tết cũng thấy chị đứng trong bếp. Chị thì ở dưới bếp, chồng chị thì ở trên nhà. Nhà chồng chị có truyền thống, mồng một khách đến nhà là cứ phải ăn cơm. Ai đến là dọn mâm, ai đến là phải ngồi xuống ăn một chút uống một chút mới được. Năm mới, gặp phải gia chủ nhiệt tình, không khách nào nỡ từ chối. Vậy là cả ngày hết đoàn khách này đến đoàn khách khác, mâm này chưa kịp thu dọn thì đã phải lo bày ra mâm khác.

Chị nói, “bảy năm làm dâu, mồng một tết năm nào chị cũng tất bật trong bếp từ sáng đến khuya, đến nỗi cứ nghĩ đến mồng một tết là sợ. Thôi thì cả năm có một ngày, cái lệ nhà chồng như thế thì cũng cố cho xong để mồng hai còn về tết ngoại”. Đúng là mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi nếp. Là tôi nghĩ, ngày tết đến thăm anh em họ hàng mỗi nhà mỗi tý, chúc nhau lời chúc sức khỏe, ngồi hỏi han chuyện trò dăm ba câu, uống chén trà, ăn tý mứt là vui là khỏe. Mỗi lần đến nhà bác, thấy chị tất bật mâm bát, mình ăn vừa thấy phiền vừa thấy ngại. Rồi anh em rượu vào, cà kê có khi mất cả nửa buổi trời. Lúc đang tỉnh táo thì vui, có chút men vào người có khi nói lời thất thố khó nghe.

Tết đến, các cô gái lỡ thì, các chàng trai “quá băm” chưa có vợ thì ám ảnh nhất là về quê phải đối diện với câu hỏi “bao giờ thì lấy chồng/lấy vợ?”. Cô bạn tôi cũng “băm mấy nhát” rồi nhưng chưa chịu gật đầu một ai. Nàng ấy nói nhiều khi cảm giác tết không phải là về nhà để vui vầy sum họp mà là dịp để kiểm điểm và chấn chỉnh tình trạng hôn nhân. Về nhà người nhà hỏi, ra đường hàng xóm hỏi, lên mạng bạn bè hỏi, tựa như tết cũng chẳng có gì đáng nói hơn là chuyện chồng con, tựa như việc mình chưa lấy chồng làm cả thiên hạ thấy bất ổn vậy.

Cứ đến hẹn lại lên, năm nào cũng có tết một lần chứ đâu phải bất thình lình là tết đâu. Vậy mà có nhiều người cứ hối hả vội vàng mỗi khi tết đến. Như thể tết bất ngờ đuổi ở đằng sau. Như thể ngày tháng đang bình yên rồi bỗng nhiên tết về gây xáo trộn. Nào là tết nội tết ngoại, nào là công việc trong ngoài, nào chợ búa sắm sanh rồi thì quà cáp lễ lạt. Nhiều người coi tết là dịp nghỉ ngơi, nhưng với nhiều người tết về thêm những bận rộn mệt mỏi, để đủ đầy trọn vẹn, để không bị trách móc xét nét từ việc nhỏ việc to.

Nhưng nói gì thì nói, tết vẫn là dịp để vui. Không phải bởi người đi làm có thêm tháng lương mười ba để mua áo quần cho lũ nhỏ, không phải bởi những quà cáp, tiệc tùng, mà bởi người đi xa có dịp để trở về nhà, bởi ánh mắt cha mẹ sáng bừng niềm vui ngày những cánh chim bay về tổ, bởi những nhọc nhằn hối hả sẽ được nhường chỗ cho những ấm áp sum vầy, để ai xa sẽ trở về gần, ai gần rồi thì gần nhau thêm chút nữa.

Tết vì thế, không chỉ là niềm háo hức cho lũ nhỏ, không chỉ niềm vui cho người già, Tết là để những người đã cứng cáp trưởng thành cảm giác như mình được quay về thời ấu dại. Còn gì tuyệt vời hơn được bên mẹ cha, bên gia đình, nói cười hân hoan mặc kệ những nỗi buồn đã qua, mặc kệ những buồn lo còn chực chờ phía trước.

Tác giả: Mi Mi

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP