Tin địa phương

Đàn voi kéo gỗ ở rừng Quảng Bình

Những năm 1960-1980, tại các lâm trường ở Quảng Bình có những con voi kéo gỗ đặc biệt, có con mang quân hàm trung úy.

Hiện ở Quảng Bình vẫn còn một chú voi kéo gỗ cuối cùng. Ảnh: Hoàng Táo

Voi kéo gỗ rất hiệu quả

Những năm kháng chiến chống Mỹ, nhằm phục vụ khai thác gỗ ở các cánh rừng miền Tây Quảng Bình, Bộ Lâm nghiệp (cũ) đã cấp voi về các lâm trường nhằm vận chuyển gỗ.

Năm 1963-1964, sáu con voi được chuyển về lâm trường Ba Rền, trong đó con Bạc Nòi được Đoàn 559 tặng cho Quảng Bình. Trong kháng chiến chống Pháp, Bạc Nòi từng phục vụ kéo pháo, vận chuyển đạn dược ở chiến dịch Điện Biên Phủ nên được phong quân hàm trung úy.

Bạc Nòi được cắt cử làm trưởng đoàn voi kéo gỗ. Nó là con đực, có cặp ngà dài khoảng một mét, to, cong vút. Một lần kéo gỗ qua phà Long Đại, nhân viên nhà phà tranh thủ cân voi được 3,5 tấn.

Các chú voi được phân về từng đội sản xuất, cách nhau tầm 10 km ở giữa rừng miền Tây Quảng Bình, được chăm sóc y tế, hưởng các chế độ ăn nghỉ và có người quản voi.

Quản voi Lê Thanh Hà kể voi rất tình cảm, tinh khôn. Ảnh: Hoàng Táo

Ông Lê Thanh Hà, 61 tuổi, làm quản voi ở Lâm trường Ba Rền từ năm 1990 đến 2012 thì nghỉ hưu, kể ở rừng núi, việc mở đường cho xe cơ giới nhiều khi không thể thực hiện, nên voi thường được sử dụng.

Những chú voi có thể kéo gỗ, lao gỗ từ đỉnh dốc xuống khe suối, kéo ra khu vực bằng phẳng, với khối lượng mỗi lần kéo từ 2,5 đến 4,5 m3. Mỗi cây gỗ đường kính trên 0,6 m, dài 4-7 m. Mỗi ngày voi lao động khoảng 6-7 tiếng, buổi chiều thường nghỉ sớm để vào rừng ăn, chủ yếu lá cây trong rừng.

“Bên cạnh sức người, sức máy, sức kéo của gia súc lớn như trâu, thì voi đóng góp rất lớn trong việc hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch”, ông Lê Công Trung, 90 tuổi, trú xã Thuận Đức (TP Đồng Hới, Quảng Bình), nguyên Tổng giám đốc lâm trường Ba Rền, đánh giá.

Voi cũng được dùng trong các trường hợp khẩn cấp như mưa lũ. Năm 1992 lũ to, hai con voi được điều động chở hai tấn gạo vượt lũ cho người dân xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, miền Tây Quảng Bình.

Ông Đặng Văn Tín được hưởng chế độ thương binh do bị voi dẫm nát chân khi áp tải gạo cứu trợ người dân vùng lũ. Ảnh: Hoàng Táo

Áp tải một chú voi đợt này có ông Đặng Văn Tín, nay 78 tuổi, là cán bộ kỹ thuật của lâm trường. Ngồi ở sau cùng lưng voi, khi lên dốc, ông Tín bị ngã rồi bị chân voi chèn lên khiến gãy chân. Sau đợt áp tải, ông Tín nghỉ lao động một năm trời, được hưởng chế độ thương binh loại B do dũng cảm cứu trợ đồng bào.

Ông Tín kể, voi lao động cực kỳ hiệu quả. Khi xuống dốc, voi biết kìm để gỗ không lao đi. Để buổi tối voi không đi xa, các quản voi thường buộc xích chân của nhiều con vào với nhau. “Sáng ra mọi người thấy voi ướt cả mi mắt. Chúng khóc vì không được đi xa, vì muốn trốn kéo gỗ”, ông Tín nói.

Chế độ ăn ngủ, chăm sóc đặc biệt

Ngoài tự kiếm ăn, voi của lâm trường hưởng chế độ một yến gạo mỗi ngày công. Ban đầu, quản tượng Lê Thanh Hà và đồng nghiệp nấu cơm vắt thành cục cho ăn, nhưng sau voi ngán nên cho ăn gạo sống.

Ngoài ra, hàng tháng voi được hưởng 10 kg muối, 20 kg đường, những khi đau ốm thì được cho ăn thêm. Cũng có thời điểm đói ăn, khẩu phần bị giảm, voi ăn cả thịt động vật, cá dưới suối.

Ông Lê Công Trung kể voi rất tinh khôn, mỗi bữa thường dùng vòi để cân thức ăn, nếu thiếu là voi đổ, không đi làm. “Voi đực rất tình cảm với voi cái. Qua suối chảy mạnh, voi đực thường đi ở thượng nguồn che chắn để voi cái đi theo. Voi cái đi nhanh thì nó đi nhanh, đi chậm thì nó cũng chậm theo”, ông Trung kể.

Chăm sóc y tế cho voi thời kỳ này, ông Đoàn Ngọc Thạnh (90 tuổi, trú tiểu khu 6, thị trấn Quán Hàu, huyện Quảng Ninh) bảo voi hay bị đau bụng, ỉa phân nhão màu trắng, bị ung nhọt do xây xát khi chuyển gỗ.

“Voi đau bụng thì nghiền 50-70 viên thuốc với cơm cho ăn, hoặc thả voi nghỉ ngơi vài ngày trong rừng để tự kiếm lá thuốc ăn. Còn ung nhọt bị quanh năm, dùng dùi sắt nung nóng rồi đâm vào cho chảy hết mũ”, ông Thạnh kể.

Hơn 20 năm gắn bó với nghiệp quản voi, ông Hà nói “voi rất tình cảm, mến chủ. Mỗi lần tôi về phép hai ba ngày, voi rất nhớ, chạy lại gần thể hiện tình cảm”, ông Hà nói. Có lần, các công nhân tức nên ném búa vào khiến chân voi sưng lên. Chú voi chờ ông Hà lên rồi dùng vòi chỉ vào chỗ đau, mách lại.

Tuy nhiên, là động vật hoang dã, lại bị ép buộc kéo gỗ, một con voi vào thời kỳ động đực đã giết chết hai người, buộc lâm trường phải xin lệnh tử hình để đảm bảo an toàn cho công nhân.

Tác giả: Hoàng Táo

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP