Giáo dục

Còn "mặn mà" xét tuyển qua thi đánh giá năng lực, tư duy?

Mỗi năm có hàng trăm ngàn thí sinh thi đánh giá năng lực do các đại học tổ chức, song nhiều trường cho biết hiệu quả tuyển sinh không cao

Trong 2 ngày 18 và 19-1, Đại học (ĐH) Bách khoa Hà Nội tổ chức kỳ thi đánh giá tư duy 2025 cho 14.000 thí sinh. Theo PGS-TS Nguyễn Phong Điền, Phó Giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội, năm 2025, trường giảm còn 3 đợt thi nhưng tăng số kíp thi ở mỗi đợt.

Hướng đến mục tiêu phân loại cao

Thí sinh dự thi đợt 1 của ĐH Bách khoa Hà Nội chủ yếu đến từ các tỉnh phía Bắc, từ Hà Tĩnh trở ra. Các điểm thi trải dài trong vùng đồng bằng Bắc Bộ như Hải Dương, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình... Các điểm thi ở Hà Nội chiếm 40%-50% số thí sinh. "Năm 2025, ĐH Bách khoa Hà Nội đặt thêm một điểm thi ở phân hiệu 2 của ĐH Thái Nguyên, tỉnh Lào Cai" - PGS-TS Nguyễn Phong Điền cho biết.

Theo PGS-TS Nguyễn Phong Điền, nhiều công nghệ khảo thí hiện đại đã được áp dụng cho kỳ thi này, như công nghệ xây dựng câu hỏi tư duy chuẩn hóa, lý thuyết cầu trong đề thi, chấm thi theo mô hình IRT nhiều tham số, check-in tự động theo căn cước công dân tích hợp hệ thống quản lý dữ liệu cá nhân để định danh thí sinh dự thi...

Thí sinh dự kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức ngày 19-1. Ảnh: THANH LÊ

"Nhà trường đã chốt kết quả thi vào ngày 23-1. Đến ngày 24-1, trường chuyển toàn bộ giấy báo kết quả thi cho thí sinh. Năm nay, kết quả thi sẽ làm trên phiên bản số chứ không gửi theo phiên bản giấy" - ông Nguyễn Phong Điền tiết lộ.

Dự kiến, 3 đợt thi đánh giá tư duy năm 2025 của ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ đáp ứng khoảng 75.000 lượt thi. Đến nay, hơn 50 cơ sở giáo dục ĐH cho biết sẽ sử dụng kết quả này để xét tuyển.

Theo lãnh đạo ĐH Bách khoa Hà Nội, trường tiếp tục hướng đến mục tiêu đưa kỳ thi đánh giá tư duy trở thành kỳ thi có độ phân loại cao, phục vụ việc xét tuyển ĐH.

Trúng tuyển nhiều nhưng nhập học ít

ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông - Trường ĐH Công Thương TP HCM, cho biết trong 3 năm qua, trường đã áp dụng các phương thức xét tuyển chính, như: sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển học bạ THPT và xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP HCM.

Trong các phương thức này, tỉ lệ sinh viên nhập học năm 2023 theo phương thức xét tuyển bằng học bạ THPT khoảng 33%, xét tuyển bằng đánh giá năng lực 4,5%, xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT 59%. Năm 2024, tỉ lệ sinh viên nhập học qua xét tuyển bằng học bạ THPT khoảng 30%, xét tuyển bằng điểm thi đánh giá năng lực khoảng 4,0%, xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT khoảng 62%.

Theo ThS Phạm Thái Sơn, phương thức xét điểm thi đánh giá năng lực có nhiều thí sinh tham gia xét tuyển lại đăng ký xét tuyển ở các nguyện vọng 2, 3, 4. Năm 2024, trường gọi nhập học khoảng 2.100 thí sinh nhưng chỉ có 280 em.

TS Quách Thanh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, cho biết mỗi năm, trường dành 10% chỉ tiêu cho phương thức đánh giá năng lực nhưng kết quả chỉ đạt 5%. TS Quách Thanh Hải nhận xét kỳ thi của ĐHQG TP HCM đánh giá năng lực toàn diện nhưng không phải thí sinh nào cũng đáp ứng. Trong khi đó, xét tuyển học bạ hay xét kết quả thi tốt nghiệp THPT đều có ưu điểm riêng.

TS Nguyễn Quốc Anh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP HCM, nhận định trong 3 năm qua, xét tuyển học bạ và theo kết quả thi THPT vẫn là 2 phương thức chính, chiếm khoảng 95% tổng chỉ tiêu tuyển sinh.

Điều chỉnh giảm tỉ lệ xét tuyển

Theo đại diện các trường, kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP HCM chủ yếu dành cho thí sinh có nguyện vọng vào các trường thành viên ĐHQG này. Do đó, tính hiệu quả cũng không cao khi xét tuyển vào các trường khác. Vì vậy, những năm qua, nhiều trường đã điều chỉnh chỉ tiêu xét tuyển chỉ khoảng 3%-5% theo phương thức này...

Tác giả: Huy Lân - Yến Anh

Nguồn tin: Báo Người Lao động

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP