Thế giới

Cuộc sống tại đại học tư nhân duy nhất ở Triều Tiên

Đại học PUST hoạt động tương tự các ngôi trường khác trên thế giới và đang hy vọng có thể giúp Triều Tiên hòa nhập vào cộng đồng quốc tế.

Các sinh viên tại Đại học Khoa học và Công nghệ Bình Nhưỡng được sử dụng máy tính kết nối internet để phục vụ học tập. Ảnh: Reuters.

Hai trong ba tù nhân người Mỹ được Triều Tiên phóng thích hồi tháng 5 là nhân viên của Đại học Khoa học và Công nghệ Bình Nhưỡng (PUST). Diễn biến này đã mở đường cho hội nghị thượng đỉnh lịch sử giữa lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Donald Trump hôm 12/6, dẫn tới một thỏa thuận chung về phi hạt nhân hóa.

Khi PUST tổ chức lễ trao bằng hồi tháng 3, hiệu trưởng người Mỹ gốc Triều Tiên Yu-Taik Chon không thể có mặt do lệnh cấm của Washington. Giờ đây, nhờ việc hai quốc gia vốn thù địch đang xây dựng lại mối quan hệ, Chon đã nộp đơn cho Bộ Ngoại giao Mỹ và hy vọng có thể sớm trở lại ngôi trường của mình, theo Reuters.

"Những người bị bắt đều đã tự do, không có lý gì để ngăn cản tôi thêm nữa", hiệu trưởng 77 tuổi cho biết. "Những lo ngại về chiến tranh đã biến mất và mối quan hệ giữa hai nước hiện nay hoàn toàn khác so với trước đó".

Dù việc bắt giữ nhân viên PUST không liên quan tới công việc của họ tại trường, sự cố này vẫn thu hút những chú ý không mong muốn. "Mọi người nghĩ rằng trường chúng tôi là nơi nguy hiểm", Chon nói. Đại học này còn chịu một biến cố khác từ lệnh cấm di chuyển hồi tháng 9 năm ngoái, ảnh hưởng tới các nhân viên người Mỹ chiếm hơn một nửa trong số 75 giáo sư.

Thu hẹp khoảng cách

PUST được thành lập và tài trợ chủ yếu bởi các tín đồ Cơ đốc giáo theo phái Phúc Âm dù việc truyền đạo ở Triều Tiên là bất hợp pháp. Các giảng viên tại đây hoạt động phi lợi nhuận và những người theo đạo không được thuyết giảng.

Một nguồn tin từng làm việc tại Bình Nhưỡng cho biết mối quan hệ giữa đại học này với cộng đồng Phúc Âm quốc tế khiến Triều Tiên nghi ngờ và thường xuyên hạn chế hoạt động của nhà trường.

Tuy nhiên, đây lại là nơi giảng dạy cho con cháu của giới tinh hoa tại Triều Tiên. Khoảng 550 sinh viên theo học một loạt chuyên ngành từ chủ nghĩa tư bản tới nha khoa. Tất cả đều được giảng viên quốc tế dạy bằng tiếng Anh.

Do lệnh cấm của Mỹ, PUST tuyển dụng khoảng 50 giáo sư chủ yếu từ châu Âu và Trung Quốc. Trường cũng thực hiện giảng dạy trực tuyến với các giáo sư từ nước ngoài qua ứng dụng Skype. Hiệu trưởng Chon gần đây còn tổ chức các cuộc họp với một số trường đại học ở Hàn Quốc như Đại học Quốc gia Chonnam. Họ sẵn sàng gửi giáo viên tới PUST làm việc khi quan hệ liên Triều tốt đẹp.

Nam Sung-wook, một giáo sư nghiên cứu về Triều Tiên tại Đại học Hàn Quốc, tiết lộ rằng các sinh viên tại PUST rất thông minh nhưng vẫn ủng hộ mạnh mẽ ý thức hệ của đất nước nhằm hạn chế nguy cơ bị lật đổ bởi những tư tưởng phương Tây. "Vấn đề lớn sẽ xuất hiện nếu họ dễ dàng thay đổi tư tưởng", Nam cho biết.

Sinh viên tốt nghiệp tại PUST sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc nối liền khoảng cách giữa Bình Nhưỡng và Washington nếu đất nước mở cửa với thế giới.

"Đã có 520 người tốt nghiệp và 550 sinh viên đang học, tổng cộng là hơn 1.000 người. Họ hiểu chúng tôi và có tầm nhìn toàn cầu, có thể nói chuyện và đàm phán với các nhà đầu tư nước ngoài", Chon cho biết.

Các sinh viên PUST trong một tiết học. Ảnh: Reuters.

Các khu chợ, tiệc pizza và internet

Chon từng làm việc 30 năm trong ngành công nghiệp dầu mỏ trước khi tới Trung Quốc và Triều Tiên giảng dạy về kỹ thuật điện. Ông được truyền cảm hứng để giúp Bình Nhưỡng sau nạn đói vào giữa những năm 1990.

Nền kinh tế Triều Tiên từng hoạt động theo mô hình kế hoạch hóa tập trung giống Liên Xô, nhưng hiện nay đã trở thành một hệ thống phát triển với các khu chợ do cảnh sát kiểm soát gọi là "jangmadang", nơi người dân có thể mua bán các sản phẩm tự sản xuất hoặc nhập khẩu.

Các nhân viên PUST tới mua đồ tại một khu chợ lớn tên là Tongil ba lần một tuần để nấu ăn cho sinh viên và cán bộ trong trường. Khu chợ có một tầng trên cao để đặt một số văn phòng và quầy đổi tiền, nơi Chon tới để đổi USD sang tiền Triều Tiên.

"Tôi nghĩ đất nước đã thay đổi nhiều trong những năm qua. Người dân quan tâm hơn tới các quốc gia khác và thoải mái hơn khi gặp chúng tôi", Chon chia sẻ. Bất chấp lệnh cấm, giá thực phẩm và nhiên liệu phần lớn vẫn ổn định dưới thời lãnh đạo Kim Jong-un do ông cho phép mở cửa các khu chợ, các chuyên gia cho biết.

Sinh viên tại PUST là những người hiếm hoi được quyền truy cập internet và có cơ hội học tại nước ngoài.

"Chúng tôi đã trải qua thời kỳ khó khăn dưới lệnh trừng phạt. Nhưng giờ đây, tôi nghĩ chúng tôi có thể làm những gì mình muốn để đạt được mục tiêu ban đầu, chẳng hạn như đóng góp cho hòa bình", Chon cười lớn.

Mỗi tháng, nhà trường gửi một khoản tín dụng trị giá 10 USD vào thẻ của sinh viên để họ có thể mua các vật dụng như vở viết hoặc nước tại một cửa hàng trong trường. Họ thậm chí có thể mua pizza từ bên ngoài cho các bữa tiệc sinh nhật.

"Cuộc sống tại đây là một bí ẩn với hầu hết thế giới, nhưng các sinh viên và nếp sinh hoạt trong trường học của chúng tôi không khác nhiều so với những người khác", Chon nói.

Tác giả: Ánh Ngọc

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP