Giáo dục

Chuẩn giáo viên phổ thông: Vẫn nặng về hình thức

Được Bộ GDĐT tham khảo ý kiến góp ý đến hết ngày 25/5 tới, Dự thảo Thông tư quy định về chuẩn nghề nghiệp giáo viên phổ thông liên quan đến các yêu cầu cơ bản đối với giáo viên từ phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và ngoại ngữ, tin học…Nhiều ý kiến cho rằng, “chuẩn” giáo viên vẫn nặng về hình thức và thiếu tính thực tế.

Ở trường cô giáo như mẹ hiền. Ảnh minh họa.

5 tiêu chuẩn, 15 tiêu chí

Dự thảo Thông tư quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên phổ thông do Bộ GDĐT xây dựng bao gồm 5 tiêu chuẩn, 15 tiêu chí, nhằm giúp giáo viên tự đánh giá, từ đó xây dựng kế hoạch rèn luyện phẩm chất nghề nghiệp và nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ. Đây cũng là cơ sở để nhà trường đánh giá, xếp loại năng lực nghề nghiệp giáo viên, từ đó xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng phát triển năng lực nghề nghiệp của giáo viên thường xuyên, liên tục.

Mỗi giáo viên được đánh giá theo từng tiêu chí và đánh giá chung. Mỗi tiêu chí được đánh giá theo các mức “Đạt”, “Khá”, “Tốt” và “Không đạt”. Căn cứ vào kết quả đánh giá từng tiêu chí, giáo viên sẽ được xếp loại đánh giá chung các mức độ “Đạt”, “Khá”, “Tốt” hoặc “Không đạt”.

Theo Bộ GDĐT, các tiêu chuẩn và tiêu chí này được đề ra nhằm giúp giáo viên có thể tự đánh giá từ đó xây dựng kế hoạch rèn luyện phẩm chất nghề nghiệp và nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ. Đồng thời, làm cơ sở để nhà trường đánh giá, xếp loại năng lực nghề nghiệp giáo viên từ đó xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng phát triển năng lực nghề nghiệp của giáo viên thường xuyên, liên tục.

Thiếu tính thực tế

Sau khi Dự thảo quy định chuẩn giáo viên với 5 tiêu chuẩn và 15 tiêu chí được Bộ GDĐT công bố, nhiều ý kiến cho rằng dự thảo thông tư chuẩn nghề nghiệp giáo viên phổ thông của Bộ đưa ra có những tiêu chí không thực tế và mang tính hình thức dễ dẫn đến sự thỏa hiệp, cho qua.

Đơn cử như tiêu chí 4 quy định năng lực sử dụng ngoại ngữ đã gây ra tranh luận từ phía những nhà nghiên cứu giáo dục, những nhà quản lý trong nhà trường và chính giáo viên. Cụ thể, giáo viên phải sử dụng ngoại ngữ (hoặc tiếng dân tộc thiểu số đối với giáo viên công tác ở vùng dân tộc thiểu số) trong hoạt động chuyên môn và giáo dục.

Khi nhận định về tiêu chí này, nhiều giáo viên băn khoăn: Không hiểu Bộ yêu cầu kỹ năng ngoại ngữ làm gì, sử dụng như thế nào? Đừng làm cho toàn ngành đi học lấy chứng chỉ ngoại ngữ rồi vứt xó, tốn kém chi phí cho xã hội. Nếu không cẩn thận sẽ tạo ra làn sóng người người đi ‘chạy’ bằng để đáp ứng tiêu chí mang nặng tính hình thức.

Cùng với đó, trong quá trình góp ý, nhiều ý kiến cho rằng: Đã có nhiều văn bản để đánh giá, xếp loại giáo viên sau mỗi năm học. Chẳng hạn xếp loại viên chức theo Nghị định 56 Chính phủ (năm nay sửa đổi bằng Nghị định 88 Chính phủ); Đánh giá chuẩn giáo viên theo Thông tư 30 của Bộ GDĐT; Đánh giá đảng viên cuối năm (nếu là đảng viên)… Vì vậy, nội dung của Dự thảo có thể sẽ gây những quy định chồng chéo trong đánh giá giáo viên.

Nhưng ngược lại, có những tiêu chí khá chung chung, khó thẩm định và trùng lắp với Nghị định xếp loại viên chức. Ví dụ như: Phẩm chất đạo đức, chấp hành chủ trương của Đảng, Nhà nước, quy định ngành, ứng xử với đồng nghiệp, học sinh…

Tiêu chí này có thể đánh giá năm nào cũng như nhau được. Bởi theo Dự thảo thì định kỳ hàng năm, giáo viên tự rà soát, đánh giá vào cuối năm học để tự xác định mức độ đạt được theo chuẩn, từ đó xây dựng kế hoạch rèn luyện phẩm chất nghề nghiệp và nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Với những tiêu chí, tiêu chuẩn chung chung này thì chỉ cần chép lại năm này qua năm khác.

Có ý kiến khác lại cho rằng, trong các “tiêu chuẩn” và “tiêu chí” của bản đánh giá chuẩn giáo viên thì có nhiều tiêu chí không biết tìm nguồn minh chứng ra sao, lấy đâu ra giấy tờ để chứng minh. Đơn cử như ở tiêu chuẩn 1 nói về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của người giáo viên có 5 tiêu chí.

Do đó giáo viên phải tìm nguồn minh chứng. Nếu như ở tiêu chí 1, nói về phẩm chất chính trị thì giáo viên minh chứng bằng phiếu đánh giá cán bộ công chức.

Tiêu chí 5, nói về lối sống tác phong thì giáo viên là đảng viên sẽ có nguồn minh chứng bằng bản nhận xét của địa phương nơi cư trú. Riêng các giáo viên không phải là đảng viên thì khó tìm được nguồn minh chứng.

Đối với các tiêu chí 2, 3, 4 thì đánh giá về đạo đức nghề nghiệp, ứng xử với học sinh, ứng xử với đồng nghiệp thì giáo viên biết kiếm đâu ra nguồn minh chứng. Vì thế để tìm được nguồn minh chứng cho các tiêu chí nói trên là cả một vấn đề.

Tác giả: Minh Thúy

Nguồn tin: daidoanket.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP