Thế giới

Các nước lên tiếng việc Trung Quốc đưa tên lửa đến Trường Sa

Australia, Philippines bày tỏ quan ngại việc Trung Quốc có thể đã đưa tên lửa đến các đảo nhân tạo thuộc quần đảo Trường Sa trên Biển Đông, còn Mỹ cảnh báo Bắc Kinh có thể phải đối mặt với “hậu quả” trước mắt và lâu dài.

Ngoại trưởng Australia Julie Bishop (Ảnh: AFP)

Bắc Kinh có thể đối mặt với “hậu quả”

Hãng tin CNBC ngày 2/5 dẫn thông tin tình báo của Mỹ cho biết, quân đội Trung Quốc đã lắp đặt hệ thống phòng không và chống hạm phi pháp tại 3 tiền đồn quân sự mà Bắc Kinh xây dựng trái phép trên Đá Chữ Thập, Đá Xu Bi và Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam trong vòng 1 tháng trở lại đây.

Theo CNBC, loại tên lửa mà Trung Quốc được cho là mang tới quần đảo Trường Sa là tên lửa chống hạm YJ-12B và tên lửa đất đối không tầm xa HQ-9B.

Một tổ hợp tên lửa chống hạm YJ-12 của Trung Quốc (Ảnh: National Interest)

Phản ứng về thông tin này, tại cuộc họp báo hôm qua, Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders nói: "Chúng tôi (Mỹ) nắm rất rõ hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông. Chúng tôi đã trực tiếp bày tỏ quan ngại với Trung Quốc về vấn đề này. Nó sẽ kéo theo hậu quả trước mắt và lâu dài".

Australia cũng lên tiếng bày tỏ quan ngại về động thái quân sự của Trung Quốc. Ngoại trưởng Australia Julie Bishop nói, nếu thông tin truyền thông là chính xác, chính phủ Australia thực sự "quan ngại" về điều này.

"Điều đó (triển khai tên lửa) trái với tuyên bố của Trung Quốc rằng họ sẽ không quân sự hóa các thực thể trên Biển Đông. Tất nhiên, Trung Quốc phải có trách nhiệm của một thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đảm bảo hòa bình và an ninh trên toàn thế giới", bà Bishop nói.

Người đứng đầu ngành ngoại giao Australia cũng nhấn mạnh, bất cứ hành động đơn phương nào của Bắc Kinh nhằm quân sự hóa các thực thể trên Biển Đông là đi ngược lại với trách nhiệm đó.

Cùng ngày, Văn phòng Tổng thống Philippines cũng ra thông cáo bày tỏ quan ngại về thông tin Trung Quốc triển khai tên lửa ở Trường Sa.

"Chúng tôi quan ngại về thông tin Trung Quốc triển khai tên lửa trên Biển Đông", phát ngôn viên của Tổng thống Philippines Harry Roque nói. Ông cũng nhấn mạnh, chính quyền của Tổng thống Rodrigo Duterte sẽ tận dụng mọi biện pháp ngoại giao để giải quyết vấn đề này.

Trung Quốc đã “vượt quá giới hạn”

Đá Chữ Thập, nơi Trung Quốc được cho là đã triển khai trái phép tên lửa (Ảnh: AFP)

Bình luận về việc Bắc Kinh có thể đã triển khai tên lửa ở Trường Sa, ông Gregory Poling, chuyên gia tại Viện nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS), nói: “Điều này có thể coi là Trung Quốc đang vượt qua một giới hạn quan trọng. Việc triển khai các hệ thống tên lửa này là một mối đe dọa quá rõ ràng và cho thấy một bước đi nữa của Trung Quốc nhằm kiểm soát hoàn toàn vùng biển và vùng trời ở Biển Đông”.

“Rõ ràng, các tên lửa này được đưa tới đây ít nhất từ năm ngoái khi Trung Quốc xây dựng các nhà chứa cho chúng trên các đảo nhân tạo… Giờ đây tất cả tàu thuyền, máy bay hoạt động gần Trường Sa đều nằm trong tầm hoạt động của tên lửa Trung Quốc”, chuyên gia Poling bình luận thêm.

Bonnie Glaser, chuyên gia của CSIS, cũng nói rằng bà không thể lý giải vì sao Trung Quốc chọn thời điểm này để triển khai các hệ thống tên lửa ở Trường Sa. Chuyên gia này cho rằng, bước tiếp theo của Trung Quốc sẽ là triển khai các máy bay chiến đấu tới các đảo xây dựng phi pháp trên Biển Đông, tiến hành các cuộc tập trận quân sự với lực lượng triển khai ở đó.

“Trung Quốc tiếp tục tìm cách bành trướng kiểm soát vùng trời và vùng biển ở Biển Đông”, bà Glaser cảnh báo.

Về phía Trung Quốc, tại cuộc họp báo hôm qua, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh không phủ nhận và cũng không xác nhận việc triển khai tên lửa phi pháp tới Trường Sa. Bắc Kinh lớn tiếng khẳng định tất cả cơ sở quân sự của nước này ở Biển Đông chỉ đơn thuần nhằm mục đích tự vệ.

Tác giả: Minh Phương

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP