Tin địa phương

Cơ hội lịch sử để Quảng Trị trở thành cực tăng trưởng mới của khu vực Bắc Trung Bộ

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng cho rằng, việc sáp nhập hai tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình là cơ hội lịch sử để tỉnh Quảng Trị (mới) vươn lên mạnh mẽ, tạo nên cực tăng trưởng mới, đầy triển vọng cho khu vực Bắc Trung Bộ.

Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV - Ảnh: VGP

Theo Báo điện tử Chính phủ, sáng 8/7, tại tỉnh Quảng Trị, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị, bà Nguyễn Minh Tâm - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã báo cáo với cử tri kết quả kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Cũng tại cuộc tiếp xúc, nhiều cử tri đã bày tỏ phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ hướng đến một giai đoạn mới trong phát triển đất nước và sự tâm huyết, tầm nhìn của các đại biểu Quốc hội để "được dân yêu, dân tin, dân mến". Đồng thời, các đại biểu cũng đề xuất, kiến nghị một số vấn đề liên quan đến triển khai các dự án đầu tư, bảo vệ môi trường, bảo đảm an sinh, giáo dục, hoạt động của đơn vị hành chính cấp phường xã,…

Sau khi lắng nghe ý kiến của các cử tri, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng cho biết, kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV ghi dấu bước ngoặt lớn trong lịch sử lập hiến, lập pháp của Quốc hội và cả nước, với tinh thần cải cách thể chế toàn diện, sắp xếp bộ máy mạnh mẽ và những quyết sách chiến lược mở đường cho giai đoạn phát triển mới của đất nước đã diễn ra thành công tốt đẹp.

Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, việc sáp nhập 2 tỉnh (Quảng Trị, Quảng Bình) là cơ hội lịch sử để tỉnh Quảng Trị mới vươn lên mạnh mẽ, tạo nên cực tăng trưởng mới, đầy triển vọng cho khu vực Bắc Trung Bộ - Ảnh: VGP

Qua 2 đợt, Quốc hội đã hoàn thành khối lượng lập pháp lớn nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay, bao gồm: Xem xét, thông qua 34 luật, 13 nghị quyết quy phạm pháp luật, bằng gần 2/3 tổng số luật được ban hành tại 16 kỳ họp trước của Khóa XV; cho ý kiến về 6 dự án luật quan trọng.

Đặc biệt, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp với tỷ lệ đồng thuận tuyệt đối; thông qua Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh và nhiều luật, nghị quyết để thiết lập nền tảng pháp lý đồng bộ phục vụ triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.

Ngay sau đó, vào ngày 30/6, tại 34 tỉnh, thành phố trên cả nước, chúng ta đã cùng chứng kiến lễ công bố các nghị quyết, quyết định về sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã.

"Đây là dấu mốc lịch sử, một sự kiện chính trị trọng đại, không chỉ đối với Quảng Trị và Quảng Bình, mà còn là bước ngoặt trong hành trình đổi mới toàn diện đất nước, khẳng định quyết tâm xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu quả", Phó Thủ tướng khẳng định.

Cũng theo Phó Thủ tướng, việc sáp nhập thể hiện tầm nhìn chiến lược, ý chí mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước, hướng tới một nền hành chính công vụ hiện đại, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình, phát triển giàu mạnh, thịnh vượng.

Phó Thủ tướng cho rằng, việc sáp nhập hai tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị là cơ hội lịch sử để tạo nên cực tăng trưởng mới, đầy triển vọng cho khu vực Bắc Trung Bộ, cụ thể như: Mở rộng không gian phát triển; tối ưu hóa mạng lưới giao thông, thúc đẩy logistics và thương mại quốc tế, hội tụ đầy đủ điều kiện phát triển mô hình kinh tế mở, hiện đại; du lịch đa dạng, bền vững; trở thành trung tâm năng lượng sạch; phát triển kinh tế biển; văn hóa phong phú.

Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, việc sáp nhập 2 tỉnh bước đầu cũng không tránh khỏi một số thách thức. Đơn cử như tâm lý lo lắng của cán bộ và người dân; vấn đề về bảo tồn bản sắc văn hóa địa phương; phát triển kinh tế không đồng đều, mất cân bằng có thể xảy ra.

Nhấn mạnh bước vào một giai đoạn phát triển mới, đứng trước nhiều thời cơ và thách thức mới, tỉnh Quảng Trị mới cần có sự đồng thuận xã hội, chiến lược quy hoạch bài bản và cơ chế chính sách linh hoạt, lấy người dân và nhà đầu tư làm trung tâm, Phó Thủ tướng đề nghị các cấp ủy, chính quyền tỉnh Quảng Trị khẩn trương, quyết liệt triển khai đồng bộ một số nhiệm vụ trọng tâm.

Trước hết, cấp ủy, chính quyền phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu; cán bộ, đảng viên đổi mới tư duy, hành động vì lợi ích chung, loại bỏ tư tưởng cục bộ, bảo thủ, dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn đổi mới trong tổ chức thực hiện.

Cần bảo đảm hệ thống chính quyền địa phương 2 cấp vận hành thông suốt, đồng bộ, không để xảy ra gián đoạn trong cung ứng dịch vụ công; chủ động rà soát, điều chỉnh, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình tổ chức bộ máy.

Tỉnh tập trung xây dựng Văn kiện Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2025-2030 theo hướng kết tinh tầm nhìn liên vùng, thể hiện khát vọng phát triển mạnh mẽ và tư duy cải cách, không đơn thuần là sự chắp nối giữa hai chiến lược cũ.

Các cử tri tham dự Hội nghị - Ảnh: VGP

Ngoài ra, tập trung điều chỉnh Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050; xác định rõ vai trò của từng khu vực, khai thác tối đa tiềm năng và tạo ra một hệ sinh thái kinh tế liên kết chặt chẽ cho tỉnh Quảng Trị mới; tiếp tục đầu tư vào hạ tầng chiến lược, mở rộng không gian phát triển thông qua tập trung đầu tư hạ tầng giao thông kết nối vùng, các trục động lực, hạ tầng khu kinh tế; rà soát điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch và triển khai đồng bộ hạ tầng lưới điện, các công trình, dự án điện, trọng tâm là năng lượng tái tạo; chủ động cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; ưu tiên số hóa các ngành kinh tế chủ lực; chú trọng hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp số tại Đồng Hới và Đông Hà, khơi dậy tinh thần sáng tạo của thanh niên, phụ nữ, nông dân.

Bên cạnh đó, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống đa dạng các dân tộc, biến văn hóa thành nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế; chú trọng quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.

Gắn tăng trưởng kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội; thực hiện tốt các chính sách cho người có công; nâng cao chất lượng đời sống, chăm lo vật chất, tinh thần của nhân dân để mọi người dân không ai bị bỏ lại phía sau, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, có cơ chế đặc thù hỗ trợ người dân vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số.

Tăng cường công tác tuyên truyền, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là vai trò của đội ngũ cán bộ cơ sở, già làng, người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số để lan tỏa thông tin chính thống, tạo đồng thuận và củng cố niềm tin trong nhân dân đối với việc sáp nhập 2 tỉnh và triển khai đơn vị hành chính 2 cấp.

Tiếp tục tăng cường quốc phòng - an ninh, bảo đảm ổn định chính trị, nâng cao chất lượng xây dựng Đảng, chính quyền.

Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng thăm Trung tâm Phục vụ dịch vụ hành chính công phường Đồng Hới - Ảnh: VGP

Về kiến nghị của cử tri, Phó Thủ tướng đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị tổng hợp đầy đủ, chuyển đến cơ quan có thẩm quyền trả lời. Các kiến nghị thuộc thẩm quyền tỉnh cần được giải quyết dứt điểm, hiệu quả.

"Tôi tin rằng, với truyền thống yêu nước, đoàn kết, với quyết tâm và sự đồng lòng của nhân dân, tỉnh Quảng Trị mới sẽ vươn lên mạnh mẽ, trở thành cực tăng trưởng mới của Bắc Trung Bộ, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước", Phó Thủ tướng bày tỏ.

Cũng trong chuyến công tác, trước khi tiếp xúc cử tri, Phó Thủ tướng và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị đã thăm Trung tâm Phục vụ dịch vụ hành chính công phường Đồng Hới và đến viếng Đền thờ Bác Hồ tại tỉnh Quảng Trị.

Tác giả: Hạ Vĩ

Nguồn tin: tapchicongthuong.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP