Thế giới

Công việc "hóc búa" nhất trong ngành ngoại giao Mỹ

Được xem là nắm giữ công việc khó nhất trong nền ngoại giao Mỹ, đặc phái viên phụ trách vấn đề Triều Tiên Joseph Yun luôn phải đứng giữa 1 bên là Tổng thống Mỹ, người không muốn đàm phán với Bình Nhưỡng, và 1 bên là Triều Tiên không muốn lắng nghe.

Đặc phái viên phụ trách vấn đề Triều Tiên Joseph Yun (Ảnh: Reuters)

Theo Reuters, ông Joseph Yun, người nắm giữ trọng trách đại diện cho Mỹ thương lượng với Triều Tiên, được coi là hy vọng của Washington nhằm giảm thiếu tối đa rủi ro chiến tranh bùng nổ trên bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, chính quyền ông đang phục vụ dường như lại đang có sự chia rẽ rõ rệt về đối sách xử lý vấn đề này.

Phía bên kia chiến tuyến, Bình Nhưỡng có vẻ cũng không lấy làm mặn mà với việc đối thoại, ít nhất là đến khi họ phát triển thành công tên lửa tích hợp đầu đạn hạt nhân có khả năng tấn công tới lãnh thổ Mỹ.

Dù phải đối mặt với những khó khăn chồng chất, ông Yun, một người Mỹ gốc Hàn Quốc vẫn chia sẻ với các đồng nghiệp rằng ông mong những nỗ lực ngoại giao của ông có thể làm hạ nhiệt và giảm thiểu rủi ro bùng phát một cuộc chiến tranh hạt nhân nguy hiểm.

Reuters đã phỏng vấn các quan chức ngoại giao Mỹ và Hàn Quốc và phần lớn những người được hỏi đều tỏ ra hoài nghi về khả năng thành công của ông Yun.

“Ông ấy thật mơ mộng”, một quan chức Nhà Trắng chia sẻ. “Tôi không nghĩ điều này sẽ đi đến đâu cả”, một quan chức khác nhận định dù người này vẫn đồng ý rằng Mỹ vẫn cần giữ quan hệ với Triều Tiên ở 1 mức nào đó.

Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều lần chia sẻ với các trợ tá rằng đe dọa quân sự từ Mỹ sẽ khiến Triều Tiên đầu hàng và phải từ bỏ tham vọng hạt nhân. Trong khi đó, ông Yun lại đang nỗ lực triển khai các phương án ngoại giao trực tiếp với Bình Nhưỡng tại Liên Hợp Quốc cũng như bàn thảo về việc thả những công dân Mỹ bị Triều Tiên giam giữ. Hồi tháng 6, ông Yun là người góp công lớn trong vụ thả sinh viên người Mỹ Otto Warmbier.

Tình thế "ngàn cân treo sợi tóc"

Ông Yun trong một buổi họp (Ảnh: Reuters)

Ông Trump ngày 3/11 đã bắt đầu thực hiện chuyến công du châu Á đầu tiên kể từ khi nhậm chức trong bối cảnh một trợ tá cấp cao của ông cho biết thế giới đã hết kiên nhẫn để đối phó với vấn đề Triều Tiên. Đằng sau những tuyên bố cứng rắn đó, ông Yun vẫn phải tiếp tục nỗ lực hết sức giữ vững được đường dây thông tin liên lạc “mỏng manh” giữa 2 quốc gia, nhằm tránh bất cứ tính toán sai lầm nào có thể gây ra những hậu quả khôn lường.

Nhận định về những khó khăn mà ông phải đối mặt tại Seoul, các quan chức Hàn Quốc nhận định rằng những nỗ lực ngoại giao của ông đang thiếu đi sự ủng hộ cần thiết của Nhà Trắng. Họ cho rằng ông Yun chính là người phù hợp cho vị trí thương lượng với Triều Tiên, nhưng sự chia rẽ về phương án đối phó với Bình Nhưỡng trong chính quyền Mỹ đang gây ảnh hưởng tới những nỗ lực của ông.

Ngày 30/9, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho biết Mỹ vẫn đang tìm kiếm phương án ngoại giao với Triều Tiên, nhưng ông Trump đã lên mạng xã hội Twitter tuyên bố đó là phương án “lãng phí thời gian”.

Mặc dù vậy, ông Yun vẫn giữ quan điểm rằng ngoại giao là chìa khóa để mở ra những cơ hội mới và việc từ chối cơ hội để trao đổi và thương lượng có thể sẽ đẩy 2 bên vào thế khó khăn hơn khi giải quyết mâu thuẫn sau này.

Nhưng rõ ràng là quan điểm của ông Yun vẫn đối nghịch với ông Trump và một số trợ tá thân thiết của ông. Cố vấn an ninh quốc gia H.R. McMaster cho rằng Mỹ không thể tốn thêm thời gian vào những cuộc đàm phán kéo dài và hoài nghi những cuộc thương lượng này giống như biện pháp “câu giờ” của Triều Tiên để tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân.

Hiện căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi cả Washington và Bình Nhưỡng liên tục đe dọa đầu lẫn nhau. Trong khi Mỹ nhiều lần tuyên bố sẽ tính đến phương án quân sự để giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân thì Triều Tiên luôn giữ vững lập trường rằng chương trình hạt nhân của họ là "không thể thương lượng".

Tác giả: Đức Hoàng

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP