Thế giới

Công chúa Nhật Bản du học Anh để 'một lần được là chính mình'

Công chúa Aiko muốn một lần trải nghiệm cuộc sống không bị ràng buộc bởi các quy tắc của hoàng gia.

Công chúa Aiko (phải) chụp cùng cha mẹ vào ngày sinh nhật 55 tuổi củaThái tử Naruhito (giữa) tại cung điện Togu, Tokyo, Nhật Bản, hồi tháng 2/2015. Ảnh: AP.

Công chúa Aiko, con gái duy nhất của Thái tử Nhật Bản Naruhito, sẽ có ba tuần học tập tại trường Eton College, ngoại ô thủ đô London, Anh từ cuối tháng 7 đến đầu tháng 8, theo kênh truyền hình quốc gia NHK.

Theo sự sắp xếp của Cơ quan Nội chính Hoàng gia Nhật, công chúa 16 tuổi sẽ sống trong ký túc xá, tham gia các lớp học tiếng Anh và tìm hiểu về nền văn hóa Anh. Dù chính Công chúa Aiko chủ động đề nghị đi du học ngắn hạn ở Anh, quyết định này được cho là do ảnh hưởng từ cha mẹ.

Thái tử Naruhito, người sẽ kế vị Nhật hoàng vào ngày 30/4/2019, từng học khóa tiếng Anh cấp tốc kéo dài ba tháng vào mùa hè năm 1983 trước khi nhập học trường Merton thuộc đại học Oxford.

Trong thời gian học tại trường Merton, Nhật hoàng tương lai là thành viên của hội sinh viên Nhật Bản và kịch nghệ đồng thời chủ tịch danh dự của hai câu lạc bộ võ Judo và Karate. Ông còn tham gia các giải thi đấu quần vợt liên trường và học đánh golf. Khi sống tại Anh, Thái tử đã chinh phục ba ngọn núi cao nhất ở Anh, Scotland, và xứ Wales.

Kết thúc ba năm đại học, Thái tử Naruhito viết luận văn tốt nghiệp với chủ đề nghiên cứu về giao thông và điều hướng ở thượng nguồn sông Thames trong thế kỷ thứ 18. Thái tử Naruhito cho biết ông đã ghé ít nhất 21 quán rượu lịch sử trong khu vực trong quá trình đi thực địa để hoàn thành khóa luận.

Đặc biệt, Thái tử có mối quan hệ gần gũi với gia đình Hoàng gia Anh. Ông bày tỏ sự ngạc nhiên trước phong cách sống nhẹ nhàng của họ, khác xa với lối sống bó buộc của hoàng gia Nhật Bản. "Nữ hoàng Elizabeth tự rót trà và lấy bánh sandwich", Thái tử Naruhito ngạc nhiên kể trong một cuốn sách do nhà báo phương Tây chắp bút.

Quyết định đi du học của Công chúa có thể còn do ảnh hưởng từ mẹ. Năm 1988, Thái tử phi Masako Owada khi đó là một cán bộ ngoại giao đang trên đà thăng tiến, được Bộ cử đi học về quan hệ quốc tế tại Anh.

'Được là chính mình'

Công chúa Aiko (trái) và Công chúa Hà Lan Amalia tại Cung điện Het Loo ở Apeldoorn, Hà Lan, ngày 18/8/2006. Ảnh: Hello.

"Tôi nghĩ việc đi du học có lợi cho công chúa vì nhiều lý do", phó giáo sư Makoto Watanabe giảng dạy về truyền thông tại trường Đại học Hokkaido Bunkyo nhận xét. "Hoàng gia Nhật Bản có mối quan hệ thân thiết với Hoàng gia Anh hơn so các gia đình hoàng gia khác. Và họ là một trong số ít hoàng tộc nói tiếng Anh. Điều này rõ ràng quan trọng đối với công chúa Aiko và cha mẹ cô".

Chuyên gia này cho biết nhiều thành viên của hoàng gia Nhật từng du học tại xứ sở sương mù nên "họ hiểu đó là một nơi an toàn và công chúa sẽ học tập trong nền giáo dục tốt". Gần đây nhất, Công chúa Mako, em họ của Công chúa Aiko, vừa hoàn thành chương trình thạc sĩ về nghệ thuật bảo tàng và phòng triển lãm tại Đại học Leicester. Trong suốt thời gian học và hai tháng thực tập ở Anh, Công chúa Mako đã giấu kín thân phận hoàng tộc của mình.

Theo phó giáo sư Wantanabe, cuộc sống hoàng gia có thể rất áp lực với những thành viên trẻ tuổi và họ hiếm có cơ hội để được sống cho bản thân. Năm 14 tuổi, Công chúa Aiko từng nghỉ học hơn một tháng vì áp lực thi cử. Hồi 8 tuổi, có giai đoạn, công chúa không dám tới trường vì bị bạn học trêu chọc và bắt nạt. Công chúa Aiko còn mắc chứng đau dạ dày vì lo âu và căng thẳng.

"Nhưng ở Anh, sẽ không có ai biết công chúa, cô ấy không phải sống theo kỳ vọng của bất cứ ai, cô ấy có thể được là chính mình một lần trong đời", phó giáo sư Wantanabe nói. Ngoài ra, "điều quan trọng nhất là khi sống ở một quốc gia khác, công chúa sẽ tiếp xúc với một quan điểm sống toàn cầu hơn".

Tác giả: An Hồng

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP