Giới trẻ

Các kiểu đặt tên con lắt léo của cha mẹ Trung Quốc

Chọn sao cho con có tên thật thanh tao, tốt lành và độc đáo là việc quá khó với các bố mẹ ở đất nước 1,3 tỷ người này.

Cảnh sát ở Quảng Đông, Trung Quốc, vừa đề nghị hỗ trợ các bố mẹ trong việc chọn tên con sao cho khỏi trùng bằng cách lập một trang tìm kiếm trên ứng dụng WeChat để tra xem có bao nhiêu người trong tỉnh cùng tên.

Khác với nhiều nền văn hóa, hầu hết người Trung Quốc không muốn đặt tên con giống người thân, họ hàng. Nhưng việc tìm ra một cái tên độc đáo ở đất nước đông dân nhất thế giới có lẽ là một nhiệm vụ quá khó: Chỉ riêng năm 2014, khoảng 290.000 trẻ chào đời - gần bằng dân số nước Iceland - được khai sinh với cái tên phổ biến nhất năm đó là 张伟 (Zhang Wei).

Những cái tên được ưa chuộng thường phản ánh tinh hoa thời đại. Ngày nay, bên cạnh cách đặt tên theo truyền thống, các bố mẹ trẻ tham khảo nhiều nguồn, từ văn chương cổ đại tới văn hóa hiện đại và dưới đây là một vài trong số đó, theo Sixth Tone.

Đặt tên theo dòng họ

Theo truyền thống nông nghiệp Trung Quốc, một gia tộc chung một họ - truyền từ đời cha tới con - và đặt sẵn tên cho mỗi thế hệ. Một người cao niên được kính trọng sẽ viết đoạn thơ thể hiện mong ước về tương lai của dòng họ và mỗi thế hệ sau sẽ dùng các chữ cái tiếp theo trong đoạn thơ ấy để đặt tên. Ví dụ, những người sinh ra trong họ Li đến thế hệ dùng ký tự Zhi sẽ gồm chữ này trong tên mình, như Li Zhiqiang và Li Zhiming.

Trong một số trường hợp, cách này chỉ áp dụng cho tên nam giới. Tuy nhiên, nhiều gia đình đang phá cách vì thấy kiểu đặt tên này đã lỗi thời.

Nhiều bé gái Trung Quốc được đặt tên thể hiện mong đợi có con trai của bố mẹ. Ảnh: SBS.


Biểu tượng thời gian

Nhiều người Trung Quốc được đặt tên để lưu nhớ các sự kiện lịch sự. Các bé trai chào đời ngay sau ngày thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa năm 1949 thường được đặt tên là 建国 (Jianguo), nghĩa là lập nước. Những cậu nhóc sinh ngày quốc khánh 1/10 thường được gọi là 国庆 (Guoqing), nghĩa là lễ ăn mừng.

Theo đức tin và tôn giáo

Một số bố mẹ tìm tới các thầy bói để nhờ đặt tên con. Theo đạo giáo, tùy thuộc vào thời gian một người sinh ra, cơ thể họ có thể thiếu một trong 5 yếu tố - kim, mộc, thủy, hỏa, thổ - gây ảnh hưởng tới sức khỏe. Cha mẹ sẽ được khuyên chọn tên con sao cho khắc phục được hạn chế này, chẳng hạn bằng cách sử dụng một ký tự kết hợp được với một trong 5 yếu tố.

Từ văn học cổ điển và nhạc đương đại

"Nếu có con trai, hãy gọi là 'Chuci', nếu sinh bé gái, đặt tên là 'Shijing" là một câu nói nổi tiếng trong giới trẻ hiện nay theo xu hướng tìm về các tác phẩm văn học kinh điển của Trung Quốc.

"Chuci" là một tập các bài thơ thời Chiến Quốc từ 2.200 năm trước, trong đó có tên nhiều nam nhi nghĩa khí. "Shijing" là tác phẩm cổ hơn, tập hợp những bài thơ từ thế kỷ 11 tới thế kỷ thứ 7 trước công nguyên, là nguồn của nhiều cái tên văn vẻ cho các bé gái.

Một số cha mẹ lại tìm tên đẹp cho con từ các chương trình truyền hình hiện đại. Sau khi bộ phim "Bộ Bộ Kinh tâm" thu hút nhiều người xem năm 2011, không ít phụ huynh đặt tên con gái là Rouxi theo tên nữ nhân vật chính mạnh mẽ trong phim.

Theo vai trò giới

Cái tên thể hiện mong đợi của cha mẹ dành cho con cái - và phần nhiều trong số các mong đợi này là liên quan tới giới tính của trẻ. Tên của nhiều bé trai thường chứa chữ 松 (song) - cây tùng, biểu tượng cho sự can trường, trong khi nhiều tên bé gái có chữ 凤 (feng) nghĩa là chim phượng hoàng, biểu tượng của hoàng hậu. Các gia đình hy vọng có con trai đôi khi cũng đặt tên con gái đầu bằng chữ 招娣 (Zhaodi) nghĩa là "chào đón em trai".

Mặc dù các giá trị truyền thống vẫn ảnh hưởng tới cách đặt tên ngày nay, sự khác biệt giới trong tên gọi đang nhòa dần. Thay vì dùng các chữ thể hiện sự nam tính và nữ tính, một bố mẹ chọn những cái tên trung tính như 晨熙 (Chenxi) nghĩa là "Ban Mai" để thể hiện mong ước về một đứa con sáng láng.

Nhờ cậy đến internet

Công nghệ cũng được vận dụng trong việc đặt tên. Thay vì vò đầu bứt tai tìm một cái tên hoàn hảo, cha mẹ có thể lên internet kiếm. Trên một số trang, người dùng có thể gõ họ, ngày dự sinh và một số yêu cầu khác để nhận được một số gợi ý tên trong vài phút. Ngoài ra, có một số chương trình còn giải thích một cái tên có thể giúp ích cho tương lai của trẻ thế nào.

Văn hóa ngoại quốc cũng ảnh hưởng tới các xu hướng ở Trung Quốc khi một số bố mẹ chọn tên con gái là 安琪 (Anqi), nghĩa tương đương với từ "angel" (thiên thần) trong tiếng Anh.

Nhưng sự sáng tạo cũng có giới hạn: Để sau này được làm chứng minh nhân dân, tất cả các công dân đều phải khai sinh với tên gọi dạng Hán tự. Năm 2012, một sinh viên từ tỉnh Hồ Nam bị buộc phải đổi tên vì cảnh sát không chấp nhận. Được truyền cảm hứng bởi nhân vật 阿Q (AQ), trong tác phẩm của nhà văn Lỗ Tấn, bố cô gái đặt tên con là "A".

Tác giả: Vương Linh

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP