Thế giới

Châu Âu họp khẩn cấp về cuộc khủng hoảng người tị nạn

Hội nghị khẩn cấp Liên minh Châu Âu (EU) tại Brussels, Bỉ về vấn đề khủng hoảng tị nạn nhằm tìm ra giải pháp cho những người xin tị nạn.

Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker . Ảnh: Sky news.

Nội dung thảo luận tại Hội nghị

Trong ngày hôm qua (24/6), một cuộc họp khẩn cấp đã được Chủ tịch Uỷ ban Châu Âu là ông Jean-Claude Juncker triệu tập tại Brussels nhằm bàn về vấn đề tị nạn.

Sở dĩ có cuộc họp khẩn cấp này đó là trong những ngày qua, vấn đề người tị nạn đã trở nên rất căng thẳng, không chỉ trong nội bộ các quốc gia như Italia, Tây Ban Nha hay Pháp mà còn gây ra xung đột giữa các thành viên, điển hình là giữa Pháp và Italy, và nghiêm trọng nhất, là còn đe doạ đẩy chính trường Đức rơi vào một cuộc khủng hoảng mới khi nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel phải nhận một tối hậu thư của đảng Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo- CSU rằng nếu trong 15 ngày không tìm được một thoả thuận toàn diện ở cấp độ toàn Châu Âu thì đảng CSU sẽ thực thi chính sách cứng rắn và đe doạ phá bỏ chính phủ liên minh.

Chính vì thế, các quan chức Châu Âu phải họp gấp rút bởi nếu không thì xét trên độ phức tạp hiện nay của tình hình, đến Hội nghị Thượng đỉnh EU vào các ngày 28 và 29/6 tới, chắc chắn các bên sẽ không thể tìm được tiếng nói chung.

Thực tế cũng đã cho thấy tình hình hiện nay đã hết sức cấp bách, khi các nước Đông Âu từ chối đến họp còn Pháp và Italy liên tục đả kích nhau. Vì vậy, Hội nghị này đã bàn đến 3 giải pháp rất cụ thể: một là sẽ tăng quân số của Frontex, tức là lực lượng cảnh sát tuần tra biên giới ngoại vi của Liên minh Châu Âu từ 1.500 người như hiện nay lên 10.000 người, tức là gấp gần 10 lần, đồng thời tăng ngân sách để biến lực lượng này thành cảnh sát biên phòng thực sự của Châu Âu, trong đó chức năng chính là ngăn chặn các con tàu di cư bất hợp pháp trên Địa Trung Hải.

Giải pháp thứ 2 là xây dựng các trại tị nạn bên ngoài lãnh thổ Châu Âu để sàng lọc ngay từ đầu những người xin tị nạn. Người nào là nạn nhân của chiến tranh và bạo lực thì sẽ được tiếp nhận hồ sơ còn người nào thuộc dạng tị nạn kinh tế thì khả năng sẽ bị loại bỏ.

Cuối cùng, kế hoạch thứ 3 là xem xét lại “điều khoản Dublin”, tức là điều khoản quy định người tị nạn đặt chân đến nước Châu Âu nào đầu tiên thì sẽ phải gửi đơn xin tị nạn tại nước đó. Đây là điều khoản bị các nước như Italy hay Hy Lạp phản đối gay gắt bởi các nước này ở cửa ngõ phía Nam Châu Âu và gần như tất cả các con tàu tị nạn đều cập bến tại 2 nước này. Vì thế, điều khoản này bị cho là quá phân biệt đối xử, tạo ra gánh nặng quá lớn cho các nước Nam Âu giáp Địa Trung Hải, nên cần phải thay đổi.

Vấn đề gây tranh cãi

Trong số các vấn đề nghiêm trọng nhất do cuộc khủng hoảng tị nạn hiện nay gây ra thì trước hết phải nhắc đến nguy cơ tan rã chính phủ liên minh tại Đức. Nguyên nhân là do đảng CSU, vốn là liên minh thân thiết từ năm 1949 với đảng Dân chủ Cơ đốc giáo – CDU của bà Merkel, đưa ra quan điểm cứng rắn là bà Angela Merkel phải thay đổi chính sách tiếp nhận người tị nạn hiện nay của chính phủ Đức, đồng thời phải tìm kiếm được một thoả thuận cùng các nước Châu Âu khác để ngăn làn sóng tị nạn đổ về Châu Âu và Đức.

Sở dĩ CSU đưa ra tối hậu thư cứng rắn như thế là do đảng này sắp phải đối mặt với cuộc bầu cử vào tháng 10 ở bang truyền thống là bang Bavaria nên không muốn vì vấn đề tị nạn mà chịu thất bại. Vì thế, sức ép với bà Merkel là rất lớn và trong kịch bản tệ hại nhất thì bà Merkel có thể sẽ mất chức Thủ tướng Đức, và với việc Đức là nền kinh tế số 1 Châu Âu thì một rủi ro như thế sẽ có tác động cực lớn đến Châu Âu.

Tuy nhiên, ngoài chuyện nội bộ của Đức thì còn có tranh cãi gay gắt giữa các nhà lãnh đạo Pháp và Italy, cụ thể là giữa Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron với Thủ tướng Italy, Giuseppe Conte và Bộ trưởng Nội vụ Italy, ông Matteo Salvini. Nguyên nhân là do ông Macron chỉ trích việc Italy không chịu nhận các con tàu cứu hộ người tị nạn là “vô trách nhiệm” và “không tuân thủ luật pháp quốc tế” còn phía Italia thì cáo buộc Pháp là “đạo đức giả” khi chính Pháp cũng từ chối nhận thêm người.

Tiếp đến, vấn đề tị nạn cũng gây ra rạn nứt lớn giữa các nước Tây Âu với các thành viên Đông Âu. Trong cuộc họp khẩn cấp hôm 24/5 thì nhiều nước Đông Âu như Ba Lan, Hungary hay Cộng hòa Czech đã từ chối đến họp. Từ trước đến nay thì các nước này luôn phản đối việc chia sẻ gánh nặng với các nước khác và từ chối các kế hoạch phân bổ người tị nạn, thậm chí như Hungary còn từ chối cho các tổ chức phi chính phủ đến Hungary để trợ giúp cho người tị nạn. Vì thế, những nhà lãnh đạo Tây Âu như Tổng thống Pháp Macron, Thủ tướng Đức Merkel đã nhiều lần công khai đòi hỏi phải trừng phạt về mặt tài chính với các nước này.

Nhìn chung thì ở thời điểm này, vấn đề tị nạn giống như một quả bom nổ chậm, đe doạ tất cả các nước Châu Âu, từ trong nội bộ các nước, cho đến quan hệ giữa các nước và tầm cao hơn là cả bộ máy quản trị của Liên minh Châu Âu.
Giải pháp cho cuộc khủng hoảng

Cuộc khủng hoảng tị nạn đã bùng phát tại Châu Âu trong giai đoạn cao điểm các năm 2015 và 2016 khi có hàng triệu người đổ về Châu Âu nhưng cho đến nay thì Châu Âu vẫn chưa có giải pháp đối phó nào được coi là toàn diện và hiệu quả.

Nguyên nhân thì có nhiều nhưng cốt lõi của vấn đề là nằm ở bài toán địa chính trị của khu vực Trung Đông và Bắc Phi. Làn sóng người tị nạn bắt đầu bùng lên tại Châu Âu trùng với quãng thời gian mà tại khu vực Trung Đông và Bắc Phi liên tục có những biến động chính trị to lớn, như sự sụp đổ của nhà nước Libya, rồi việc Syria lâm vào cuộc nội chiến đẫm máu, tổ chức khủng bố nhà nước Hồi giáo –IS phát triển mạnh tại Syria và Iraq.

Tất cả những biến động này đã đẩy khu vực Trung Đông vào vòng xoáy của chiến tranh, bạo lực và khiến hàng triệu người bị mất nhà cửa, buộc phải di tản để tránh chiến tranh. Và làn sóng hàng triệu người này đổ về Châu Âu, gây ra cuộc khủng hoảng tị nạn như hiện nay. Vì thế, muốn giải quyết được dứt điểm vấn đề tị nạn thì phải giải quyết tận gốc rễ vấn đề, đó là ổn định lại khu vực Trung Đông-Bắc Phi, xây dựng lại các nhà nước vững mạnh tại khu vực này. Chỉ khi đó thì người dân khu vực này mới yên tâm ở lại đất nước của mình và các chính phủ tại khu vực mới có đủ quyền lực thực sự để kiểm soát chặt chẽ các đường biên giới.

Đây mới là giải pháp cốt lõi để ngăn chặn dòng người tị nạn đổ về Châu Âu mà muốn như thế thì Châu Âu phải thay đổi các chính sách ngoại giao và an ninh, phải ngừng việc can thiệp làm bất ổn khu vực Trung Đông, phải hợp tác để nhanh chóng tìm ra giải pháp cho cuộc chiến Syria cũng như xây dựng lại nhà nước Libya. Đồng thời Châu Âu cũng phải gia tăng các hỗ trợ tài chính cho các nước châu Phi để các nước này kiểm soát tốt hơn dòng người tị nạn ngay trên nước mình.

Đó là chiến lược về dài hạn còn trước mắt, Châu Âu cần phải siết chặt kỷ luật, đưa ra các giải pháp có tính bắt buộc với tất cả các thành viên về san xẻ trách nhiệm, đi kèm với đó là các chế tài xử phạt nghiêm khắc. Chỉ như thế mới có thể buộc tất cả các thành viên cùng tuân thủ và khiến cho 1 số nước như Italy, Hy Lạp hay Tây Ban Nha, tức là các nước phải nhận đến 90% lượng người tị nạn trên Địa Trung Hải, không cảm thấy bất công.

Tác giả: Quang Dũng

Nguồn tin: Báo VOV

  Từ khóa: Châu Âu , người tị nạn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP